Trong những năm gần đây, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê của tỉnh Bắc Kạn đã có sự thay đổi rõ rệt. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.
Đến nay, Bắc Kạn đã có 02 xã đạt nông thôn mới nâng cao là Kim Lư và Quang Thuận. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 phấn đấu xây dựng 06 xã nông thôn mới nâng cao; bao gồm 04 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn năm 2023 (gồm xã Khang Ninh, huyện Ba Bể; xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn; xã Cường Lợi, huyện Na Rì; xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn) và 02 xã chưa đạt chuẩn trong lộ trình phấn đấu năm 2022 (gồm xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông; xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể). Củng cố, duy trì các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới còn lại phấn đấu đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí nông thôn mới nâng cao so với năm 2022.
Xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn theo kế hoạch sẽ về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Hiện nay, tổng số tiêu chí xã tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 10/19 tiêu chí; 9 tiêu chí chưa đạt gồm: Quy hoạch, Giao thông, Giáo dục, Văn hóa, Thu nhập, Thông tin và truyền thông, Nghèo đa chiều, Hành chính công, Quốc phòng và an ninh.
Đối với các tiêu chí chưa đạt, xã đang triển khai các giải pháp để hoàn thành. Như với Tiêu chí quy hoạch, xã đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư sau khi có quy hoạch chung xây dựng xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với Tiêu chí giao thông, hiện còn 0,79km đường trục thôn, liên thôn chưa được bê tông, cứng hóa; xã cũng đang triển khai 04 tuyến đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài 1,5km.
Để thực hiện Tiêu chí giáo dục, xã đang xây dựng Trường Mầm non đạt chuẩn mức độ 2. Đối với Tiêu chí văn hóa, xã chưa lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng, do vậy cần nguồn lực thực hiện hơn 89 triệu đồng. Tuy nhiên, để đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã gặp khó khăn nhất về tiêu chí Thu nhập, Nghèo đa chiều; các tiêu chí chưa đạt, xã cần hơn 500 triệu đồng để thực hiện, hoàn thiện…
Năm 2023, huyện Chợ Đồn đề ra mục tiêu có 4 xã về đích nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp để tổ chức thực hiện các tiêu chí.
Theo đó, xây dựng nông thôn mới nâng cao là thực hiện Bộ tiêu chí và chính sách mới ban hành, văn bản hướng dẫn thực hiện còn thay đổi chưa được thống nhất, cụ thể nên việc giải ngân các nguồn vốn còn chậm. Bộ tiêu chí về nông thôn mới nâng cao đòi hỏi rất cao, như về giao thông đòi hỏi 100% đường giao thông nông thôn phải được cứng hóa, phải có ít nhất 01 trường học trên địa bàn đạt chuẩn mức độ 2. Ngoài ra, Tiêu chí thu nhập cần tăng từ mức 42 triệu đồng lên 51 triệu đồng/người/năm là nhiệm vụ rất khó khăn…
Tỉnh Bắc Kạn đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới nâng cao tại các địa phương. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực để sớm đưa các xã về đích nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới nâng cao.
Ngoài ra, nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn, UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ triển khai kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, bền vững.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của chương trình; đảm bảo khách quan, trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan thẩm quyền xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn công tác kiểm tra, giám sát thông qua công tác kiểm tra giám sát.
Nội dung kiểm tra, giám sát sẽ tập trung vào một số nội dung cụ thể bao gồm: Việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý chỉ đạo, điều hành chương trình của cấp trên; ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; thực hiện xây dựng tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình; công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý chương trình... Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình.
Tình hình thực hiện kế hoạch nguồn vốn đầu tư, dự toán ngân sách Nhà nước: Kết quả huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình; tình hình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng xây dựng cơ bản...).
Năng lực tổ chức, việc chấp hành các quy định về quản lý chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có). Việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá Chương trình của các nội dung thành phần, các chương trình chuyên đề.
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.
Đối tượng kiểm tra giám sát là Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện và các chủ đầu tư thực hiện chương trình. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và đối tượng tham gia thực hiện chương trình và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tỉnh cũng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng truyền thông phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Nâng cao vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới…