Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có gần 16 triệu con gà.

Từ đầu năm đến nay, tại các địa phương không xuất hiện các ổ dịch trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguy cơ bùng phát dịch luôn hiện hữu, đặc biệt vào dịp cuối năm, khi nhu cầu lưu thông hàng hóa, vận chuyển gia cầm đi các tỉnh tăng cao.

{keywords}
Chủ động phòng dịch, thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ vật nuôi an toàn. Ảnh Thu Hương

Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Giang đã thành lập, duy trì 4 tổ công tác phụ trách phòng dịch tại các địa phương. Theo đó, mỗi tổ phụ trách 2-3 huyện, thành phố, thường xuyên có mặt tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ để kiểm soát, kịp thời phát hiện những nguy cơ dịch bệnh.

Tại huyện Yên Thế, cán bộ chuyên môn tỉnh, huyện thường xuyên hướng dẫn người dân cách bảo vệ đàn vật nuôi, cùng triển khai thực hiện Đề án Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho đàn gà.

Đến nay, tổ công tác lấy mẫu đối với 30 hộ, bảo đảm yêu cầu cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, tại một số cơ sở chăn nuôi, công tác phòng dịch vẫn chưa được thực hiện nghiêm, nhiều chủ hộ, nhất là những gia đình nuôi quy mô nhỏ, việc tiêm phòng chưa được coi trọng.

Theo ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, Chi cục đã cấp phát hơn 2,2 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm cho các địa phương. Các huyện, thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ để người dân mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Trong Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Yên Thế sẽ bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân mua một số loại vắc-xin, hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đối với đàn bò, dê (đàn gà thực hiện theo Đề án của tỉnh).

Tại huyện Hiệp Hòa, các xã, thị trấn đều bố trí kinh phí thực hiện việc tiêu độc khử trùng môi trường, hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua vắc-xin.

Ngành chăn nuôi Bắc Giang cũng khuyến cáo các địa phương, người dân cần chủ động phòng dịch, thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ vật nuôi an toàn.

Trường hợp có ổ dịch, cần thực hiện tiêu hủy toàn bộ số gia cầm; tổng vệ sinh, phun thuốc sát khuẩn liên tục 1 lần/ngày trong vòng 3 tuần tại hộ có dịch. Khoanh vùng dịch, lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ra, vào các xã có dịch. Trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyến gia cầm ra, vào nơi có dịch. Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Bao vây vùng dịch và vùng có nguy cơ cao. Bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch...

Ngoài ra, một số đối tượng vì lợi nhuận, sẵn sàng mua bán, vận chuyển động vật nhiễm bệnh. Lực lượng chức năng thời gian qua đã kiểm tra phát hiện 19 trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật không có chứng nhận kiểm dịch, mắc bệnh... Vì vậy, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang phối hợp, tăng cường kiểm soát, không để tình trạng đó tái diễn.

Thu Hương