Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng lên đến 30%

Hướng tới phát triển nông nghiệp trở thành một trong 4 trụ cột kinh tế, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp với hàng loạt chương trình, dự án như: đầu tư 31 hồ chứa với tổng sức chứa trên 300 triệu m³, trong đó, hồ Sông Ray và hồ Đá Đen trữ lượng 240 triệu m³, cung cấp sản lượng nước tiêu thụ cho toàn tỉnh là 210 triệu m³/năm.

Tỉnh cũng xây dựng và kiên cố hóa hệ thống kênh mương tưới tiêu, hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao được đẩy mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 12.400 tỷ đồng, gấp 26 lần so với thời điểm năm 1992, trong đó, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng lên đến 30%.

Nhờ thúc đẩy đầu tư liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong sản xuất trồng trọt ngày càng được quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, đến nay, tỉnh có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt công nghệ cao, tăng 259 cơ sở so với năm 2020 với quy mô diện tích 3.423ha. Trong đó có 2.559ha cây ăn quả, 730ha hồ tiêu, 35ha rau các loại, 12ha dưa lưới, 27ha nấm và một số loại cây khác. 

Trong chăn nuôi, hiện có 80 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với tổng đàn là 114.000 heo thịt, 39.287 heo nái, 2.535.000 gà thịt, 90.000 gà giống, 54.000 vịt giống. Riêng với lĩnh vực thủy sản, có 15 cơ sở nuôi thương phẩm và sản xuất giống thủy sản theo công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 400ha, tăng khoảng 50ha so với cùng kỳ năm 2020. 

Phát triển ngành nghề nông thôn 

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 các ngành nghề nông thôn sẽ giải quyết việc làm cho 13.000 đến 13.500 lao động; đồng thời công nhận thêm bốn nghề truyền thống nâng tổng số lên thành 10 nghề truyền thống và một làng nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển nghề truyền thống; triển khai các dự án phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý môi trường.

Đồng thời, khuyến khích hỗ trợ các nghề mới phát triển tại địa phương; hỗ trợ thành lập hợp tác xã trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hướng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với du lịch...

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có sáu nghề và một làng nghề truyền thống được Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận. Đó là nghề truyền thống bún Long Kiên; nghề truyền thống rượu Hòa Long (thành phố Bà Rịa); nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi (huyện Long Điền); nghề truyền thống bánh hỏi An Nhứt (huyện Long Điền); nghề truyền thống Sò ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu; nghề truyền thống sản xuất muối huyện Long Điền và một làng nghề truyền thống mới được công nhận là làng nghề truyền thống bánh tráng An gãi, huyện Long Điền.

Theo quy hoạch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp Tân Phước bằng hình thức đầu tư xã hội hóa để di dời các cơ sở sản xuất, chế tác đá vào đây. 

Hiện tỉnh cũng đã xây dựng xong Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu, huyện Xuyên Mộc để di dời các cơ sở chế biến hải sản tại địa phương vào đây; quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung tại các địa phương để chuẩn bị di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm vào một chỗ để dễ dàng quản lý, kiểm soát môi trường...

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trưởng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để phát triển nghề nông thôn theo hướng bền vững, tỉnh cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các dự án bảo vệ môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ bằng cách chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng các nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn về phát triển thu hút khách du lịch đến tham quan, học tập, phát triển du lịch cộng đồng để người nông dân có cơ hội làm du lịch ngay trên mảnh đất của mình và gìn giữ được bản sắc.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã đề xuất với Trung ương về đề nghị sửa đổi, có cơ chế đặc thù giao cho địa phương để có thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tạo tiền đề phát triển sản phẩm OCOP và có các điểm tham quan du lịch cộng đồng không riêng gì những sản phẩm truyền thống mà còn các sản phẩm khác của địa phương.

Phú Mỹ