- ASEAN trông cậy Ấn Độ tiếp tục ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói.

Khai mạc bàn tròn mạng lưới các think-tank ASEAN - Ấn Độ hôm nay (25/8), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài phát biểu định hướng quan trọng, trong đó nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ trong việc giải quyết các thách thức khu vực.

"Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đã gặp chính sách hướng ngoại của ASEAN, tạo nên tính hiệp lực và tình anh em trong sự hợp tác giữa hai bên. Trong đó, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ cũng cũng có những nền tảng tự nhiên để phát triển mạnh mẽ", ông Phạm Bình Minh mở đầu bài phát biểu.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Đắc Vịnh

Phó Thủ tướng nhận định: Cụm từ "Indo - Pacific" (Ấn Độ - Thái Bình Dương) ngày càng được nhắc đến nhiều như một sự ghi nhận vai trò không thể thiếu và không thể chia cắt của Ấn Độ cũng như vai trò trung tâm của cộng đồng ASEAN trong tương lai chung của khu vực. Chính vì vậy, thời gian 5-10 năm tới sẽ rất quan trọng đối với quan hệ hai bên.

"Chỉ trong vòng hai thập kỷ, quan hệ ASEAN - Ấn Độ đã nâng từ đối tác đối thoại lên đối tác chiến lược năm 2012. ASEAN luôn coi Ấn Độ là một nhân tố chủ chốt trong khu vực, là một cực quan trọng trong trật tự đa cực của khu vực", Phó Thủ tướng nói.

"Ảnh hưởng của Ấn Độ không đến từ sức mạnh mà đến từ quyền lực mềm, bắt nguồn từ nền văn minh vĩ đại và vai trò của Ấn Độ trên trường quốc tế ngày nay. Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang trở thành trung tâm trọng lực kinh tế chính trị toàn cầu, là sân khấu chính cho các cuộc chơi căng thẳng giữa các cường quốc. Vì vậy, cả Ấn Độ và ASEAN đều đang đứng ở một bước ngoặt quan trọng".

Ông Phạm Bình Minh cho rằng hai bên chia sẻ những lợi ích và mẫu số chung: Chúng ta đều mong muốn một khu vực hòa bình, ổn định nơi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được tôn trọng hoàn toàn, nơi pháp quyền, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế như Hiến chương LHQ, Công ước luật Biển, tiếp tục vận hành mối quan hệ giữa các quốc gia cũng như giải quyết các xung đột, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

"Trong mục đích chung này, ASEAN muốn duy trì vai trò trung tâm của mình, không muốn chỉ "nhận" mà còn chủ động "tạo dựng" kiến trúc khu vực. Trong khi Ấn Độ, với vai trò lãnh đạo Phong trào không liên kết, ngày càng mạnh hơn khi có tiềm năng vượt qua Nhật Bản, Nga và một số quốc gia chủ chốt ở châu Âu để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2020", Phó Thủ tướng nói.

ASEAN và Ấn Độ cũng chia sẻ lập trường trước những thách thức khu vực và toàn cầu, đặc biệt là những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng phức tạp, trong đó có các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

"Sự phát triển và hợp tác trong tương lai của ASEAN và Ấn Độ nằm ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, vì thế hai bên cần tập trung duy trì an toàn, an ninh và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình", ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

"ASEAN trông cậy Ấn Độ tiếp tục ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC)".

Phó Thủ tướng, Bộ trưng Ngoại giao VN cũng chỉ ra: Bên cạnh việc tăng cường liên kết giữa Ấn Độ và ASEAN trên tất cả các mặt kinh tế, thương mại, công nghệ, con người..., hai bên cũng cần hợp tác trong việc đối phó với các thách thức chung, trước mắt là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, an ninh và an toàn hàng hải, khủng bố và an ninh mạng.

ASEAN và Ấn Độ cũng cần ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như LHQ, WTO, G20 và Phong trào không liên kết. Trong đó, Việt Nam ủng hộ việc trao vị trí thành viên thường trực cho Ấn Độ trong tiến trình cải cách Hội đồng Bảo an LHQ, ông Phạm Bình Minh nói.

Dự khai mạc bàn tròn mạng lưới các think-tank ASEAN - Ấn Độ còn có bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ. Chương trình chính sẽ diễn ra trong ngày mai (26/8) với các phiên thảo luận về kinh tế, hạ tầng, đầu tư... với sự tham gia của đại diện tất cả các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ.

Chung Hoàng