Tôi chỉ nhớ một lần duy nhất hình như tôi được ưu tiên là lúc mà UB Đối ngoại QH đề nghị Bộ Ngoại giao đề cử một suất ĐBQH - bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

Nhà báo Hoàng Hường: Kính thưa quý vị độc giả VietNamNet, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tuần Việt Nam tổ chức toạ đàm Phụ nữ  tham gia chính trường. Dự toạ đàm hôm nay có bà Tôn Nữ Thị Ninh từng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của VN tại Liên minh Châu Âu, các quốc gia như là Bỉ, Luxembourg. Bà cũng là Phó chủ nhiệm UB đối ngoại quốc hội Việt Nam và là uỷ viên BCH Trung ương Hội phụ nữ VN. Khách mời thứ hai là bà Đỗ Thuỳ Dương, CEO của Talentpool, là chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo nữ.  

Thưa hai vị khách mời, trong những năm gần đây Việt Nam nhận được nhiều đánh giá tích cực về bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cản trở như rất ít phụ nữ giữ vai trò cao nhất trong các tổ chức mà thường chức vụ cao nhất họ nắm giữ là cấp phó, đến nỗi có người khái quát là “hiệu ứng cấp phó”. Đâu là nguyên nhân? Làm sao phụ nữ phát huy được năng lực của mình để có những vị thế tốt trong chính trường, trong quản lý xã hội.  Câu trả lời sẽ đến từ các khách mời hôm nay.

Thưa bà Tôn Nữ Thị Ninh, theo bà đâu là ưu thế của người phụ nữ, và ngược lại, đâu là thứ cản trở phụ nữ tham gia chính trường? 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Một người phụ nữ tham gia chính trường mà suốt ngày nhắc nhở mình là phụ nữ, tôi không cho đó là điều tích cực.

Có những lúc phải nhìn nhận đang có một định kiến đối với phụ nữ, nhưng tôi luôn cho rằng khi làm việc thì mình chỉ là người lao động. Khi đứng trước công việc thì phải đem hết cái tâm, năng lực, trí tuệ. "Làm phụ nữ" không phải là một lợi thế đặc biệt, trong lúc vẫn có những người nghĩ thuần túy giản đơn rằng nếu có hình thức, ngoại hình hấp dẫn sẽ có lợi thế hơn. Nhưng sự thật thì không đáng kể. 

Mà nói thật, nếu có những phụ nữ lấy cái gọi là lợi thế về nhan sắc thường xuyên quá sẽ là con dao hai lưỡi. Một ngày nào đó người ta sẽ nói là “đạt được đến đó là vì nhan sắc chứ không phải vì năng lực, nội lực của mình”. Có nhan sắc trời phú thì cũng tốt thôi, tôi gọi đó là lợi thế con con, không nên lạm dụng và nếu có dùng thì phải dùng theo cách thông minh, tinh tế. Có thế mới trở thành ưu thế.   

Hoàng Hường: Bà đã bao giờ gặp những tình huống như là bản thân bà khi làm việc cũng không nghĩ đến việc mình là phụ nữ. Nhưng thực tế những người xung quanh lại nghĩ rằng cô ấy thành công như thế là do được ưu tiên, vì cô ấy là phụ nữ chẳng hạn? 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi chỉ nhớ một lần duy nhất hình như tôi được ưu tiên là lúc mà UB Đối ngoại QH đề nghị Bộ Ngoại giao đề cử một suất ĐBQH. Trên cơ sở đó mọi người có thể đề cử Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại QH để tăng cường tính chuyên nghiệp của công tác đối ngoại.

Lúc đó tôi đang là đại sứ ở Châu Âu, tôi nghe Bộ Ngoại giao cân nhắc hai, ba người trong đó hai nam, một nữ. UB Đối ngoại QH chọn tôi. Tôi không biết là vì họ rõ về tôi, hay là vì họ nghĩ cũng nên có một nữ, cái đó thì tôi không dám quả quyết. Tôi chỉ nhớ không nhầm là Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại QH lúc đó biết rõ về cá nhân tôi. Tôi nghĩ cơ bản là người đó biết tôi có thể làm gì, hơn là chọn tôi chỉ vì tôi là nữ.  

Tôi không tin là QH lúc đó lại coi trọng vấn đề phải có nữ đến mức như thế. Điển hình là sau khi tôi thôi việc thì Phó chủ nhiệm về sau toàn là nam. Tôi cũng phải ứng cử như mọi người thôi. 

{keywords}
Bà Đỗ Thùy Dương (trái), bà Tôn Nữ Thị Ninh (giữa) và nhà báo Hoàng Hường tại buổi tọa đàm.

Hoàng Hường: Thưa bà Đỗ Thuỳ Dương, theo bà những người phụ nữ làm lãnh đạo hoặc là có tiềm năng và muốn làm lãnh đạo thì có đặc thù gì? Điểm gì chúng ta cần phải cân nhắc, suy nghĩ hay nhấn mạnh vào vấn đề phụ nữ làm quản lý?

Bà Đỗ Thùy Dương: Tôi cho rằng lãnh đạo là một cá tính, đặc điểm, tố chất nhiều hơn là câu chuyện vị trí.

Tôi vẫn thường nói đùa rằng phụ nữ, đặc biệt phụ nữ Việt Nam, luôn có tinh thần lãnh đạo ở trong mình. Lãnh đạo ở đây là câu chuyện tiên phong, dám nhận trách nhiệm, có thể đối đầu với khó khăn và tìm cách vượt qua.  

Nhìn ở góc độ đó thì phụ nữ VN có khả năng và tôi cho rằng dù ở bất kì cương vị nào, điều cần thiết là khả năng lắng nghe. Gần đây tôi gặp rất nhiều chị được giải thưởng nữ doanh nhân ASEAN và giải thưởng thế giới. Các chị đều chia sẻ điều làm nên thành công là các chị biết lắng nghe đồng đội, đồng nghiệp và đối tác. Trong câu chuyện lắng nghe đó, phụ nữ trội hơn ở chỗ, chúng ta không chỉ nghe bằng tai, mà còn nghe bằng tất cả các giác quan và sự nhạy cảm của phụ nữ nữa. Khi đó họ có sự thấu hiểu và đáp ứng được nguyện vọng của người khác, mang lại lợi ích cho người khác nhiều hơn. Đó là một trong những điểm vượt trội, là ưu thế.  

{keywords}
Bà Tôn Nữ Thị Ninh

Hoàng Hường: Thời gian gần đây có nhiều người phụ nữ giữ các vị trí quan trọng trong xã hội, các tổ chức và quốc hội. Các chị  có thấy sự chuyển biến này? Đây là sự vận động tất yếu của xã hội, hay là các cá nhân nữ bây giờ có thể tự tin, mạnh mẽ hơn, xã hội đã  tạo điều kiện cho họ nhiều hơn? 

Bà Đỗ Thùy Dương:  Khi nói về bình đẳng giới thì tôi nghĩ tôi thương phái nam nhiều hơn  nữ. Người phụ nữ bị áp lực về gia đình, nhưng áp lực đó giống như một chuỗi domino.

Còn người đàn ông VN bị định kiến rằng họ phải thành công hơn vợ, họ phải thế này, họ phải thế kia, họ phải kiếm được nhiều tiền hơn, họ phải giỏi giang hơn… Áp lực đó rất lớn và khi họ không có cách giải quyết, họ sẽ gây áp lực một phần nào đó cho người phụ nữ mà họ yêu thương; thành ra áp lực của cả hai phía.  

Tôi chưa quan tâm đến câu chuyện tham gia chính trường nhiều, nhưng ở khía cạnh là một người công dân VN,  nhìn vào câu chuyện bầu cử thì giới chỉ là yếu tố cuối cùng, không phải yếu tố đầu tiên chúng ta cân nhắc khi bầu cho một ai đó.  

Làm nhân sự tôi nhận thấy rằng các ứng viên phải đáp ứng được năng lực cốt lõi để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu công việc. Sau đó giữa hai ứng cử viên tương xứng thì giới chỉ là một yếu tố ưu tiên rất nhỏ. Tôi đồng ý với ý kiến của bà Ninh. Giới không bao giờ là yếu tố chúng ta đưa ra lựa chọn. Ở đây có hai câu chuyện: trước khi chúng ta có sự bình đẳng, trước sự lựa chọn cho chính trường hoặc thương trường, thì chúng ta phải bình đẳng về quyền con người.

Chúng ta phải thực sự cảm thấy hạnh phúc với vị trí ứng cử hoặc được đề cử. Nếu không, đối với một người phụ nữ không có đủ năng lực đó mà chúng ta cứ đẩy họ vào vị trí vì là nữ, thì rất có thể vô tình chúng ta làm họ suốt đời không thấy hạnh phúc nữa vì phải cố vượt quá năng lực. Nếu họ không thực sự sẵn sàng và đam mê, có động lực tốt cho công việc thì nhiều khi cái chúng ta coi là bình đẳng giới lại là áp đặt. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi xin có ý kiến bổ sung cho chị Dương: Ý chị Dương là chỉ cách triển khai chính sách cơ cấu, hết sức máy móc của chúng ta, là di sản của cái cách làm mấy chục năm qua. Cái này tôi phải nói rất là thẳng thừng rằng là tư duy mặt trận. Trong lịch sử  kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, chính sách mặt trận vô cùng quan trọng, nhưng không phải là vận dụng chính sách máy móc, lấy những con số toán học thống kê để cảm thấy yên lòng kiểu mình dân chủ đối với mọi thành phần: phụ nữ có, nông dân có, trẻ có, già có, tôn giáo có.  

Lúc tôi ứng cử QH là do Bộ Ngoại giao chỉ định. Một khi tôi được phân công thế rồi, không cần biết tôi là cô gái thành thị 100%, tôi tập trung suy nghĩ nông dân muốn gì, cần gì, mong đợi gì nơi một đại diện của họ. Tôi muốn nói đừng nghĩ rằng một bác sĩ sẽ đại diện tốt cho ngành y tế.  Ngược lại, có thể là người không phải bác sĩ đại diện ngành y rất tốt.  

Đại biểu nên có cái tư duy bao quát. Ý tôi muốn nói là phải thoát khỏi thân phận. Vấn đề này có thể hơi nhạy cảm một chút, nhưng mà tôi nghĩ phải đúng thế. Vì vậy điều đầu tiên là phải tự phải giải thoát mình khỏi cái tư duy cơ cấu máy móc như chị Dương mô tả. Cái chúng ta cần mà chưa làm là phát hiện tạo điều kiện cho những người mà họ muốn tham chính hoặc là có tiềm năng tham chính; hoặc là họ chưa nghĩ ra họ sẽ tham chính. Nhưng với con mắt tinh tường sẽ thấy đó là một chính khách tốt.

(Còn tiếp)

  • Tuần Việt Nam

Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Quay phim: Ngọc Trinh, Mai Yên

Dựng phim: Huy Phúc