- Bên cạnh các kết quả mang tính “cột mốc” lần này tại hội nghị Các Bộ trưởng và Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) lần thứ 19 tại Phnom Penh, ASEAN lại có một bước lùi trong việc ký kết Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan. Ảnh Thu Lượng

Ba trong số năm cường quốc thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được kỳ vọng sẽ ký vào bản “Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân” đã quyết định rút lui.

Pháp, Anh, và Nga cho biết họ muốn bảo lưu về một số điểm trong hiệp ước này. Mỹ cũng đồng tình với việc ba quốc gia xem xét lại các nội dung của SEANWFZ.

Pháp và Nga do dự chưa muốn ký hiệp ước này vì họ tính đến quyền tự vệ của họ trong trường hợp bị tấn công hạt nhân trong tương lai.

Moscow còn đề cập tới quyền của các tàu thuyền và máy bay nước ngoài thâm nhập vào khu vực không vũ khí hạt nhân.

Còn Anh dẫn ra các mối đe dọa trong tương lai có thể cần họ phải vận chuyển các nguyên liệu hạt nhân qua khu vực Đông Nam Á.

Riêng về Mỹ, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết Washington sẽ không trình bày các văn bản bảo lưu trước khi ký kết, mà chỉ đưa ra trong quá trình phê chuẩn.

“Họ đã tới và nói rằng sẽ tán thành [hiệp ước] nhưng sau một hồi suy nghĩ, họ lại có một số điều bảo lưu. Các quan điểm bảo lưu này sẽ làm giảm dần cam kết của họ đối với việc tiến đến ký kết [hiệp ước]” – ông Surin bình luận.

Có ít nhất văn kiện sẽ không được ký lần này tại Phnom Penh. Đó là Tuyên bố ASEAN về Nghị định thư đối với Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (đáng ra phải ký vào ngày 9/7 vừa qua), và Ghi nhớ Thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về hiệp ước liên quan tới SEANWFZ (theo kế hoạch ký kết vào ngày 10/7); và Nghị định thư về hiệp ước liên quan tới SEANWFZ do nhóm 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an LHQ ký kêt vào ngày 12/7.

“Chúng tôi rất mong rằng việc ký các văn bản này sẽ được hoàn tất cùng lúc vào tháng 11 tới đây trong kỳ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21” – ông Surin nói.

Mặc dù vậy, đây vẫn là kỳ vọng từ phía ASEAN, còn trên thực tế khả năng này có thể khó xảy ra. “Họ vẫn tiếp tục làm việc, có một số vấn đề, một số diễn biến cần được phân tích và hiểu một cách chính xác.
Việc trì hoãn ký kết giữa các cường quốc hạt nhân đối với SEANWFZ vào phút cuối cùng là vì mọi người cần phải xem xét cẩn thận, nên tôi nghĩ rằng cần phải chờ tới quy trình cuối cùng” – ông Surin trả lời báo chí sáng nay.

Các lãnh đạo ASEAN đã ký Hiệp ước SEANWFZ tại Bangkok (Thái Lan) hôm 15/12/1995 và văn bản này có hiệu lực hai năm sau đó.

Các cuộc đàm phán giữa ASEAN và 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ đã bị trì hoãn suốt từ tháng 5/2001.

Thu Lượng (từ Phnom Penh)