Chị Thu Hoà (sinh năm 1984) là cựu sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, chị về làm việc cho một nhà máy chuyên về sản xuất mỳ ăn liền. Gần 10 năm kể từ ngày ra trường, công việc chuyên môn của một kỹ sư không đòi hỏi nhiều về khả năng tiếng Anh. Vì thế, chị Hoà nói, bản thân chị cũng không có động lực để tự học, tự trau dồi.

Tuy nhiên, sau đó, chị chuyển sang công việc tại chi nhánh của một công ty nước ngoài. Vì vậy, mọi hoạt động đều phải báo cáo bằng tiếng Anh với công ty mẹ. “Dù về mặt chuyên môn tôi có thể nắm rất vững, nhưng mỗi khi phải trình bày vấn đề hay bày tỏ quan điểm trước ban giám đốc, tôi lại cảm thấy rất khổ sở và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, trong tôi còn có một nỗi sợ khác là sợ nói sai sẽ bị chê cười”.

Chị Hoà cũng thừa nhận, việc không có tiếng Anh cũng đã gây cản trở cho chị rất nhiều, thậm chí là bỏ lỡ những cơ hội tiềm năng đem lại mức thu nhập cao hơn.

“Tôi từng có cơ duyên làm việc với một bác người Hàn Quốc. Tuy rằng là người Hàn nhưng bác nói tiếng Anh rất dễ nghe và diễn đạt dễ hiểu. Thế nhưng, mỗi lần gặp bác, tôi đều toát hết mồ hôi vì căng thẳng. Tôi đã phải vận dụng hết mọi thứ, kể cả là ngôn ngữ cơ thể để có thể bày tỏ được nội dung mình muốn nói. Những lần như thế đều khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ và sợ bác sẽ nghĩ rằng, người Việt Nam nói tiếng Anh tệ lắm. Lúc đó, lòng tự trọng trong tôi như trỗi dậy”.

Ngoài ra, một điều khác cũng đã thôi thúc chị Hoà quyết định phải thay đổi là vì hai con. “Trước đây, khi các con khoảng 1 – 4 tuổi, tôi vẫn có thể chơi với con bằng vốn tiếng Anh mình có. Nhưng khi con bắt đầu lớn hơn, tôi đã sử dụng hết vốn tiếng Anh của mình và không dám dạy tiếp vì sợ sai.

Tôi trăn trở rất nhiều. Bản thân tôi đã rất khổ sở vì thiếu tiếng Anh. Tôi không muốn hai con lớn lên cũng lặp lại tình trạng đó như mẹ, nhất là khi đến thế hệ của các con, dù năng lực chuyên môn có tốt đến đâu, nhưng thiếu tiếng Anh cũng rất khó để “vượt qua vòng gửi xe”. Tất cả những lý do ấy đã thôi thúc tôi buộc phải tìm ra cách để học được tiếng Anh hiệu quả”, chị Hòa nói.

Học lại từ con số 0

Ban đầu, chị Hòa cũng tìm đến trung tâm để học giao tiếp trong vòng 3 tháng. Dù đã rất chăm chỉ và cố gắng hoàn thành các bài tập giáo viên giao cho, nhưng khả năng của chị vẫn không mấy cải thiện. Không cho ra kết quả như mong muốn, chị Hòa dần trở nên áp lực và tự trách bản thân kém cỏi.

{keywords}

Chị Hòa thừa nhận, có thời điểm, chị cảm thấy rất khổ sở khi không thể truyền đạt ý kiến với cấp trên do vốn tiếng Anh ít ỏi.

Nhưng rồi, sau khi đọc được một bài viết trên mạng xã hội đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của chị về việc học tiếng Anh.

“Tôi vỡ ra rằng từ trước đến giờ bản thân đã học tiếng Anh sai cách. Cuối cùng, tôi quyết định đập bỏ hết đi để xây lại từ đầu”.

Việc đầu tiên chị quyết định “đập bỏ” là tư duy về cách học. Chị cho rằng, chính suy nghĩ “học tiếng Anh phải có lộ trình” đã khiến chị tự bó hẹp việc học tiếng Anh chỉ ở trong sách vở, giáo trình nhất định. Điều đó cũng khiến chị cảm thấy vô cùng áp lực và căng thẳng do sự kỳ vọng về kết quả sau mỗi lộ trình. “Nếu không đạt được kết quả như đã đề ra, tôi lại tự kỷ ám thị rằng: “Mình không có khả năng học tiếng Anh”. Chính suy nghĩ ấy đã khiến tôi không còn động lực để cố gắng và dễ dàng bỏ cuộc, buông xuôi”, chị Hòa nói.

Ngoài ra, chị cũng đã “đập bỏ” tư duy “muốn học tiếng Anh thì phải đến trung tâm, theo các khoá học”. Theo chị, điều này sai ở chỗ, tiếng Anh vốn là một thứ ngôn ngữ, mục đích là để con người giao tiếp với nhau. Do đó, tiếng Anh có ở mọi thứ xung quanh trong cuộc sống và rất gần gũi. Học tiếng Anh phải là sự chủ động tích cóp cần mẫn mỗi ngày, từ mọi thứ ở mọi nơi và trong mọi lúc. Khi đổi góc nhìn và hiểu được như vậy, người học sẽ thấy tiếng Anh không phải là điều gì đó xa vời.

Một suy nghĩ khác chị Hòa đã đập bỏ là “học tiếng Anh phải tập trung vào ngữ pháp”. “Phải đến 34 tuổi, tôi mới cảm thấy tiếng Anh không hề khó như những gì chúng ta từng học trên trường, bởi lẽ trước đây, thầy cô luôn dạy bắt đầu từ ngữ pháp. Nhưng tôi nhận ra rằng, việc nghe và đọc thật nhiều để trang bị cho bản thân một kho từ vựng phong phú mới khiến mình có thể tự tin giao tiếp”.

Bên cạnh đó, một sai lầm khác theo chị Hòa, không chỉ riêng chị mà rất nhiều người gặp phải chính là việc chỉ học từ vựng đơn lẻ. Vì thế, mỗi khi muốn nói, bản thân chị thường rất sợ vì không biết lắp các từ này vào vị trí như thế nào trong câu; dẫn đến để nói được một câu hoàn chỉnh sẽ mất rất nhiều thời gian suy nghĩ, thậm chí vẫn không đạt hiệu quả truyền tải thông tin.

Chị Hòa đã rút ra kinh nghiệm, khi học từ vựng bắt buộc phải học theo cụm từ. Đến khi đã thuộc mẫu của cụm từ đó, người học có thể thay thế, biến tấu theo hoàn cảnh cần sử dụng, từ đó tạo ra rất nhiều câu khác nhau. Ví dụ từ cụm “a big apple”, có thể biến tấu thành “a small apple” hay “a big orange”.

Một suy nghĩ khác chị Hòa quyết định “đập bỏ” là việc học tiếng Anh phải tư duy theo kiểu Anh – Anh. “Lúc đầu, tôi luôn nghĩ rằng phải học kiểu như vậy mới dùng được tiếng Anh. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy, điều đó có thể không sai, tuy nhiên khi áp dụng với năng lực tiếng Anh còn yếu của tôi thì không phù hợp.

Lý do vì lượng từ vựng mà tôi có được chưa đủ lớn để có thể tư duy được như vậy. Vì vậy, tôi đã chuyển sang cách học song ngữ Anh – Việt. Bằng cách học này, tôi có thể dễ dàng hiểu nghĩa và từ đó học thuộc dễ hơn, ghi nhớ lâu hơn cụm từ tiếng Anh. Sau một thời gian, tôi cảm thấy như “đây mới là chân lý dành cho mình vậy”.

Tôi cứ miệt mài rèn luyện bằng cách nhờ con gái đọc một câu tiếng Việt, mẹ sẽ ngay lập tức phải phản xạ dịch câu đó sang tiếng Anh tương ứng. Rồi lại tự mình nhìn tiếng Việt viết tiếng Anh, miệng đọc tay chép mỗi bài học tới mấy chục bản.

Tôi đã làm điều đó trong suốt 4 năm và cho đến cả thời điểm hiện tại vẫn tiếp tục học đều đặn mỗi ngày. Quả thực, đến bây giờ, tôi đã có thể chuyển ngữ rất nhanh mà không mất nhiều thời gian suy nghĩ. Tôi “vỡ” ra rằng, bản chất của việc học ngôn ngữ là học thuộc và sao chép; có thuộc mới trở thành “của mình” được”.

Chị Hoà cho rằng, chính những sự thay đổi tư duy đó và việc kiên trì luyện tập bền bỉ hàng ngày, dần dần đến hiện tại, bản thân chị đã trở nên tự tin hơn trong việc học và sử dụng tiếng Anh.

Thúy Nga

Cha con người Tày vượt 150 km xuống Hà Nội luyện tiếng Anh

Cha con người Tày vượt 150 km xuống Hà Nội luyện tiếng Anh

Đứng trước camera điện thoại, Hà Lâm Trúc (11 tuổi) tự tin diễn thuyết, thậm chí đọc rap những bài hát yêu thích và lồng tiếng cho những bộ phim nổi tiếng bằng tiếng Anh.