Chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng đổ đống bán giải cứu
Ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã họp bàn với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về Chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, hiện nhiều loại nông sản đang bước vào chính vụ thu, nhưng lại đúng vào lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành. Vì thế, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng ùn ứ khiến giá nông sản giảm mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động giải cứu từ đó xuất hiện dày đặc. Nông sản đổ đống trên vỉa hè chờ bán giải cứu, người dân chen chân mua ủng hộ.
Thay vì "giải cứu" thì cần một mô hình kết nối cung cầu chính quy hơn để nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 |
Ông cho rằng, ở một thời điểm nào đó, việc “giải cứu nông sản” góp phần giảm bớt áp lực trong tiêu thụ. Song, làm thiện nguyện không đúng cách sẽ nảy sinh những bất cập, hình ảnh nông sản sẽ không còn đẹp đẽ khi bày ở vỉa hè, bên lề đường. Người dân chen nhau mua hàng “giải cứu” cũng không đảm bảo được việc phòng tránh dịch Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Thậm chí, đôi khi ông còn nghe thông tin có những người lợi dụng cái gọi là giải cứu để ép giá nông sản xuống thấp. Ông dẫn chứng, đầu vụ vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang đã phải gửi công văn yêu cầu không dùng từ “giải cứu”. Bởi, việc dùng từ này dẫn đến hiệu ứng ngược, giá cả nông sản lại bị giảm xuống. Một số người lợi dụng các điểm giải cứu đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ.
Xây dựng mô hình chuẩn hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy nhằm giữ được giá trị nông sản, người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.
Bộ NN-PTNT đã xây dựng ý tưởng, họp bàn với với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng bắt tay vào kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Mô hình kết nối cung - cầu này sẽ chính quy, chuyên nghiệp hơn để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông sản Việt.
Cụ thể, tại các điểm bán hàng sẽ phân luồng theo quy chuẩn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các quầy hàng được bố trí lọ sát khuẩn trước khi vào mua hàng, có kẻ vạch giãn cách đảm bảo khoảng cách tối thiểu đối với người mua hàng.
Với hàng hoá nông sản, chất lượng sẽ được kiểm soát ngay từ đầu vào. Phía Bộ sẽ thông tin về tình hình sản xuất, hướng dẫn thu hoạch, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản và phương án logistics, đồng thời hỗ trợ chế biến sâu, xúc tiến thương mại. Còn các đoàn thể, tùy theo điều kiện, nhân lực nhưng phải đưa người xuống hỗ trợ bà con thu hái, kết nối tiêu thụ cả trực tiếp và cả online.
Mô hình của 4 đơn vị không chỉ áp dụng trong mùa dịch này mà là nền tảng, cơ sở để thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân, khi ấy nông nghiệp không còn rủi ro mùa vụ, đứt quãng cung cầu. Song, khi đã chuẩn hóa trong kết nối cung - cầu nông dân cũng phải thay đổi quy trình canh tác, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, cả 4 đơn vị thống nhất cùng tham gia xây dựng các điểm bán hỗ trợ nông sản, trước mắt là vải thiều cho người nông dân. Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng 20 điểm kết nối, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, Hội Phụ nữ xây dựng 5 điểm, Đoàn Thanh niên xây dựng 5 điểm (chưa kể các kênh bán hàng online), Hội Nông dân tiếp tục đưa hàng vào 720 điểm hiện có trên khắp các tỉnh, thành.
Tất cả các điểm kết nối đều được gắn logo của 4 đơn vị để tăng tính nhận diện thương hiệu sản phẩm và cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Khẩu hiệu được đưa ra là: Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương vượt qua đại dịch.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Bài và ảnh: Thu Thủy