Năm 2023, Bắc Kạn có hơn 316.500 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 97% dân số, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước (93,35%). Tỉnh phấn đấu duy trì tỷ lệ này, tiếp tục bố trí ngân sách nhà nước và huy động thêm các nguồn ngân sách khác để mua thẻ BHYT cho người nghèo và người được hưởng các chính sách xã hội, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo.
Cải thiện dinh dưỡng là một trong các hoạt động thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Hoạt động này nhằm cải thiện, chăm sóc và nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Y tế là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong các tiêu chí đo lường chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Hai chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt về y tế gồm: Dinh dưỡng (hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi) và bảo hiểm y tế (hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có bảo hiểm y tế).
Tại Bắc Kạn, trong năm 2024, Sở Y tế được phân bổ hơn 3,5 tỷ đồng để thực hiện tiểu dự án về cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, hơn 3,2 tỷ đồng được phân bổ về các huyện, thành phố.
Các hoạt động cải thiện dinh dưỡng của tỉnh Bắc Kạn tập trung vào việc hỗ trợ tiếp cận và can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em từ 0-16 tuổi; Tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; Hoạt động truyền thông dinh dưỡng và tổ chức các chiến dịch truyền thông, lễ phát động và hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, giáo viên và các nhân viên liên quan.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2024 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 25% và thể gầy còm xuống dưới 5,5%. Cùng đó, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ mang thai; Bảo đảm ứng phó về phòng, chống suy dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến giữa tháng 8/2024, có 656 trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng; có 5.336 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai được tư vấn dinh dưỡng. Cùng đó, 410 phụ nữ có thai được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng; có 87 trẻ được theo dõi và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng; có 3.327 trẻ được tư vấn dinh dưỡng; có 4.496 trẻ suy dinh dưỡng được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng.
Tại huyện nghèo nhất tỉnh Bắc Kạn là Pác Nặm, năm 2024, trong tổng số 602 hộ dự kiến thoát nghèo, có 131 hộ (tương đương gần 22%) thiếu hụt chỉ số dinh dưỡng (có trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng về chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi).
Năm nay, huyện Pác Nặm được giao hơn 530 triệu đồng thực hiện cải thiện dinh dưỡng cho trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi, trong đó ngân sách Trung ương là 509 triệu đồng, ngân sách địa phương 16 triệu đồng.
Để cải thiện dinh dưỡng, giảm chỉ số thiếu hụt kể trên, trong năm 2024, huyện Pác nặm tập trung vận động 131 hộ gia đình dự kiến thoát nghèo này phối hợp với trạm y tế xã, các trường học tổ chức cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng, can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Các hoạt động cụ thể đã và đang triển khai như: Tăng cường hoạt động chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc cho trẻ học đường (trẻ 5-16 tuổi); tăng cường công tác thông tin, truyền thông và tư vấn cho phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ về lợi ích của việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em 0-16 tuổi.
Cùng đó, huyện cũng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế thôn bản và cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã; tăng cường nguồn lực và vai trò phối hợp liên ngành về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng phụ nữ, trẻ em 0-16 tuổi.