Bản thân hệ thống thủy lợi là một công cụ, phương tiện để tạo giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn. Bởi hệ thống thủy lợi thông suốt sẽ đảm bảo việc tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi; đồng thời giúp cho việc vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch được dễ dàng hơn, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá thành sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 2.415 công trình thuỷ lợi (trong đó có 34 hồ chứa, còn lại là các công trình đập dâng, kênh dẫn và trạm bơm) phục vụ tưới cho khoảng 20.098,57 ha cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản. Các công trình thủy lợi, trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo việc cấp nước tưới, tiêu chủ động cho các cây trồng nông nghiệp, phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

W-anhminhhoa-2.png
Ảnh minh hoạ

Hiện nay việc quản lý cơ sở dữ liệu các công trình thủy lợi, đang quản lý bằng phương pháp thủ công (dưới dạng bảng excel, word..), chưa đồng bộ, tách biệt theo từng đơn vị quản lý, chưa có sự thống nhất, đồng bộ, kết nối và chia sẽ dữ liệu giữa các cấp chính quyền. Công tác quản lý dữ liệu công trình thủy lợi không đồng nhất; cơ sở dữ liệu lưu trữ chưa đầy đủ các thông tin cần thiết, chưa có bản đồ tổng thể (đặc biệt là bản đồ số), địa điểm GPS kèm theo hình ảnh công trình.

Các công trình thủy lợi trong thời gian qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai thường xuyên xảy ra với các loại hình như: Mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất với cường độ mạnh và diễn biến bất thường, cực đoan. Mặt khác, nhiều công trình được đầu tư xây dựng từ lâu, công tác quản lý công trình từ các đơn vị đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém như thiếu lực lượng chuyên môn để quản lý vận hành công trình; hồ sơ thiết kế công trình thất lạc, không có nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa dẫn đến nhiều công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng không phát huy được hiệu quả sử dụng.

Việc các công trình đập, hồ chứa nước chưa được lắp đặt các thiết bị quan trắc, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập, hồ chứa và vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước dẫn đến khó khăn trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành; quản lý, khai thác, phân cấp quản lý sử dụng, quản lý tài sản, sửa chữa các công trình, đánh giá sự an toàn của công trình khi có thiên tai và khó khăn trong việc thống kê, tổng hợp báo cáo.

Bởi vậy, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tập trung xây dựng hệ thống CSDL về quản lý các công trình thủy lợi trên nền tảng Web với những nội dung như:

Xây dựng được bản đồ số về các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh bao gồm các thông số cơ bản về công trình như: Tổng mức đầu tư, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, địa điểm xây dựng, năm sửa chữa, diện tích sử dụng đất (m2), giá trị công trình (nguyên giá, thực tế); Hồ sơ thiết kế, thi công (có/không);Tình trạng hoạt động; các Quyết định phê duyệt (có thể đính kèm được các quyết định); Diện tích tưới tiêu, quy mô, các thông số kỹ thuật như: Chiều dài, chiều rộng, chiều cao, mực nước, dung tích, năng lực tưới, tiêu theo thiết kế và thực tế,…từng bước chuyển đổi việc quản lý, thống kê báo cáo từ bản giấy sang báo cáo trực tuyến trên phầm mềm.

Xây dựng CSDL quan trắc mực nước, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập, hồ chứa và vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Theo dõi việc quản lý đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình hàng năm của các địa phương, đơn vị quản lý khai thác;

Thực hiện quản lý theo công năng, quy mô công trình; đơn vị, cá nhân khai tác vận hành; Quản lý tình trạng, trạng thái theo thời gian, quy trình và thời gian duy tu, vận hành thường niên; Quản lý chi phí và nguồn thu khai thác, vận hành các công trình; Quản lý trực quan trên hệ thống bản đồ số cho từng vị trí công trình; Các yêu cầu nghiệp vụ khác theo yêu cầu của đơn vị quản lý chuyên ngành và các quy định của pháp luật.

Xây dựng CSDL các công trình thủy lợi, nhằm ứng dụng công nghệ số vào việc quản lý, điều hành của UBND tỉnh, Sở chuyên ngành, các cấp chính quyền địa phương; CSDL các công trình giúp việc chỉ đạo, quản lý, điều hành được đồng bộ, thống nhất; thuận lợi trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình, phân cấp quản lý sử dụng, quản lý tài sản, sửa chữa các công trình và tra cứu, thống kê báo cáo, báo cáo kết quả, hình thức tưới, tiêu, phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp của từng công trình, góp phần thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT. Giúp cho việc đảm bảo thông tin, dự báo, cảnh báo an toàn cho đập, hồ chứa nước và vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Theo dõi cập nhật diễn biến của thiên tai để các cấp chính quyền điều hành công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai được hiệu quả, đặc biệt khi sảy ra thiệt hại về nhà ở, tài sản, người…

Thời gian dự kiến thực hiện năm 2023-2025: Giai đoạn I (năm 2023): Đầu tư xây dựng các hệ thống phần mềm, vật tư thiết bị phục vụ số hóa, xây dựng CSDL, điều tra, khảo sát, thu thập thông tin. Thông kê, báo cáo số liệu trên phần mềm… Giai đoạn II năm (2024-2025): Tiếp tục áp dụng mở rộng phần mềm, thuê máy chủ (nếu cần thiết), lắp đặt cảnh báo… Tiếp tục hoàn thiện và hiệu chỉnh, nâng cấp phần mềm quản lý tập trung cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và tình hình thực tiễn.

Võ Thu và nhóm PV, BTV