Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện 131 sản phẩm đã đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; có thêm 70 sản phẩm mới từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia.
Các sản phẩm OCOP được tỉnh xác định xây dựng sẽ nằm trong 5 nhóm hàng chủ lực: Nhóm rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả sẽ tập trung là cam, quýt, hồng không hạt, mơ, dong riềng, bí xanh thơm, rau bồ khai, chuối...
Bắc Kạn đẩy mạnh 5 nhóm sản phẩm thương hiệu Việt chủ lực |
Nhóm gạo và các sản phẩm từ gạo, tập trung phát triển sẽ là gạo Japonica, nếp tài, Khẩu nua lếch; nhóm chè và sản phẩm chế biến từ cây chè sẽ là chè trung du, chè Shan tuyết.
Nhóm sản phẩm từ cây dược liệu, tập trung vào nghệ, gừng, cà gai leo, mướp đắng, giảo cổ lam, sả, trà hoa vàng, cát sâm, hà thủ ô, gừng đá, kim ngân, khôi nhung...
Nhóm sản phẩm du lịch nông thôn, điểm du lịch tập trung các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng tại Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể, ATK Chợ Đồn, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, bản Pác Ngòi, Động Puông và động Hua Mạ.
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quán triệt cấp ủy, chính quyền cơ sở về Chương trình OCOP.
Thường xuyên, liên tục thông tin, tuyên truyền qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cấp thôn xã, trang Webs của Chương trình OCOP dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể.
Cùng với đó tỉnh thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp tỉnh - huyện - xã. Vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại… Biên tập và ban hành, phổ biến cẩm nang các chính sách áp dụng cho Chương trình OCOP hằng năm nhằm giúp cộng đồng tiếp cận và vận dụng dễ dàng các chính sách này.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng.
Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao quy trình khép kín, tăng năng suất lao động và sản xuất, theo dõi quản lý chặt chẽ có hệ thống; công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm như tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc…
Ngoài ra, định kỳ 1 năm/lần, Bắc Kạn sẽ tổ chức ít nhất 1 chuyến công tác đến các tỉnh thành thực hiện tốt Chương trình OCOP để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Giai đoạn này, không chỉ chú trọng hợp tác trong nước, tỉnh sẽ còn thúc đẩy kết nối giao thương hàng hóa sản phẩm trong hệ thống OCOP toàn cầu, tham gia sự kiện quốc tế về quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại hướng đến thương mại quốc tế.
Khánh Hòa