Hội nhập quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng, được điều chỉnh, bổ sung, mở rộng cả về phạm vi, cấp độ và tâm thế qua mỗi kỳ Đại hội, phù hợp với sự phát triển của đất nước và bối cảnh thế giới.
Từ khởi đầu bằng cách tiếp cận mới về chủ trương tham gia phân công lao động quốc tế (Đại hội VI của Đảng), mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại (Đại hội VII), tới chủ trương từng bước hội nhập kinh tế khu vực, lấy hội nhập khu vực làm tiền đề để hội nhập thế giới (Đại hội XIII); không chỉ xác định “chủ động” mà còn “tích cực” hội nhập quốc tế (Đại hội X); từ việc lấy lĩnh vực kinh tế làm trọng tâm đến chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực (XI), từ hội nhập quốc tế ở mức độ thấp đến hội nhập toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả (Đại hội XIII).
Định hướng chiến lược về hội nhập quốc tế được xác định rõ trong Đại hội XII của Đảng (năm 2016): “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”; tiếp tục khẳng định và mở rộng phạm vi, lĩnh vực và tính chất hội nhập quốc tế của nước ta, đó là hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa đạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước. “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), yếu tố toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả trong hội nhập quốc tế đã được xác định rõ hơn: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế", sau khi lắng nghe các báo cáo và ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Đề án và khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện tổng kết, bảo đảm lộ trình, chất lượng xây dựng Đề án theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, bám sát Nghị quyết.
Thủ tướng nêu rõ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định rõ đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Thủ tướng khái quát 3 chuyển biến lớn mà kết quả triển khai Nghị quyết đã mang lại.
Thứ nhất là chuyển biến lớn về nhận thức. Theo đó, hội nhập quốc tế đã trở thành "sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị"; thực sự trở thành "định hướng chiến lược lớn" của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai là chuyển biến lớn về hành động, từ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội; từ tham gia là chủ yếu sang chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến, xây dựng và định hình luật chơi; vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Thứ ba là từ chuyển biến về nhận thức và hành động đó đã dẫn đến những kết quả rất rõ nét trong nâng cao vị thế, tiềm lực đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế...
Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.
Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD...
Theo Thủ tướng, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết. Tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai hội nhập của chúng ta còn chưa cao. Vai trò của Nhà nước trong khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội nhập có lúc chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế của chúng ta còn hạn chế.
Cùng với đó, mức độ vươn ra thế giới, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn. Dù sức mạnh tổng hợp quốc gia của chúng ta có tăng lên nhưng nhiều chỉ số, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi sau 10 năm. Chất lượng nguồn nhân lực, mức độ kết nối giữa các khu vực kinh tế FDI và quốc nội; liên kết giữa các vùng, miền trong nước chưa đạt như kỳ vọng.
Khẳng định chúng ta còn nhiều tiềm năng, dư địa, cơ hội về hợp tác quốc tế để tiếp tục tranh thủ, phát huy, Thủ tướng nêu một số bài học kinh nghiệm cần quán triệt trong triển khai hội nhập thời gian tới.
Theo đó, phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Phải nỗ lực tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp. Hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa có thách thức; là việc khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm.
Cùng với đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phải coi hội nhập quốc tế chính là một động lực quan trọng để đổi mới và phát triển. Gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của nước ta trước mọi biến động từ bên ngoài. Phát huy được các nguồn lực bên ngoài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, huy động tài chính, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ,
Phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển ở trong nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt hành động trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "dĩ bất biến ứng vạn biến"; phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được khó khăn, thách thức, mâu thuẫn của đất nước. Bảo đảm tập trung nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên và lộ trình triển khai để đạt được các kết quả thực chất, cụ thể, làm việc nào dứt việc đó.