Theo TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong giai đoạn giãn cách trước đây, chúng ta đưa ra giải pháp 5K để phòng chống dịch, các tác nhân lây truyền qua đường hô hấp đã giảm đi rất rõ rệt. Tới nay, khi trở lại trường học, trẻ đương nhiên sẽ có sự giao lưu, gặp gỡ, có môi trường sinh hoạt tập thể, nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh bởi vậy lớn hơn.
TS Ngãi cho rằng, qua kinh nghiệm phòng chống Covid-19 đã triển khai, các phương pháp phòng vệ không đặc hiệu là bài học có thể triển khai tiếp tục lâu dài, kể cả thời điểm dịch đã trở về trạng thái bình thường.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tới lớp, các biện pháp như đeo khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt ở môi trường tập thể, giữ lớp học sạch sẽ… vẫn quan trọng, không chỉ phòng Covid-19 mà còn phòng tác nhân của các bệnh khác lây truyền qua tiếp xúc, giọt bắn. Bên cạnh đó, cần chăm sóc dinh dưỡng để bé tăng đề kháng; đảm bảo trong sinh hoạt bé được cân đối từ hoạt động thể lực, vui chơi đến học tập.
TS Ngãi đặc biệt nhấn mạnh sự quan tâm, lưu ý của gia đình và nhà trường tới trẻ trong bối cảnh hiện nay, khi trẻ vừa tới lớp để học tập, phát triển năng lực nhưng vẫn phải đảm bảo phòng chống Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nói chung.
TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho rằng, có 4 giải pháp nên áp dụng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi tới trường.
Thứ nhất, trường học nên được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, nhất là đồ dùng của trẻ phải khử khuẩn kỹ lưỡng. Thứ hai, có biện pháp kiểm soát "đầu vào", tức thông tin trước với phụ huynh, những bé có triệu chứng ho, sốt,… phải chủ động cho nghỉ ở nhà.
Thứ ba, quá trình học tập tại trường nên có sự kiểm tra, kiểm soát. Ví dụ, đo nhiệt độ cho các con 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 thì cho bé nghỉ học, không để tiếp xúc với trẻ khác.
Thứ tư, khuyến cáo phụ huynh ngay khi ở nhà cần có giải pháp bảo vệ an toàn cho con, chủ động phát hiện các triệu chứng ho, sốt, nếu có cần cho bé nghỉ ở nhà và thông báo với nhà trường.
TS Thường nhấn mạnh, ở góc độ bác sĩ nhi khoa, việc cho trẻ đi học trực tiếp là hết sức cần thiết. Trẻ ở nhà quá lâu có thể tăng tỷ lệ trầm cảm, stress và đi học chính là hình thức giúp bé "xả stress".
Cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề dịch bệnh mà lo ngại việc con đi học trực tiếp. Hiện nay, Hà Nội đã qua đỉnh dịch, số ca nhiễm giảm dần, chủng Omicron đang lưu hành cũng được chứng minh không quá nguy hiểm. "Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã điều trị hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có gần 1.000 trẻ em. Thực tế chứng minh trẻ nhỏ thường diễn tiến không nặng, nên không cần quá lo lắng", TS Thường thông tin.
Tuy nhiên, TS Thường cũng cho rằng việc bệnh nhi Covid-19 thường diễn tiến nhẹ không có nghĩa chúng ta bỏ lơ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch. "Bệnh này nếu nặng có thể gây tử vong, biến chứng; nhẹ cũng có thể gây sốt, mệt mỏi, ho kéo dài,… Để trẻ bị ốm rõ ràng không là điều tốt, do vậy chúng ta vẫn cần cố gắng đảm bảo phòng dịch. Kể cả những bé từng nhiễm bệnh 1 lần, hoặc tái nhiễm tới lần 2 vẫn có nguy cơ nhiễm lại", TS Thường nói.
Nguyễn Liên