Diễn biến gần đây khiến nhiều nước
trong khu vực ngày một quan ngại về khả năng đối đầu Trung - Mỹ có thể tràn
tới Biển Đông.
>> Ngoại trưởng Indonesia lên tiếng về Biển Đông
>> Khi TQ áp 'luật nhà' ở Biển Đông
Năm 2011, khi Indonesia làm chủ tịch ASEAN, triển vọng quản lý các vấn đề ở Biển Đông rất hứa hẹn. Sau gần một thập niên kể từ khi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được nhất trí vào năm 2002, Trung Quốc đã đồng thuận về các chỉ dẫn thực thi DOC vào tháng 7/2011.
Đã có nhiều kỳ vọng rằng, ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến thêm một bước gần hơn tới việc đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc (COC) ở Biển Đông nhằm tạo ra khuôn khổ cho việc hợp tác chung - cơ chế để ngăn chặn các xung đột và quản lý khủng hoảng.
Căng thẳng khu vực gia tăng khi TQ ngày một quả quyết trong yêu sách chủ quyền trên biển. Ảnh: THX |
Tuy nhiên, kỳ vọng đã giảm dần khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 vừa qua ở Phnom Penh không dẫn đến sự nhất trí giữa Trung Quốc và ASEAN về thời điểm chính thức tiến hành các cuộc đàm phán COC.
Tại hội nghị, Trung Quốc tiếp tục khăng khăng rằng, các cuộc đàm phán về COC chỉ có thể diễn ra "khi thời điểm chín muồi". Thực tế là, không có sự tiến triển đáng kể về COC một lần nữa làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế về hòa bình và ổn định khu vực.
Lo lắng ấy không phải là vô căn cứ. Các diễn biến gần đây ở Biển Đông chỉ ra nguy cơ ngày càng lớn của những hiểu lầm, tính sai có thể làm gia tăng khả năng phát sinh nhiều căng thẳng mới giữa các bên tuyên bố chủ quyền cũng như các bên liên quan khác trong khu vực.
Những gì đã xảy ra chỉ trong ít tuần sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 thực sự đáng lo ngại.
Đầu tiên, Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới bao gồm bản đồ có in hình đường 9 đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền của họ với hầu hết Biển Đông. Động thái này lập tức dẫn tới phản ứng mạnh mẽ của không chỉ các nước khác có chủ quyền trong vùng biển như Việt Nam, Philippines mà còn từ cả Indonesia.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa mô tả, động thái này "là không trung thực, giống như phép thử để xem phản ứng của láng giềng". Trong khi bản đồ trên hộ chiếu mới không có hiệu lực pháp luật, thì nó đã làm phức tạp thêm những căng thẳng vốn có trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.
Thứ hai, cũng có những phản ứng mạnh mẽ khi tỉnh Hải Nam, Trung Quốc tuyên bố quy định mới, cho phép các đơn vị cảnh sát được tiếp cận, kiểm tra các tàu mà họ gọi là "xâm nhập trái phép" vào vùng biển thuộc thẩm quyền của Hải Nam. Trong khi Trung Quốc rõ ràng có quyền làm như vậy trong phạm vi lãnh hải và vùng biển của mình, thì đáng nói là quy định mới đề cập rất mơ hồ về "vùng biển thuộc thẩm quyền của Hải Nam" và khiến các nước khác phản đối.
Thứ ba, đầu tháng 12, Việt Nam đã cáo buộc các tàu cá Trung Quốc cản trở, làm đứt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Một vụ việc gần tương tự từng xảy ra năm trước.
Thứ tư, Ấn Độ - nước có Tập đoàn dầu khí (ONGC) đã ký thỏa thuận thăm dò dầu khí với Petro Việt Nam ở Biển Đông - đã bắt đầu đưa ra lập trường quả quyết hơn. Phụ trách lực lượng Hải quân Ấn Độ DK Joshi tuyên bố, nước này sẵn sàng điều động tàu chiến để bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông.
Những diễn biến trên xảy ra giữa bối cảnh khu vực đã có sẵn những căng thẳng chiến lược. Nó khiến nhiều nước trong khu vực ngày một quan ngại về một khả năng đối đầu Trung - Mỹ có thể tràn tới Biển Đông.
Các nước ASEAN cũng đang ngày càng lo lắng về một sự đoàn kết thống nhất giữa các thành viên bị phá vỡ trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt khi đối mặt với sự quả quyết ngày một lớn của Trung Quốc. Mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc có thể trở thành một nhân tố khác.
Khi căng thẳng leo thang và nguy cơ hiểu lầm, tính sai phát triển, yêu cầu cấp bách về một cơ chế ngăn chặn xung đột và quản lý khủng hoảng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mặc dù không đạt được tiến bộ trong các cuộc hội đàm về COC thì Trung Quốc và ASEAN cần phải nỗ lực gấp đôi trong năm 2013 để tìm ra sự thỏa hiệp mới tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán COC tiến triển. Nếu không, chúng ta sẽ thấy trước nguy cơ đối đầu trên biển - và chắc chắn đó không phải là kịch bản tất cả mong muốn.
Thái An (theo Jakarta Post)