Thạc sĩ Bác sĩ Phạm Minh Huy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 2B, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã chia sẻ như vậy trong lễ vinh danh Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021, ngày 20/12.
Anh đại diện cho tập thể y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã lăn lộn ở nơi tuyến đầu chống dịch gần 2 năm qua ở tâm dịch TP.HCM. Họ là những người đặt tính mạng của bản thân phía sau cuộc sống của mỗi người dân, mỗi người bệnh.
Trân trọng nhận hoa và kỷ niệm chương của chương trình, bác sĩ Phạm Minh Huy gửi lời cảm ơn của tập thể y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đến quý độc giả và báo VietNamNet đã dành sự tin yêu, tín nhiệm.
“Thực sự, trong những ngày chống dịch khốc liệt, chúng tôi không hề nghĩ đến chuyện được vinh danh hay ghi nhận”, bác sĩ Phạm Minh Huy chia sẻ.
Thạc sĩ Bác sĩ Phạm Minh Huy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 2B, nhận hoa và kỷ niệm chương Nhân vật truyền cảm hứng VietNamNet 2021, vinh danh Tập thể Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Năm 2020, dịch Covid-19 chính thức xuất hiện tại Việt Nam. Bệnh viện Chợ Rẫy – bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, cử các đội chi viện đến nhiều tỉnh thành miền Trung khi dịch có dấu hiệu phức tạp.
Bước sang năm 2021, làn sóng dịch thứ 4 tại TP.HCM đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như mọi người dân thành phố.
“Cá nhân tôi, tháng 5 đi chống dịch ở Bắc Giang, tháng 6 về Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi cách ly hoàn toàn với gia đình, nửa năm qua không về nhà. Vợ tôi là bác sĩ, cô ấy cũng đi chống dịch triền miên”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Đây là câu chuyện chung của hàng ngàn nhân viên y tế ngay khi dịch xuất hiện.
Tháng 7/2021, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được thành lập với nhân lực của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Đây là giai đoạn thiếu thốn từ nhân sự đến trang thiết bị, cơ sở vật chất, thuốc men. Sau đó, Bộ Y tế, TP.HCM đã chi viện, tăng cường con người, máy móc để đáp ứng với yêu cầu thực tế.
“Bệnh viện mở đến đâu, người bệnh kín đến đó”, bác sĩ Huy nhớ lại.
Bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 |
Đỉnh dịch, bệnh nhân nặng, nguy kịch đổ dồn về các khu hồi sức. Có thời điểm, mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 50 bệnh nhân qua đời, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cũng mất gần 30 trường hợp. Những cái chết vây quanh y bác sĩ bất chấp họ đã cống hiến và nỗ lực 300% khả năng, tâm sức. Rất nhiều lần, họ bất lực trước thần chết.
“Bệnh nhân nhập viện rồi tử vong trước mắt chúng tôi, mỗi ngày. Dù là bác sĩ hồi sức, cứng rắn đến đâu cũng cảm thấy cực kỳ khủng khiếp. Nhưng nhìn bệnh nhân này chết, mình vẫn phải tỉnh táo lo cứu bệnh nhân bên cạnh. Công việc cuốn chúng tôi đi, không có thời gian để buồn bã lâu.
Suốt những tháng ngày đó, nhân viên y tế chúng tôi không bao giờ để ý đến chuyện sẽ có lúc được ghi nhận. Không hề!”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Vinh danh những cá nhân, tập thế được độc giả VietNamNet bình chọn. |
Thế nhưng, ở nơi khốc liệt nhất,tang tóc nhất, những mầm hạnh phúc cũng bắt đầu nảy nở. Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, gần 10 trường hợp thai phụ mắc Covid được các y bác sĩ cứu sống cả mẹ và con, nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch như được đưa từ cõi chết trở về.
Cũng có những bệnh nhân được cứu sống nhờ một chữ “duyên”. Bác sĩ Huy nhớ lại, fanpage của Bệnh viện Chợ Rẫy có bình luận của một người phụ nữ. Người này gửi lời cầu khẩn mong Bệnh viện nhận chồng của chị ấy về điều trị, hiện đang ở huyện Củ Chi. Đó là một bệnh nhân rất nặng, phải thở máy.
Đọc được bình luận, các bác sĩ xác minh thông tin và nhanh chóng đưa bệnh nhân này về Bệnh viện Hồi sức Covid-19. 7 ngày sau, người chồng cai được máy thở, phục hồi dần và trở về với vợ.
Hay trường hợp một cô gái 29 tuổi nặng trên 110kg nhập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trong tình trạng trụy tim mạch, suy gan, suy thận, cực kỳ nguy kịch. Bác sĩ từ khoa hồi sức chạy ngược xuống khu cấp cứu đặt nội khí quản và can thiệp ECMO ngay tại chỗ. Tính mạng bệnh nhân khi đó tính bằng giây bằng phút.
“Chúng tôi sợ khi chuyển bệnh nhân lên khoa hồi sức mới đặt ECMO thì bệnh nhân có thể trở nặng và tử vong ngay”.
Sau khi làm ECMO, bệnh nhân xuất huyết phổi, suy gan thận, nhiễm trùng, rất tuyệt vọng. Có thời điểm, y bác sĩ nản lòng nghĩ rằng không thể thắng được tử thần. Thế nhưng, mỗi thời khắc cô gái 29 tuổi này tỉnh táo, điều dưỡng nói gì, cô đều hợp tác và nghe lời.
“Chúng tôi cảm nhận rất rõ nghị lực và mong muốn sống của cô ấy. Bệnh nhân cứ cố gắng và cố gắng mỗi ngày. Không ngờ được, 20 ngày sau cô ấy được cai ECMO, phục hồi dần dù đã bước 1 chân sang cửa tử.
Chúng tôi đã kéo ngược bệnh nhân trở lại”, bác sĩ Huy nhớ lại cuộc giành giật căng thẳng của mình và đồng đội.
“Cứ khoảng 9h sáng, bệnh nhân của chúng tôi sẽ xuất viện. Mỗi ngày, có khoảng 5-7 bệnh nhân thôi nhưng đó là thời điểm hạnh phúc nhất trong ngày với nhân viên y tế.
Chứng kiến họ từng nguy kịch, tưởng như không sống nổi, nhưng nay khỏi bệnh, phục hồi, tỉnh táo. Bệnh nhân đi ngang và chào chúng tối để về nhà.
Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng, cứu sống bệnh nhân khác”.
Sáng 20/12, báo VietNamNet đã tổ chức lễ vinh danh Nhân vật truyền cảm hứng 2021. Bốn nhân vật và tập thể có lượng bình chọn cao nhất là bà Đặng Thị Kim Oanh - nữ doanh nhân nhập thuốc đặc trị Covid-19 phát miễn phí cho bệnh nhân, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - người nhận đỡ đầu cho những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị đóng vai trò then chốt trong việc cứu chữa cho bệnh nhân nặng, anh Vũ Quốc Cường (đã mất vì Covid-19) - người có nhiều đóng góp trong các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, lang thang cơ nhỡ và người bị cách ly. Đây là năm thứ 2 Giải thưởng Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng được tổ chức nhằm vinh danh những hành động, dự án của các cá nhân, tổ chức có sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. |
Linh Giao
Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng - Sự tốt đẹp trở thành dòng chảy chính của xã hội
Bốn nhân vật truyền cảm hứng được độc giả bình chọn cao nhất năm 2021 đã có những chia sẻ xúc động tại Lễ vinh danh sáng nay 20/12.