VKSND TP.HCM đã gia hạn lệnh tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam). Thời điểm gia hạn tạm giam từ ngày 4/11.

Trước đó, bà Hằng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24/3. Ngày 24/10, gia đình bị can có đơn gửi VKS và cơ quan điều tra đề nghị được đặt tiền bảo đảm để bị can được tại ngoại chữa bệnh, nhưng chưa được cho phép.

Theo quy định của pháp luật, bà Hằng có thể bị tạm giam tối đa thêm bao lâu. Trường hợp hết thời hạn tạm giam, nhưng vụ án chưa được đưa ra xét xử, bị can có thể được thay đổi biện pháp ngăn chặn không?

tam giam Nguyen Phuong Hang anh 1

Bà Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam sau khi Công an TP.HCM ban hành bản Kết luận điều tra.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết với việc bị đề nghị truy tố theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, mức án tối đa bà Hằng phải đối mặt là 7 năm tù. Đối chiếu quy định về phân loại tội phạm theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, trường hợp này được xếp vào nhóm tội phạm nghiêm trọng.

Theo Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đối với tội phạm nghiêm trọng, thời hạn tạm giam tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, thì cơ quan điều tra có quyền đề nghị gia hạn tạm giam. Thời gian gia hạn tạm giam đối với tội phạm nghiêm trọng tối đa là 2 tháng.

Ông Hậu đánh giá với trường hợp bà Hằng, việc Công an TP.HCM tạm giam bị can 3 tháng ở thời điểm khởi tố bị can và gia hạn tạm giam thêm 2 tháng vào ngày 21/6 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật

Tới ngày 18/8, VKSND TP.HCM tạm giam thêm 20 ngày đối với bà Hằng sau khi Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố. Trích dẫn quy định tại các Điều 240, 241 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư cho biết do bà Hằng bị đề nghị truy tố về tội phạm nghiêm trọng, nên VKSND TP.HCM có trách nhiệm phải ra một trong các quyết định sau trong vòng 20 ngày, bao gồm Truy tố bị can trước toà án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án hoặc Tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trong khoảng thời gian này, VKS có quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế. Xét thấy trường hợp của bà Hằng không có căn cứ hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, nên VKS áp dụng thời hạn tạm giam 20 ngày trùng với thời hạn quyết định truy tố đối với bà Nguyễn Phương Hằng là đúng theo quy định.

Ngày 6/9, VKSND TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vụ việc do VKS trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung có thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng. Trong khoảng thời gian này, cơ quan điều tra có quyền áp dụng biện pháp tạm giam, nhưng không được quá thời hạn điều tra bổ sung, tức 2 tháng.

Vì thế, việc bà Hằng bị Công an TP. HCM tiếp tục áp dụng thời hạn tạm giam thêm 1 tháng 27 ngày, theo ông Hậu đánh giá là phù hợp.

Đối với diễn biến mới nhất là việc VKSND TP.HCM nhận hồ sơ và kết luận điều tra bổ sung từ Công an TP.HCM và áp dụng biện pháp tạm giam đối với bà Hằng từ ngày 4/11, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết ở giai đoạn này, vụ án sẽ quay về giai đoạn xem xét quyết định việc truy tố. Khi đó, VKS có 20 ngày để ra quyết định liệu có truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng hay trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung hay đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trong thời gian này, VKS có quyền áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can. Thời gian tạm giam không được quá 20 ngày và trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng VKSND TP.HCM có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố và thời hạn áp dụng biện pháp tạm giam thêm 10 ngày do đây là tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, tính từ ngày 4/11, bà Nguyễn Phương Hằng có thể bị VKSND TP.HCM áp dụng tối đa thêm 30 ngày tạm giam nữa.

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

Theo Zing