2010 là thời điểm iPhone đã ra đời được 3 năm và không còn ai nghi ngờ về thành công của nó - chiếc điện thoại đã định nghĩa lại khái niệm thế nào là smartphone. Nhưng với iPad, nó giống như một tờ vé số mà có lẽ Apple cũng chưa chắc mình có "trúng độc đắc" hay không. iPad quá mới mẻ, và các nhà phân tích của Asymco dự đoán doanh số trong năm đầu chỉ đạt từ 1,1 đến 7 triệu máy. 

Thực tế hoàn toàn khác xa dự đoán đó. Apple bán được tới 14,8 triệu iPad trong năm đầu.

Không hề phóng đại khi nói rằng, tương tự như iPhone đã làm nên cuộc cách mạng trong thế giới smartphone, iPad đã định nghĩa lại khái niệm về một chiếc máy tính bảng. Trước iPad, trên thị trường không hề hiếm những mẫu tablet từ các nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, chúng thường rất cồng kềnh, phiền phức, "na ná" laptop và được thiết kế chủ yếu để làm việc. iPad có thể không quá xuất sắc cho công việc, nhưng là thiết bị tuyệt vời phục vụ nhu cầu giải trí: lướt web, xem phim, chơi game...Nó tạo ra một dòng sản phẩm mới và trở thành một chuẩn mực mà ngay ở thời điểm hiện tại, những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Microsoft hay Samsung vẫn đang phải cố gắng để theo kịp. Cũng nhờ iPad, Apple tiếp tục mở rộng sự thống trị của mình trong lĩnh vực di động. "Họ đã biến máy tính bảng từ một thị trường ngách thành một dòng sản phẩm chủ đạo" - nhà phân tích Jan Dawson của Jackdaw Research nhận định.

Những con số thống kê về iPad là vô cùng ấn tượng. Apple đã bán được hơn 250 triệu máy. Hiện có hơn 675.000 ứng dụng được thiết kế tối ưu cho tablet này.

Thế nhưng, không phải con đường đều trải đầy hoa hồng với Apple và iPad. Doanh số bán trong thời gian gần đây tụt giảm, bất chấp những nỗ lực của Apple trong việc lôi kéo người dùng với việc tung ra các mẫu iPad mỏng nhẹ hơn, nhỏ hơn. Khi lần đầu tiên ra mắt iPad, một câu hỏi được nhiều người đặt ra cho Apple là liệu ai sẽ mua nó. Giờ đây, người ta lại đưa câu hỏi đó ra: Ai còn cần iPad nữa khi smartphone đang ngày càng lớn hơn, còn laptop thì ngày càng nhẹ và gọn gàng hơn.

Tim Cook, người hiện là Giám đốc điều hành (CEO) Apple nói rằng việc doanh số tụt giảm chỉ là "sự hoãn lại tạm thời", đồng thời tin rằng những cơ hội xét về mặt dài hạn vẫn còn rất lớn. Apple được đồn đang phát triển một phiên bản iPad màn hình lớn có tên "iPad Pro" hướng đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Theo nhận định của IDC, thị trường iPad trong 2015 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 2,1%, tức là đã tụt giảm một cách thê thảm nếu so với con số 294% hồi 2011. Liệu Apple có đảo ngược được tình thế và một lần nữa vực dậy thị trường máy tính bảng hay không, đó là câu hỏi mà các nhà phân tích vẫn đang đặt ra cho "Táo khuyết".

Trong báo cáo tài chính quý gần đây nhất của Apple, doanh số iPad giảm 18% xuống còn 21,4 triệu máy. Kể từ khi đạt "đỉnh" doanh số trong kỳ nghỉ lễ hồi 2013, lượng máy bán ra trong các quý sau đó đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Dẫu sao, không có gì phải bàn cãi rằng iPad là một thế lực. Doanh thu 9 tỷ mà Apple thu về từ tablet này trong quý gần đây đã đủ khẳng định điều đó.

Từ kẻ bị chê cười đến ngôi vương máy tính bảng

Khi Apple lần đầu tiên trình làng iPad vào tháng 1/2010, sản phẩm chịu không ít những lời phê bình. Một số người chế nhạo tên gọi của nó (cái tên iPad dễ dàng làm người ta liên tưởng đến một sản phẩm vệ sinh phụ nữ); số khác xem đây là chiếc iPhone phóng to; có người cho rằng iPad là một thiết bị hoàn toàn vô dụng.

Thế nhưng, khi máy lên kệ, người ta vẫn ùn ùn xếp hàng trước các cửa hàng Apple Store để chờ tới lượt vào mua - cảnh tượng tương tự với iPhone. Apple cho biết hãng bán được 300.000 máy ngay trong ngày đầu tiên; trong vòng 2 tháng, Apple tiêu thụ được 2 triệu iPad. Doanh số thực tế trong 2010 cao hơn gấp đôi so với con số dự đoán lạc quan nhất của các nhà phân tích. Tạp chí Time bình chọn đây là "sản phẩm công nghệ của năm". Thành công vang dội đó giúp "iPad" trở thành từ gần như đồng nghĩa với "máy tính bảng".

Đối thủ tham chiến

Với lợi thế kẻ đi đầu, iPad đã giúp Apple thu về những thành công vang dội ở thị trường máy tính bảng. Trong năm đầu tiên sau khi lên kệ, iPad chiếm tới 77% thị trường này. Tuy nhiên, vị thế thống trị đó không thể kéo dài mãi. Tính đến 2014, thị phần iPad tụt xuống chỉ còn 28%, theo thống kê của IDC. Đây là điều dễ hiểu bởi nhiều hãng công nghệ khác cũng đã "tham chiến", và việc Apple phải chia sẻ doanh số bán là điều không thể tránh khỏi. 

Apple mặc sức tung hoành thị trường tablet cho tới khi Amazon trình làng Kindle Fire vào tháng 11/2011. Điểm nhấn lớn nhất của Kindle Fire đó là giá của nó cực rẻ, chỉ 199 USD (giá iPad lên tới 499 USD cho phiên bản rẻ nhất). Nếu iPad của Apple là chuẩn mực của một chiếc máy tính bảng, thì Kindle Fire của Amazon giống như một tiếng chuông "nhắc" người dùng rằng họ nên bỏ ra bao nhiêu tiền cho một chiếc tablet thì hợp lý. Google cũng không nằm ngoài cuộc đua khi giới thiệu Nexus 7 vào tháng 6/2012 với giá 199 USD nhưng có cấu hình phần cứng không hề tồi cùng phiên bản Android mới nhất lúc đó.

Cho đến nay, máy tính bảng Android đã tăng trưởng một cách nhanh chóng với rất nhiều model kích thước khác nhau, rải khắp mọi phân khúc từ cao cấp đến giá rẻ. Theo thống kê của Gartner, cứ 3 máy tính bảng thì trong đó 2 chiếc chạy Android; IDC thì cho rằng đã có gần 400 triệu tablet Android được xuất xưởng. Tuy nhiên, cần biết rằng dù thị phần tăng mạnh, các nhà sản xuất tablet Android cũng không thu về được quá nhiều lợi nhuận bởi họ chủ yếu chỉ bán được các model giá rẻ. Ở chiều ngược lại, iPad bị tụt giảm thị phần nhưng Apple vẫn "ăn đủ" khi hãng định hướng đây là một sản phẩm cao cấp và đưa ra giá bán cao. "Apple đã làm rất tốt ở vị trí của họ" - nhà phân tích Dawson của Jackdaw Research nhận định.

Nói vậy không có nghĩa là Apple đã có thể yên vị và không phải lo lắng cho tương lai. "Táo khuyết" đã cố gắng tìm cách mở rộng các thị trường tiềm năng với việc tung ra iPad Mini giá rẻ hơn (so với iPad 9,7 inch) vào tháng 10/2013. Công ty cũng đồng thời ra mắt iPad Air có thiết kế mỏng hơn các thế hệ iPad trước đó. Năm ngoái, với iPad Air 2, hãng bổ sung cảm biến vân tay, tiếp tục làm mỏng máy hơn nữa, và bổ sung thêm phiên bản màu vàng gold. Thế nhưng từng đó là chưa đủ. Doanh số iPad tiếp tục tụt giảm.

Hướng đi cho tương lai

Những động thái gần đây của Apple, cũng như những tin đồn trong thời gian qua (nếu đúng) cho thấy Apple đang có những kế hoạch của riêng mình nhằm vực dậy iPad. Họ muốn biến nó trở thành một sản phẩm phục vụ cho công việc thay vì chủ yếu dùng cho giải trí như hiện nay. "Táo khuyết" mới đây vừa công bố hợp tác với IBM để phát triển các ứng dụng (chạy trên iPad) dành riêng cho các doanh nghiệp. Apple cũng được đồn đang phát triển chiếc iPad Pro với màn hình lớn để hướng tới nhóm đối tượng khách hàng này. "Tôi nghĩ chúng tôi thực sự sắp thay đổi cách mọi người làm việc. Tôi háo hức với các ứng dụng mà Apple sắp ra mắt, cũng như với việc hợp tác giữa Apple và các đối tác diễn ra tốt đẹp" - Tim Cook cho biết trong một cuộc điện thoại trả lời các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh hồi tháng 1/2015. Đưa iPad vào trường học cũng là một trong những chiến lược mà Apple đã và sẽ tiếp tục mở rộng. Năm 2012, hãng tung ra dịch vụ iBooks Textbooks và iTunes U, cho phép người dùng truy cập vào các nội dung giáo dục hoàn toàn miễn phí. 

Thế nhưng, các đối thủ của Apple cũng đã "đón lõng" để sẵn sàng cho cuộc đua. Samsung có dịch vụ "360 Services for Business" bán các thiết bị di động cho người dùng doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ họ về mặt ứng dụng lẫn bảo mật. Microsoft hiện đang bán ra chiếc Surface Pro 3 - một chiếc laptop lai tablet cũng được thiết kế cho giới doanh nhân. Trong báo cáo tài chính hồi cuối tháng 1/2015, hãng phần mềm công bố doanh thu của Surface đã đạt 1,1 tỷ USD. Trong trường học, Google đang đẩy mạnh phát triển dòng laptop giá rẻ Chromebook. Tính đến 2014, Chromebook mới ra đời được 3 năm nhưng đã chiếm 1/3 thị trường giáo dục tại Mỹ (29,9% thị phần). Windows vẫn dẫn đầu với 39%, trong khi Apple có 32%, theo thống kê của IDC.

Apple có thể trông chờ vào nhóm đối tượng người dùng phổ thông chính để vực dậy iPad trong thời gian tới. Một trong những lý do có thể dùng để lý giải cho việc doanh số iPad tụt giảm trong thời gian qua là bởi người dùng đã vét cạn hầu bao của mình để mua iPhone 6 và 6 Plus. Một khi những háo hức dành cho bộ đôi iPhone màn hình lớn này qua đi, họ sẽ quay lại với các sản phẩm khác của "Táo khuyết", trong đó có cả iPad. Theo nhà phân tích Jean Philippe Bouchard của IDC, chu kỳ nâng cấp của người dùng iPad là 3,5 năm, lâu hơn so với smartphone với chỉ 18 tháng hoặc 2 năm. Apple có lợi lớn khi có được một lượng khách hàng trung thành đông đảo. "Một khi những khách hàng này muốn nâng cấp lên sản phẩm mới, lúc đó nhu cầu sẽ là vô cùng lớn" - Bouchard nhận định.