Được biết, cứ dịp đầu Xuân, một số liền anh, liền chị Bắc Ninh lại cố công duy trì một vài canh hát mộc theo lề lối vừa để hiện tình yêu quan họ, vừa góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể đáng tự hào của quê hương. Trong đó, hát thờ là hình thức ca quan họ được thể hiện trong đình, đền, trong những ngày hội Xuân, hoặc trong dịp thu tế. Như tại đình thôn Hoài Trung, các liền anh, liền chị ngồi đối diện nhau, các câu quan họ cổ lần lượt vang lên không có nhạc đệm.

Tùy vào từng dịp lễ hội, hát thờ quan họ lại có những đặc điểm và quy định khác nhau, tuy nhiên đây đều là hình thức quan họ tham gia vào phần lễ của lễ hội. Hát thờ trong quan họ để ca ngợi công đức của thành hoàng làng hoặc vị thánh được dân làng thờ trong đình, đền, vừa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vừa cầu cho tình bạn giữa 2 bọn quan họ được gắn bó keo sơn bền chặt.

{keywords}
 

Theo nhiều nghệ nhân quan họ, điểm khác biệt giữa canh hát thờ với hát chúc, hát mừng là hát thờ ca cả “bọn”, không hát riêng lẻ từng cặp một, thường kéo dài nửa tiếng, trong đó chỉ ca 5 giọng lề lối cơ bản: la rằng, tình tang, đường bạn, cái ả, cây gạo; không có hát giọng vặt, giọng giã bạn. Hiện hát thờ quan họ đang được nhiều làng quan họ gốc tổ chức mỗi dịp đầu Xuân. Trong các hội làng, đình đám, các “bọn” quan họ lại mời nhau đến dự hội, cùng hát chúc, hát mừng khi đón nhau và rồi trải chiếu hát quan họ thờ để khẳng định tình bạn khăng khít gắn bó giữa 2 “bọn” quan họ.

Bên cạnh phục dựng không gian văn hóa quan họ cổ, việc phục dựng các hình thức diễn xướng dân ca quan họ cổ như hát thờ là một trong số những giải pháp được Bắc Ninh xác định nhằm hướng đến bảo tồn, phát huy tốt giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ. Đến nay, Bắc Ninh đã phục dựng và ghi hình 4 hình thức hát quan họ cổ như: hát chúc mừng, hát thờ, hát hội, hát canh.

Đ. Sơn