Ngày 2/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra bến Nhà Rồng xin việc. Ngày 3/6/1911, anh được nhận vào làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin.

Ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, anh theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh ba mươi năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

{keywords}
Sau những năm tháng bôn ba khắp năm châu, bốn biển, cuối cùng, Bác Hồ đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chính hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt.

Thời gian ở nước ngoài từ năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xác định mục tiêu rõ ràng là tìm con đường đấu tranh đúng đắn để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình.

Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, Nguyễn Tất Thành đã phải làm nhiều nghề để sinh sống như phụ bếp trên tàu, quét tuyết, chụp ảnh, vẽ minh họa cho các báo, viết báo.v.v. Cũng qua công việc, Người thêm hiểu, đồng cảm với những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi trên thế giới, rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng ý chí tự lực, tự cường, tu dưỡng đạo đức và bản lĩnh của chiến sĩ cách mạng. Sau này, Bác Hồ tâm sự, Bác làm rất nhiều nghề để làm một nghề lớn lao, đó là nghề cách mạng.

Sau những năm tháng bôn ba khắp năm châu, bốn biển, cuối cùng, Người đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trăn trở tìm đường về nước để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam.

"Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập" - Người viết thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, năm 1923. Với việc tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam.

Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, theo phân tích của GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, "là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam, đây là khởi đầu dẫn tới Thời đại Hồ Chí Minh, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước từ cuối thế kỷ XIX đến thập niên 30 thế kỷ XX.

Bước ngoặt ấy cũng là khởi đầu cho sự thay đổi số phận của dân tộc ta, là dấu mốc điển hình cho sự phát triển thành thục tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh...

Sự ra đời của Đảng không chỉ khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam mà còn cho thấy những cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam".

Lương Bằng