- Sau một thời gian nuôi giữ con baba nặng 22 kg bắt được vào ngày 12/10, ông Nguyễn Bá Toàn (60 tuổi, trú tại ngõ 118, Phú Viên, Gia Lâm, Hà Nội) đã quyết định bán nó với giá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi ông bán con ba ba, đã có rất nhiều rắc rối xảy ra...

Mẻ lưới “lịch sử” của người bắt ba ba "khủng"
Bắt được con ba ba nặng 22,7 kg quả thực là một kỉ lục, một dấu ấn lịch sử trong đời ông Nguyễn Bá Toàn (Phú Viên – Gia Lâm – HN) “ngư ông” hơn 30 mươi năm trung thành với nghề chài lưới bên sông Hồng.
 
'Chuyên gia rùa' nói về ba ba khủng ở HN
Liên quan đến thông tin bắt được ba ba ngoài sông Hồng có đặc điểm giống rùa Hồ Gươm, PV VietNamNet đã trao đổi ngay với các chuyên gia thủy sản đã từng tham gia chữa trị cho cụ Rùa.
 
Hà Nội: Bắt được ba ba 'khủng' dưới sông Hồng
Nghe tin ông Toàn bắt được con ba ba khổng lồ, rất nhiều người dân hiếu kỳ đã tụ tập trước nhà để xem.

Lộc đến nhà không hưởng là.... dại

 

Luật sư Nguyễn Việt Triều – Trưởng Văn phòng Luật sư Việt Triều (Hà Nội) cho rằng, chiếu theo Mục b, Khoản 9, Điều 3 của Nghị định 99/2009/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có quy định “hành vi vi phạm hành chính đối với các loài trong Phụ lục II (Công ước CITES)” thì bị xử lý “như đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, IIB” của Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

Còn Khoản b, Điểm 9, Điều 19, của Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định, người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt; giết trái quy định của pháp luật động vật rừng hoặc bộ phận của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị từ 160 triệu đồng thì bị phạt từ 400 - 500 triệu đồng. Và như vậy, theo luật ông Toàn hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính.

Sau khi bán con ba ba, đã có rất nhiều rắc rối xảy ra

Nếu việc phạt hành chính được thực thi, thì rõ ràng số tiền ông Toàn sẽ phải nộp cao hơn nhiều so với số tiền bán được từ ba ba.  Thông tin từ Luật sư Triều được đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Toàn sau khi con ba ba đã được bán, ông Toàn đã về quê vì có việc gia đình.

Tiếp chúng tôi, bà Thái - vợ ông Toàn khi nghe tin có thể bị phạt tiền lên tới mấy trăm triệu vì đã bán con vật đã ngạc nhiên "giãy nảy" lên: Ai phạt? Sao lại phạt?

Kể lại chuyện bán con ba ba khổng lồ, bà khẳng định, đã bán con vật cho một ông già với giá 100 triệu đồng, giao và nhận tại nhà ông trưởng khu trước sự có mặt của khá nhiều bà con.

Những thông tin con vật được bán lại với giá 180 triệu hay bao nhiêu thì chỉ là nghe người ta đồn thổi, gia đình bà không nắm chắc.

Số tiền bán được, ông bà đã trang trải nợ nần, lo thuốc thang cho bà, mời anh em bạn bè "tán lộc" và sắm một chiếc xe máy mới.

Theo lời bà Thái, đúng là có người nhận là bên 'Thiên nhiên môi trường gì đó' tới nói chuyện, đòi chuyển giao con ba ba, nhưng họ không có giấy tờ gì, không tin tưởng nên gia đình đã không chấp nhận.

"Nghe họ bảo là quý, nằm trong sách đỏ, rồi lại bảo không nằm trong sách đỏ, chúng tôi cũng chịu, không biết là thuộc loài gì, giống gì. Họ nói vậy thì nghe vậy thôi" - bà bảo.

Nêu lý do không giao con ba ba cho người của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, bà Thái cho rằng, chỉ có nhà nước đến, chính đáng thì gia đình bà mới đồng ý: "Nếu nhà nước đến mà giải thích chính đáng, chúng tôi sẽ để cho mang đi, cứ đúng luật thì phải chấp nhận thôi, chẳng vấn đề gì cả. Đằng này chúng tôi kêu gọi nhà nước mấy ngày mà chẳng thấy gì".

Nhiều hàng xóm hay tin cũng tỏ ra bức xúc với thông tin ông Toàn có thể bị phạt tiền vì bán con ba ba khổng lồ.

"Người ta bắt được, làm gì có biển cấm thu hoạch, cấm đánh bắt ở đấy đâu? Đây người ta là người dân thường, đánh bắt cá bình thường, gặp được cái "lộc" thì hưởng, không hưởng mới là dại! Phạt thế nào được người ta, vô lý!" - một người dân bức xúc nói.

Buồn vì cảnh "đá bóng sang chân" 

Về phía Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV, một cán bộ trung tâm cho biết, ngay khi tiếp nhận được thông tin, trung tâm đã có người tới xác minh, vận động gia đình ông Toàn chuyển giao con ba ba cho Trung tâm cứu hộ rùa (ATP).

Đồng thời, cán bộ ENV cũng giải thích hành động xâm hại, buôn bán con ba ba là phạm pháp. Tuy nhiên, gia đình lại tỏ ý không đồng ý, cho rằng nếu trao trả con vật, họ cũng phải nhận được một khoản đền bù xứng đáng.

Nhiều hàng xóm hay tin đã tỏ ra bức xúc với thông tin ông Toàn có thể bị phạt tiền vì bán con ba ba khổng lồ.

Trao đổi với PV VieNamNet, nữ cán bộ thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vẫn tỏ ra rất đáng tiếc vì sự việc trên.

Là người trực tiếp đến nói chuyện với gia đình ông Toàn, chị kể lại dù gia đình ông Toàn khá ôn hòa, nhưng nhiều người dân xung quanh tỏ thái độ bất hợp tác với ENV: "Ban đầu, chúng tôi do vội vã nên đúng là không mang theo giấy giới thiệu của cơ quan, nhưng đã nhanh chóng cử người mang tới.

Ngoài ra chúng tôi cũng mời được một đồng chí công an phường và một đồng chí cảnh sát môi trường đến để cùng giải quyết sự việc. Tuy nhiên, đồng chí cảnh sát môi trường chỉ khẳng định mình đến để xác minh xem con ba ba có thuộc danh sách động vật cần bảo vệ nằm trong nghị định 32 hay không.

Sau khi lập biên bản, xác minh con vật không thuộc nghị định 32, chị này ra về. Với đồng chí CA khu vực, cho rằng, nhiệm vụ của mình chỉ là bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, anh này cũng từ chối can thiệp.

Các anh chị trước khi đi đã nói là sẽ có người tới cùng giải quyết, nhưng chúng tôi chờ mãi mà không thấy ai tới hỗ trợ, đành phải ra về trước thái độ đe dọa của người dân".

"Trong khi đó, cán bộ của chúng tôi cũng đã liên hệ ngay với cơ quan chức năng để tìm cách giải quyết. Nơi đầu tiên mà tôi gọi điện để hỏi phương án xử lý là Phòng Quản lý Nguồn lợi & Môi trường Thủy sản thuộc Cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, phía bên đó lại đẩy trách nhiệm đó là thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội. Khi tôi gọi sang Chi cục Kiểm lâm, họ lại nói rằng vì là loài thủy sinh, bên thủy sản sẽ phải giải quyết. Chúng tôi cũng đã liên hệ với Chi cục Kiểm lâm và Trung tâm khai thác Nguồn lợi thủy sản để nhờ xử lý vụ việc, song cả hai đều từ chối, cho rằng trách nhiệm thuộc về bên kia" - nữ cán bộ ENV cho biết.

Theo chị, người dân không biết động vật hoang dã thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Họ hoàn toàn không có ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Nhưng đáng buồn nữa là ngay cả người thực thi luật pháp (như CA khu vực) cũng không nắm được, cho rằng họ không hề phạm luật.

Điều đáng buồn hơn cả khiến dư luận lên tiếng chính là sự thờ ơ, thiếu quyết đoán và hành động "đá bóng sang chân người khác" của những cơ quan có thẩm quyền. Đến thời điểm này, vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng.

Minh Tâm