Nhằm hiện thực hoá những cam kết của các Nhà Lãnh đạo ASEAN trong Tầm nhìn ASEAN 2025, cùng với Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội luôn nỗ lực và thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, sáng kiến của mình được đề ra trong Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng, trong đó tập trung vào 5 mục tiêu cụ thể: Gắn kết và mang lại lợi ích; tăng cường hòa nhập; đảm bảo môi trường bền vững; nâng cao tính tự cường; và tăng cường tính năng động.

Hoạt động của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội tập trung vào khía cạnh con người với những nội dung gắn bó thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực: Thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.

Quá trình phối hợp và điều phối giữa các cơ quan chuyên ngành trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ngày càng được tăng cường để đảm bảo 109 biện pháp chiến lược của Kế hoạch Tổng thể được lồng ghép, triển khai hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội bao trùm nhiều lĩnh vực, đa dạng và rất khó có thể đo lường sự tiến bộ bằng các con số rõ ràng như Cộng đồng Kinh tế. Do đó, một số công cụ đánh giá cụ thể đã được Ban Thư ký ASEAN phối hợp với các nước thành viên ASEAN xây dựng, bao gồm: Khung Báo cáo thực hiện các kế hoạch công tác chuyên ngành và Sơ đồ theo dõi các hoạt động triển khai thực hiện các Tuyên bố. Cùng với đó là Hệ thống giám sát dựa trên kết quả thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025 và Khung Kết quả bao gồm 32 Chỉ số đánh giá thực hiện (KPI) sẽ giúp đánh giá tiến độ thực hiện 18 lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch tổng thể.

vacxinanh 275.jpg
Những văn kiện, tuyên bố của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội tập trung vào các vấn đề: Bảo vệ lao động di cư, phát triển hòa nhập cho người khuyết tật, bình đẳng giới và phát triển gia đình, chăm sóc và giáo dục mầm non, tăng cường trợ giúp xã hội, cấu trúc y tế khu vực, thúc đẩy khả năng chống chịu đối với biến đổi khí hậu,...

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thúc đẩy tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN; và tạo dựng một bản sắc chung của một khu vực chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở. Đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy truyền thông về văn hóa phòng ngừa với 6 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Thúc đẩy nhận thức về hòa bình và liên văn hóa; thúc đẩy văn hóa tôn trọng; thúc đẩy quản trị tốt trên tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy sự quan tâm đến các vấn đề môi trường; thúc đẩy lối sống lành mạnh và thúc đẩy hài hòa hóa các giá trị.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên ASEAN đều đang nỗ lực trong việc thúc đẩy các ưu tiên quan trọng trong Kế hoạch tổng thể ASCC. Bao gồm những sáng kiến giúp phát triển bền vững, tăng cường hỗ trợ xã hội, cải thiện hệ thống y tế khu vực, trao quyền cho các nhóm nhân dân dễ bị tổn thương và đẩy mạnh khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức hiện nay và đảm bảo rằng tất cả các bên đều cùng hưởng lợi từ quá trình hội nhập khu vực này.

Kết thúc Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 30 (ASCC-30) tại Indonesia, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung và thống nhất về nội dung báo cáo để trình lên các Nhà lãnh đạo Cấp cao ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.

Những văn kiện, tuyên bố của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội tập trung vào các vấn đề: Bảo vệ lao động di cư, phát triển hòa nhập cho người khuyết tật, bình đẳng giới và phát triển gia đình, chăm sóc và giáo dục mầm non, tăng cường trợ giúp xã hội, cấu trúc y tế khu vực, thúc đẩy khả năng chống chịu đối với biến đổi khí hậu… đã chứng tỏ cam kết ngày càng cao của ASEAN cùng hợp tác để giải quyết các thách thức đang nổi lên và bảo đảm các bên đều đạt được lợi ích trong hội nhập khu vực. 

Minh Thu và nhóm PV, BTV