Cà Mau là tỉnh duy nhất cả nước có 3 mặt giáp biển, có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, với đối tượng nuôi chính là tôm và cua. Rừng ngập mặn Cà Mau tập trung nhiều nhất ở hai huyện Ngọc  Hiển  và Năm Căn. Đây là điều kiện hết sức quan trọng giúp cho Cà Mau có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản  với nhiều loại hình nuôi tôm như quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh; sản lượng tôm sú khoảng 125.000 tấn/năm. Ðặc biệt, trong đó có mô hình tôm - rừng, tôm sinh thái góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới với diện tích nuôi tôm - rừng khoảng 25.922 ha nên phát triển mô hình tôm - rừng đóng một vai trò rất quan trọng cho phát triển thủy sản của tỉnh (Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, 2022).

Tuy nhiên, việc phát triển thủy sản của vùng còn rất nhiều vướng mắc, hạn chế như công tác quản lý,  nguồn con giống, địa bàn rộng,... Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau (2023b), dịch bệnh trên cua xảy ra vài năm gần đây và có dấu hiệu tăng dần. Từ năm 2020 đến nay nghề nuôi cua trong đầm tôm tại Cà Mau đã gặp không ít khó khăn đó là tình trạng  cua nuôi thương phẩm chết chưa rõ nguyên nhân. Khi cua bệnh chết thường có diễn biến thay đổi của thời tiết, môi trường bất thường như nắng nóng gay gắt làm cho nhiệt độ và độ mặn tăng cao cùng với mưa nhiều và mưa trái mùa. Do vậy, việc theo dõi biến động môi trường của đầm tôm – rừng là rất cần thiết.

Với tầm quan trọng đặc biệt của rừng ngập mặn, tháng 10/2021, Úc đã hỗ trợ Cà Mau thực hiện dự án hệ thống giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản rừng ngập mặn (AQUAM).

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

AQUAM là dự án do Đại học Queensland (Úc) và Công ty Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh thiết kế và triển khai, phối hợp Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu và Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau.

Dự án đã lắp đặt hơn 20 trạm quan trắc môi trường không dây sử dụng công nghệ IoT ở các sông, kênh rạch trên địa bàn các huyện: Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển nhằm theo dõi chất lượng nước ở những khu vực rừng ngập mặn. Trạm quan trắc vận hành từ năng lượng mặt trời cung cấp các chỉ số môi trường nước, như: Nhiệt độ, pH, ôxy hòa tan (DO), độ mặn, độ đục, độ kiềm.

Những số liệu thu thập từ trạm quan trắc sẽ được truyền tải trực tiếp lên phần mềm ứng dụng Mobile AQUAM hoặc website https://aquam.com.au/public.html. Dự án sau khi kết thúc được bàn giao cho Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cùng các ban quản lý rừng ngập mặn tại cơ sở quản lý và thụ hưởng.

Thông qua dự án, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, nông dân Cà Mau sẽ nắm được các chỉ số về môi trường nước nơi mình sinh sống để chủ động trong quá trình lấy nước ra vào vuông tôm, xử lý nước và tái vụ mới nhằm bảo đảm lịch thời vụ. Trường hợp môi trường nước có biến động tiêu cực, phần mềm ứng dụng sẽ giúp ngành chức năng địa phương kịp thời đưa ra những thông báo, cảnh báo đến người dân.

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết địa phương rất hoan nghênh các giải pháp đổi mới, sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án đưa vào vận hành đã mang lại lợi ích kép bởi vừa giúp người dân có đời sống ổn định nhưng vẫn bảo vệ môi trường.