Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, tốt nghiệp hai trường Đại học tại Việt Nam (Đại học Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân), thế nhưng nữ doanh nhân Ann Huỳnh lại thành danh trên đất Mỹ sau khi khởi nghiệp với S3i Inc - hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn xuất nhập khẩu - đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ khi tìm hiểu cơ hội đầu tư và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của nhau.
Chị là người Mỹ gốc Việt duy nhất trong Ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ gốc Á của TP. San Antonio (AAACC- tiểu bang Texas), đồng thời là cựu thành viên gốc Việt trẻ nhất, duy nhất trong Ban điều hành Hội đồng du khách quốc tế, TP. San Antonio (SACIV), cưụ thành viên gốc Á duy nhất trong Ban Quản trị khu dân cư PCA tại Alexandria, Virginia - nơi chị sinh sống cùng gia đình hiện nay.
Ann Huỳnh vừa trở về Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2023) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chị đã dành cho VietNamNet một cuộc phỏng vấn nhân dịp này.
- Thưa chị Ann Huỳnh, ở bài trước chị đã chia sẻ lý do vì sao chị lại chọn làm trung gian tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ trong việc tìm kiếm thị trường và cơ hội đầu tư. Đã có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam và thành công, ngược lại chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp vào Mỹ. Theo chị, lý do vì sao?
Bà Ann Huỳnh: Mỹ là quốc gia theo chế độ liên bang. Ở góc độ luật pháp, ngoài luật của liên bang (nôm na là ở cấp trung ương) thì 50 tiểu bang sẽ có các quy định khác nhau (kiểu như cấp tỉnh, địa phương). Mỗi bang có luật kinh doanh, mức thuế, quy định khác nhau - nôm na là như các nước khác nhau.
Một doanh nghiệp muốn hoạt động ở bang nào thì phải đăng ký hoạt động ở bang đó. Ví dụ, công ty S3i đăng ký thành lập ở Texas nhưng muốn hoạt động hợp pháp tại Virginia và Hawaii thì S3i phải đăng ký thêm ở hai bang đó.
Điều đó cũng có nghĩa là S3i phải có nghĩa vụ tuân thủ về khai báo, thuế, lao động... ở các bang mà công ty đăng ký. Hệ thống pháp luật chặt chẽ, phức tạp có thể là một trong những nguyên nhân làm DN Việt Nam e ngại.
Thứ nữa là so với Việt Nam, mọi thứ ở Mỹ đa phần đắt đỏ hơn. Nguyên tắc “nước nổi, bèo nổi” - mức lương tối thiểu ở Mỹ tính theo giờ cao hơn và chi phí sinh hoạt cao hơn. Ví dụ, vừa rồi Tập đoàn Lego đầu tư 1 tỷ USD mở nhà máy ở Bình Dương với 4.000 công nhân. Nhưng cũng với 1 tỷ USD, Lego mở nhà máy tại bang Virginia, họ chỉ thuê được 1.200 công nhân. Đây là ví dụ sơ sơ để thấy việc vận hành, đầu tư ở Mỹ thường có chi phí cao hơn ở Việt Nam.
Ngoài ra, Mỹ là quốc gia nhập cư, đa văn hoá, đa sắc tộc - a melting pot - kiểu như nồi lẩu đa vị văn hoá, vì vậy thói quen của người tiêu dùng Mỹ cũng đa dạng tuỳ theo nguồn gốc của nhóm người đó.
Ví dụ, người Mỹ gốc Á có thói quen, sở thích, khẩu vị khác người Mỹ gốc Âu hay người Mỹ gốc Latinh... Vì vậy, khi tiếp cận bán hàng ở thị trường Mỹ nói chung, doanh nghiệp sẽ tốn nhiều thời gian nghiên cứu kỹ và xác định nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ vẫn là một điểm đến hấp dẫn mà bất kỳ doanh nghiệp từ quốc gia nào cũng mong muốn được tham gia. Đó là lý do trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI vào Mỹ.
Rất mừng là đã có một số doanh nghiệp Việt mạnh dạn vượt qua những rào cản ấy để mở nhà máy tại Mỹ, ví dụ như công ty VinFast vào năm 2021. Đó cũng là thời điểm tôi tạm dừng điều hành S3i để tập trung hỗ trợ VinFast trong vai trò Giám đốc kinh doanh VinFast Mỹ.
Ngoài VinFast, còn có FPT, Vietcombank, Nhựa An Phát và nhiều doanh nghiệp khác đang đầu tư tại Mỹ. Gần đây có Tập đoàn Tín Thành và King Coffee đầu tư nhà máy đắp lốp và tái chế lốp xe tại bang South Carolina. Thực lòng tôi rất mong họ thành công ở Mỹ để người Việt tự hào có những thương hiệu toàn cầu và đóng góp cho nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy quan hệ song phương hai nước.
- Làm thế nào để kết nối một cách hiệu quả nhất giữa DN Việt Nam và DN Mỹ để hai bên dễ dàng tìm được tiếng nói chung?
Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đều là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Vì thế, chúng tôi sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp quy mô tương đương bên Mỹ để kết nối hai bên với nhau.
Chẳng hạn, chúng tôi đang thực hiện kết nối một số doanh nghiệp công nghệ quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam với các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng chúng tôi sẽ không kết nối họ với những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Intel hay Microsoft mà phải chọn đúng “size” để dễ dàng khớp nối với nhau, nếu không sẽ gặp phải tình trạng “anh rất tốt nhưng em rất tiếc”. Đây cũng là mô hình mà tôi rất tâm đắc.
Tại triển lãm công nghiệp 4.0 ở Hà Nội vừa qua, trong gian hàng S3i có các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã và đang muốn mở rộng sang Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng để làm bà mối cho các doanh nghiệp này.
- Theo chị, điểm khác biệt lớn nhất giữa DN Việt và DN Mỹ trong phương thức làm việc là gì?
DN Mỹ làm việc qua email còn DN Việt làm việc qua Zalo, Messenger, tin nhắn nhiều hơn (cười). Tôi đùa thôi nhưng đó là sự thật! Cách thức giao tiếp trong kinh doanh - một phần của văn hoá kinh doanh là điểm khác biệt giữa doanh nghiệp hai nước.
DN Mỹ đề cao tính thực dụng, thực tế, hiệu quả, không chú trọng quá nhiều về hình thức nhưng một số DN Việt vẫn còn thích nổi bề ngoài. Ví dụ, khi chúng tôi tổ chức ký thoả thuận hợp tác giữa một DN Việt và một tổ chức về lãnh đạo ở bang Massachussetts, phía Mỹ tổ chức tại một nhà hàng rất đơn sơ, ấm cúng; trong khi đó DN Việt kỳ vọng buổi lễ phải hoành tráng, long trọng. Tôi chắc hôm đó, DN Việt có phần hơi thất vọng chút.
Tôi hay lấy ví dụ so sánh khi lái xe ở Mỹ và Việt Nam để minh hoạ sự khác biệt trong việc tuân thủ luật. Ở Mỹ, nếu muốn chuyển làn thì phải xi nhan, đầu quay sang phải để xem xe từ phía sau, chờ khoảng cách an toàn rồi mới sang, nghĩa là sẽ có độ trễ để đảm bảo an toàn cho cả mình và người khác.
Không giống như ở Việt Nam là có khi vừa xi nhan xong thì sang đường luôn, không cần quan tâm đến xe phía sau. Mặc dù luật giao thông của hai nước có phần giống nhau nhưng tính tuân thủ pháp luật còn có khoảng cách khác nhau.
Như đã nói ở trên, DN Việt chưa sẵn sàng đầu tư cho việc lập kế hoạch bài bản và thuê tư vấn, trong khi DN Mỹ thì ngược lại. Quá trình làm việc với hai bên tôi cũng nhận ra DN Việt vẫn chưa tôn trọng hợp đồng, các giao kèo với đối tác. Một số DN Việt “sợ” hợp đồng dài, nhiều điều khoản, nhiều trang.
Ví dụ, hôm qua tôi đưa đối tác Mỹ đến gặp một doanh nghiệp Việt Nam để thương thảo hợp đồng phân phối sản phẩm nông nghiệp. Một hợp đồng phân phối do phía Mỹ đề nghị gồm 11 trang giấy với biết bao nhiêu điều khoản, nhưng DN Việt lại không muốn đọc. Họ chỉ muốn hợp đồng gói gọn trong vỏn vẹn 3 trang giấy với 3 ý chính.
Ngoài ra, khi thoả thuận hợp đồng, đối tác Mỹ bao giờ cũng yêu cầu phải có điều khoản bảo mật thông tin, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại không thích điều này. Họ cho rằng như thế là không tin tưởng nhau.
Có tình huống hai bên ký kết thoả thuận xong xuôi, phía doanh nghiệp Việt Nam thay đổi bộ máy lãnh đạo. Ban lãnh đạo mới yêu cầu thay đổi hoàn toàn nội dung hợp đồng đã ký trước đó. Điều này cho thấy, các DN Việt cần tiến tới quy chuẩn chung với quốc tế. Làm gì cũng phải giữ bảo mật và tôn trọng văn bản đã ký.