Với gần 90% là đồng bào DTTS, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách. 

Trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025.

Từ nguồn vốn được cấp, tỉnh phân bổ về các địa phương để triển khai xuống cơ sở. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn vùng dân tộc thiểu số đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

W-anhminhhoa-3.png
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng bộ; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Khi triển khai các Dự án và Tiểu dự án, các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện các hạng mục mà Chương trình đặt ra. Tại Pác Nặm, với đặc thù là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2023 cũng đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt tại 2 xã Bằng Thành và Bộc Bố.

Khuổi Ít từng là những thôn bản khó khăn nhất của xã Kim Lư, huyện Na Rì, nhưng nay đã đổi thay nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ hiệu quả cây con giống, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát từ nguồn vốn của các chương trình chính sách cho vùng DTTS được chính quyền triển khai. Toàn thôn có gần 50 hộ dân, đa số là người dân tộc Dao thì hiện chỉ còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo.

Cũng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, Công trình nước sạch thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số mới được đầu tư xây dựng ở thôn Khau Ca, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông đã giúp giúp thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn có thể yên tâm về nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh. 

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung mở các tuyến đường lâm nghiệp, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hóa.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng cũng đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, dạy nghề cho các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Với sự nỗ lực vào cuộc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 đã cho thấy quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trên tinh thần đó với những giải pháp thiết thực, cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 sẽ thực sự là đòn bẩy phát triển các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, tạo sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững.

Kim Duyên và nhóm PV, BTV