Theo số liệu thống kê năm 2022, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thu gom, xử lý trung bình khoảng 950 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2025, khối lượng phát sinh khoảng 1.590 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương hầu như chưa được phân loại hoặc được phân loại nhưng chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên hiệu quả còn chưa cao. Với thực trạng nêu trên việc xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh là cần thiết.

17 rac thai ran vung tau.jpg

Ngày 22/8/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”.

Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội… 

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, vận chuyển tới những cơ sở tái chế và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với các xã nông thôn mới tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định > 90%. Đối với các xã nông thôn mới nâng cao tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định > 98%; ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn. Đối với các huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn > 40%. Đối với các huyện nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn > 70%...

Về chất thải rắn nguy hại, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. 

Giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh đạt > 50%. Về chất thải rắn nguy hại, duy trì 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Để đạt được các mục tiêu cụ thể nêu trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến năm 2025 như nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn; cơ chế chính sách và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giải pháp về công tác ngăn ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, vận chuyên và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giải pháp về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; nhiệm vụ và giải pháp về quản lý chất thải nhựa…

Võ Thu và nhóm PV, BTV