Sự sắp xếp tài tình của tạo hoá đã tạo ra một tấm bản đồ mang hình hài Tổ quốc Việt Nam ngay bên trong phiến đá nằm chỏng chơ cạnh quốc lộ.

Phiến đá được phát lộ cũng vô tình gây bao rắc rối cho người có duyên với nó. Người thanh niên có cơ duyên với tảng đá đặc biệt ấy là anh Ngô Anh Quang, sinh năm 1974, một thợ điêu khắc mỹ nghệ ở vùng quê nghèo Mai Phong, xã Mai Trung (huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang).

Cơ duyên với tảng đá kỳ lạ

Từ ngày anh Quang tìm ra tảng kỳ diệu ấy, đến nay khi kể lại cho phóng viên, những cảm xúc dường như vẫn xốn xang trong lòng. Quang kể rằng, nguồn đá chế tác mỹ nghệ của xưởng anh đa phần lấy ở mạn Tây Bắc về. Tuy nhiên, đã ngót 5 năm anh không lên miền đất hoa mơ nở trắng rừng ấy.

Thế nhưng, cách thời điểm phát hiện tảng đá ít lâu có khách hàng đặt anh làm gấp 30 pho tượng. Nhận việc nhưng lòng anh không khỏi bồn chồn bởi đây là mối làm ăn lớn, khách hàng lại khá khắt khe. Vì thế, ngay hôm sau đích thân Quang bắt xe khách lên trên Tây Bắc tìm đá.

Quang hồi tưởng lại: “Lên đến Yên Bái, tôi thuê xe máy, rong ruổi hơn 10 ngày trời chạy dọc con đường rừng núi men theo hai bên bờ sông Chảy để tìm đá. Không biết có phải vì có duyên với tảng đá đó không nhưng khi vừa tìm đủ hàng trong lòng tôi cứ thấy chống chếnh, trong đầu cứ lởn vởn hình ảnh một khối đá và địa danh huyện Lục Yên (Yên Bái).

{keywords}

Ngay khi khỏi ốm, tôi liền băng rừng từ Đại Đồng (huyện Yên Bình) sang huyện Lục Yên, và tìm thấy hòn đá giống hệt trong giấc mơ ở An Phú”.

Hòn đá nằm chỏng chơ bên đường liên xã lầy lội, bên cạnh đều có những tảng đá đẹp với đủ hình thù kỳ quái gấp trăm lần. Quang chỉ để ý đến hòn đá có tấm bản đồ này khi xe bị trượt bánh, nằm lăn lóc ngay trước mặt nó.

Thoáng nhìn qua, tảng đá thô, rêu bám đầy trông không sáng đẹp, màu mè như những hòn đá bên cạnh. Thế nhưng, quan sát một lúc chẳng hiểu sao Quang lại thấy thích tảng đáy này. “Nó nặng 7 tấn, chủ của nó đòi 300 triệu” – Quang nói.

Khách quan mà nói, loại đá tương tự như Quang bắt gặp ở vùng đất này không thiếu. Nhưng điều khiến anh chàng làm nghề mỹ nghệ thích lại là lai lịch “có một không hai” của tảng đá này.

“Chủ tảng đá này kể lại, cách đây 5 năm cánh thợ nổ mìn khai thác đá trong núi, khi các tảng đá bung ra thì họ phát hiện một cái hang động dài khoảng 8 mét, cao 5 mét, nằm ngang chừng giữa quả núi.

Điều lạ là trong hang đó không có gì ngoài tảng đá mà anh vừa mua. Mặt tiền phiến đá rộng 2,8m, bề dày 1,1m, chiều cao 1,75m nằm sừng sững giữa hang động. Từ khi tảng đó để trưng ngoài đường đến đây 5 năm, bao khách ra vào mua nhưng không có ai ngó ngàng đến nó” – Quang chia sẻ lý do thích tảng đá.

Bình thường xe chạy đường quốc lộ 18 về xưởng mỹ nghệ của Ngô Anh Quang ở TP.Bắc Ninh, nhưng khi đến thị trấn Chờ, huyện Yên Phong thì Quang có việc phải chạy qua thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), xe không ra đường 18 nữa mà cắt ngang thị xã để về hướng quốc lộ 1A mới.

Khi đi qua đoạn đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý, sát với quốc lộ 1A thì phát ra mấy tiếng “uỳnh, uỳnh” phía sau xe khiến Quang và mấy anh em trên xe giật mình. Khi ấy, một lớp đá mỏng ở bề mặt của tảng đá đã vỡ ra một mảng lớn.

Lên xe, Quang ngồi thừ ra không hiểu được chuyện gì đã xảy ra, rõ ràng trước khi mua anh đã kiểm tra tảng đá đó rất kỹ, tảng đá rất chắc chắn và không hề có kẽ nứt. Khi đến xưởng, anh gọi người cẩu đá và pho tượng xuống, còn anh lững thững đi vào nhà, chẳng còn tâm trạng gì nữa.

Đang nằm vật ra giường thì cậu thợ đi cùng gọi toáng lên: “Anh ơi! Ra đây mà xem. Bản đồ…”. Nghe anh em gọi, Quang vội ra xưởng. Cả anh và mọi người lúc đó đều ngỡ ngàng không tin vào mắt mình khi trên phần tảng đá bị tách vỡ lộ rõ hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam.

Khuôn mặt anh vẫn vẹn nguyên sự vui mừng, Quang kể: “Tấm bản đồ hiện hữu rõ ràng, mấy anh em vui mừng ôm nhau hét um hết cả lên, từ trước tới nay làm gì có tảng đá nào như vậy. Mà tài thật, sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế không biết”.

Bằng con mắt nghệ thuật và bàn tay khéo léo, anh Quang đã tự tay mài nhẵn, đánh bóng tảng đá tạo thành quyển sách, trong quyển sách một bên nguyên bản là hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam, một bên anh đề bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, bản tuyên ngôn đầu tiên của nước Việt Nam.

“Tấm bản đồ khi được đánh bóng giống y như thật. Trên biển Đông từ đảo Trường Sa, Hoàng Sa đều có hết. Ở đất liền từ biên cương đến sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cửu Long đều rõ cả”, anh cho hay.

Những rắc rối quanh phiến đá tiền tỷ

Khi ra chế tác xong cuốn sách đá, anh Quang đem đặt ở thế đắc địa nhất tại xưởng, ngay trước khu công nghiệp Quế Võ, nơi mà bất kỳ ai đi qua cũng có thể nhìn thấy.

Từ lúc đó gần như ngày nào cũng có hàng trăm người dân hiếu kỳ đến xem hình Tổ quốc trong tảng đá “thần” này. Không chỉ những người dân mà có rất nhiều đại gia, thương nhân và một số doanh nghiệp lớn khi biết anh Quang có tảng đá quý đã hỏi mua với giá cao.

“Doanh nghiệp đều trả giá từ 2 tỷ đến 3 tỷ thì rất nhiều, còn dân chơi thì trả 5 tỷ đến 6 tỷ. Đặc biệt có một thương nhân người Trung Quốc sang công ty ở khu Quế Võ công tác, khi nghe về tảng đá của tôi ông ta bèn có ý định mua lại để mang về bên đấy. Ông ta cho nhân viên đến tận xưởng tìm tôi và trả giá 7 tỷ, nhưng tôi không bán” - anh Quang khẳng định.

Tuy nhiên, từ khi giá trị của tảng đá kỳ lạ này lên tới 7 tỷ thì kéo theo chuyện không ít người ngày đêm dòm ngó.

Anh bức xức nói: “Nhiều người trong số đó là dân “xã hội đen” đến hỏi mua nhưng tôi không bán thì họ lại lật bài, đe dọa kiểu tao không mua được thì chẳng ai mua được cả”.

Một buổi sáng đầu tháng 7 năm vừa rồi, có ba thanh niên dáng vẻ bặm trợn đi xe máy đến, dùng búa lao vào đập phá tấm đá có bản đồ. Thấy vậy, Quang chạy ra bảo vệ tấm bản đồ thì bọn chúng quay lại hành hung. Phải đến khi người trong xưởng ra đông thì đám “đầu gấu” mới chịu bỏ đi.

Muốn để mọi người cùng được chiêm ngưỡng báu vật mà thiên nhiên ban tặng nhưng ngày nào cũng có những kẻ xấu đến rình mò, phá hoại. Vì thế, ngày 10/7 (âm lịch) năm ngoái, anh Quang đã cho chuyển tảng đá về quê Mai Trung để ông bố Nguyễn Hữu Tự (70 tuổi) trông coi.

Anh tâm sự: “Ở trên thành phố có nhiều thành phần xã hội phức tạp, về quê thì tôi yên tâm nhất. Tảng đá này do tôi tìm thấy nhưng nó đâu phải là tài sản của riêng tôi mà là của chung của tất cả mọi người, của con cháu đất Việt, và tấm bản đồ cần được mọi người chung tay bảo vệ”.

Trao đổi với người viết, ông Tự cho biết: “Tôi mong muốn các nhà quản lý văn hoá, bảo tồn, bảo tàng các cấp quan tâm. Nếu có thể gia đình sẽ giao cho Nhà nước quản lý khai thác để tất cả mọi người dân đều được chiêm ngưỡng hình Tổ quốc chủ quyền mà đá trời đã khắc hoạ”./.

(Theo PLVN)