Những ngày qua, người dân nhiều tỉnh miền Trung oằn mình chống chọi với lũ lịch sử. Nhiều bệnh viện bị nhấn chìm, hàng loạt thiết bị y tế, máy siêu âm, X-quang, máy xét nghiệm… bị hư hỏng như Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, đa khoa Quảng Ninh ở tỉnh Quảng Bình, TTYT huyện Cẩm Xuyên ở Hà Tĩnh…

{keywords}

Bệnh viện Bạch Mai vào miền Trung để hỗ trợ các cơ sở y tế 

Để cùng miền Trung vượt qua khó khăn, những ngày qua, BV Bạch Mai đã cử đoàn công tác đặc biệt vào hỗ trợ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để hỗ trợ sửa chữa máy móc, trang thiết bị y tế, đồng thời bệnh viện cũng huy động toàn bộ nhân viên ủng hộ được hơn 600 triệu đồng để gửi tới các hoàn cảnh khó khăn.

GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, sau lũ là dịch bệnh, do đó bệnh viện sẽ tổ chức các chương trình khám bệnh và tặng quà cho người dân các tỉnh chịu thiệt hại nặng do thiên tai.

Do đặc thù điều trị ung thư, những ngày qua nhiều bệnh nhân vùng lũ điều trị xa quê cũng đứng ngồi không yên, ngóng trông về quê nhà.

{keywords}

Giám đốc Bệnh viện K trao tiền cho các bệnh nhân ung thư sống tại vùng bị ngập lụt

Đang điều trị ung thư vòm họng tại BV K, ông Trần Quang Thành, 70 tuổi ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình chia sẻ, toàn bộ nhà cửa đã bị ngập sâu trong lũ, đồ đạc trôi hết không còn gì.

“Những ngày qua tôi sốt ruột muốn về ngay nhưng hỏi khắp nơi họ nói từ chỗ đi được muốn về nhà tôi phải mất 2 triệu đồng. Phần đang điều trị dở nên bác sĩ động viên tiếp tục điều tị, phần không có tiền nên tôi chưa thể về quê”, ông Thành rớm nước mắt nói.

Bệnh nhân Đặng Thị Oanh, 66 tuổi, quê tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, thuộc hộ cận nghèo đang điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện K gần 1 tháng nay. Chồng bà Oanh cũng bị ung thư tuyến nước bọt, kinh tế khó khăn nên chồng phải bỏ dở điều trị.

Trong những ngày lũ vừa qua, người chồng phải đi sơ tán, nhà và toàn bộ tài sản bị cuốn bay theo lũ.

Trước hoàn cảnh khó khăn của nhiều bệnh nhân vùng lũ, TS Nguyễn Tiến Quang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên đóng góp ít nhất 1 ngày lương để ủng hộ cho người dân miền Trung và hỗ trợ ngay những người bệnh có quê bị thiệt hại do mưa lũ đang điều trị tại bệnh viện.

Bệnh viện K đã trao tặng hơn 200 triệu đồng cho 110 bệnh nhân ung thư, đồng thời tổ chức 2 chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân và người nhà tại các tỉnh miền Trung về quê.

{keywords}

Chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân ung thư và người nhà ở miền Trung về quê 

Toàn bộ cán bộ, người lao động tại Bệnh viện Việt Đức trong 3 ngày qua đã quyên góp được hơn 500 triệu đồng, gửi trực tiếp đến các đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết, đã lên kế hoạch cử các thầy thuốc về Quảng trị - một trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch sử để thăm khám miễn phí cho người dân.

Bộ Y tế cũng kêu gọi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị các phương án hỗ trợ miền Trung bằng cách cử bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, sức tích cực, ngoại chấn thương mang theo thuốc, trang thiết bị đến khám chữa bệnh cho người dân sau khi lũ rút và hỗ trợ các bệnh viện ngập lụt sớm khôi phục hoạt động.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố tại các địa bàn không bị ảnh hưởng bão lũ, tùy theo khả năng, đề xuất phương án hỗ trợ báo cáo về Ban Chỉ huy Bộ Y tế để được huy động khi cần thiết.

Thúy Hạnh

Cần làm gì để phòng các dịch bệnh mùa mưa lũ?

Cần làm gì để phòng các dịch bệnh mùa mưa lũ?

Mùa mưa lũ, người dân dễ gặp các dịch bệnh phổ biến như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…