Thoăn thoắt “chốt khách” từ các kênh online
Khuổi Ky là một ngôi làng khá đặc biệt của người dân tộc Tày, trải rộng khoảng 10.000 m2 với nhiều căn nhà sàn bằng đá, dựa lưng vào núi đá.
Nhiều năm về trước, bà con nơi đây chỉ biết làm ruộng để sinh nhai. Thế nhưng bây giờ, nguồn thu lớn của bà con lại đến từ hoạt động du lịch cộng đồng.
Vợ chồng chị Lý Thị Điệp, chủ của Yến Nhi Homestay, là người tiên phong triển khai mô hình homestay tại Khuổi Ky.
“Từ năm 2016, nhà mình bắt đầu làm du lịch cộng đồng, xuất phát từ việc nhiều du khách xin ở nhờ khi đến thăm làng. Lúc đầu cũng không biết quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Tình cờ có khách nước ngoài đến nghỉ rồi chỉ cho cách kinh doanh online. Nhà mình là homestay đầu tiên ở Khuổi Ky có fanpage trên Facebook. Sau đó mình đã biết cách bán phòng online trên các kênh như Booking, Traveloka, Agoda, TikTok, Facebook và Zalo. Trước kia, nhà mình chỉ biết làm ruộng và chăn nuôi. Sau khi làm du lịch cộng đồng thì cuộc sống ổn định hơn”, chị Điệp kể.
Giờ đây, đối với vợ chồng chị Điệp, dùng điện thoại quay video đăng lên YouTube, TikTok hoặc livestream trực tiếp trên các trang mạng xã hội để tiếp cận nhiều khách hàng hơn đã trở thành việc làm thường ngày.
Khi có khách nước ngoài liên hệ, vì hạn chế giao tiếp bằng ngoại ngữ, vợ chồng chị dùng cách nhắn tin, dùng công cụ hỗ trợ dịch sang tiếng Việt để tìm hiểu và đáp ứng các yêu cầu của khách. Vì thế, hơn chục phòng nghỉ của Yến Nhi Homestay thường xuyên kín khách.
“Tuy nhiên, mình vẫn chưa biết dùng máy tính, mới chỉ biết cách thu tiền dịch vụ qua mã QR hoặc chuyển khoản, và cũng mới có hóa đơn bán lẻ chứ chưa dùng hóa đơn điện tử. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền về việc dùng hóa đơn điện tử và máy tính rồi. Nhưng nhà mình học ít nên chưa biết gõ chữ trên máy tính. Mình rất muốn được hỗ trợ tập huấn cách dùng máy tính”, chị Điệp thật thà chia sẻ.
Tương tự như vợ chồng chị Điệp, chị Nguyễn Kim Phương, chủ của Tày’s Homestay rất thành thạo với việc dùng điện thoại để “chốt khách” thông qua các kênh đặt phòng trực tuyến hoặc qua fanpage trên mạng xã hội.
“Thời gian qua, tỉnh và các ban, ngành ở địa phương đã tổ chức cho thanh niên nhiều buổi tập huấn về chuyển đổi số, với rất nhiều kiến thức có thể áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình. Hiện giờ rất nhiều khách của chúng tôi đến từ kênh fanpage Facebook và Zalo. 80% khách hàng thanh toán bằng cách chuyển khoản”, chị Phương cho biết.
Cuộc nói chuyện ngắn gọn chỉ trong khoảng 10 phút của chúng tôi với chị Phượng bị cắt ngang mấy lần để chị nghe điện thoại của khách và thu xếp các dịch vụ ăn nghỉ theo đúng yêu cầu của các “Thượng đế”.
Chuyển đổi số giúp phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng
Theo ông Lương Văn La, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh, làng dân tộc Tày xóm Khuổi Ky là làng đi đầu trong việc phát triển du lịch cộng đồng của huyện Trùng Khánh.
Làng đã bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng từ năm 2016 với 1 hộ làm đầu tiên, và đến hôm nay đã có 13 hộ làm dịch vụ homestay. Khuổi Ky được xem như một trong những mô hình điển hình về phát triển du lịch bền vững tạo ra sinh kế và thu nhập cho bà con.
Từ năm 2018, bà con Khuổi Ky bắt đầu áp dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng, hình thành fanpage riêng của các hộ gia đình trên mạng xã hội.
Đến nay, 13/13 hộ làm dịch vụ homestay ở Khuổi Ky đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; cung cấp thông tin về chất lượng và giá sản phẩm, dịch vụ trên các kênh online…
Kết thúc năm 2023, ước tính có gần 1 triệu lượt khách đến với Trùng Khánh, thì trong đó riêng làng Khuổi Ky có tới gần 5.000 lượt, lượng khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 20%.
“Việc chuyển đổi số bằng điện thoại thì bà con đã làm tốt rồi, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận máy tính. Dự kiến trong năm 2024, chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho bà con về việc tiếp cận máy tính và công nghệ, để bà con có thêm kiến thức triển khai chuyển đổi số, phát triển du lịch cộng đồng một cách đồng bộ”, ông La thông tin thêm.
Bình Minh