- Xem xét những ca tử vong trong sản khoa trong năm nay, tất cả những giải thích của cơ quan chuyên môn có vẻ như vẫn không giải tỏa được sự hoài nghi của công luận.

Tin bài liên quan:

Giá như cơ quan chuyên môn cho công luận được rõ: Sản phụ đã được bác sĩ chuyên khoa sản khám và tin lượng cuộc đẻ và ra chỉ định về chế độ theo dõi chăm sóc? Khi có diễn biến bất thường thì bác sĩ trực lãnh đạo có mặt kịp thời? Cuộc cấp cứu có sự phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu và bác sĩ chuyên khoa sản?

Nếu tất cả thông tin trên rõ ràng, thì có thể giảm bớt sự hoài nghi và phê phán của công luận về y đức như hiện nay.

Quản lý không thông – Bác sĩ cáu gắt
Bị đặt trước áp lực quá tải, bác sĩ sẽ cáu gắt? (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Một lời nói nhẹ nhàng thái độ ân cần, chăm sóc chu đáo của thầy thuốc là rất cần thiết và luôn là chuẩn mực đầu tiên của y đức. Nhưng thái độ, cảm xúc của người thầy thuốc cũng rất khác nhau trong từng trường hợp cụ thể.

Trong một cuộc cấp cứu, người thầy thuốc rất cần một không gian cho công việc của mình, chỉ sai sót nhỏ, cũng đủ trả giá bằng tính mạng của người bệnh. Họ cần sự nghiêm túc và chính xác của tất cả kíp cấp cứu, cần sự trật tự, tôn trọng của người nhà bệnh nhân. Họ chưa có thời gian để cười nói động viên bệnh nhân cũng như người nhà của bệnh nhân.

Trong lúc còn suy nghĩ căng thẳng, phân tích từng triệu chứng của bệnh kết hợp những kết quả xét nghiệm để lựa chọn một chẩn đoán phù hợp cho bệnh nhân, họ cũng chưa có thời gian dành cho việc giao tiếp.
 
Nếu một bác sĩ không được phân công làm việc đúng chuyên khoa được đào tạo thì khi có tình huống bất thường theo chiều hướng xấu sẽ trở thành quá tải với kiến thức của bác sĩ đó.

Không phủ nhận trong các bệnh viện còn rất nhiều tồn tại về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của một số thầy thuốc, khiến dư luận xã hội lên án. Làm đúng chuyên môn được đào tạo sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người thầy thuốc phát huy được chuyên môn chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng. Lúc đó sự niềm nở vui vẻ, ân cân, tận tình chu đáo mới thật sự là y đức của người thầy thuốc. Ngược lại sự nhẹ nhàng ân cần cũng chỉ còn là giả dối và vô đạo đức mà thôi.

Quản lý vô cảm – sinh ra nhiều hệ lụy.

Ngày nay cùng tiến bộ của khoa học y học, việc khám bệnh của bác sĩ theo phương pháp khám lâm sàng kinh điển là không đủ. Các bệnh viện đều được trang bị nhiều trang thiết bị máy móc y tế. Có loại giúp cho công việc khám bệnh nhằm đưa ra được những chẩn đoán đúng (như máy xét nghiệm, máy XQ...), có loại giúp cho việc điều trị bệnh nhân (như máy thở, máy lọc máu...).

Máy móc thiết bị y tế (ảnh minh họa, nguồn Internet)

Việc mua sắm máy móc y tế thường đi theo những kỹ thuật do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng thực tế có bệnh viện được trang bị hoặc mua sắm không đưa vào sử dụng được do không đồng bộ hoặc do chất lượng của máy.

Ví dụ bệnh viện tôi đang công tác tại Bắc Giang, có hai máy siêu âm màu. Một cái mua từ năm 2008 mới hoạt động được 03 tháng. Một cái mới mua thêm bằng nguồn tài chính do tỉnh cấp, nhưng vẫn chưa hoạt động được. Một máy sinh hiểm vi của chuyên khoa mắt không sử dụng được vì lý do chất lượng của máy. Máy thở và một số máy trang bị cho cấp cứu không sử dụng được. Điều đó không chỉ dẫn tới lãng phí tiền của mà còn ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của bác sĩ và hậu quả cuối cùng vẫn là người bệnh chịu.

Hồi sức cấp cứu luôn là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động khám chữa bệnh, nên  bệnh viện nào cũng tổ chức trực cấp cứu 24/24.

Do tính chất quan trọng đặc biệt của hồi sức cấp cứu nên Bộ Y tế ban hành quy chế  Cấp cứu- Hồi sức và Chống độc. Bộ Y tế quy định các bệnh viện công lập đều phải thành lập khoa cấp cứu và khi cử cán bộ về làm việc tại khoa này phải được đào tạo.

Nhưng cho tới nay tại tỉnh Bắc Giang hầu như các bệnh viện tuyến huyện vẫn là khoa ghép. Các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu có thể đếm trên đầu ngón tay, có bệnh viện không sử dụng bác sĩ chuyên khoa, mà phân công cán bộ về làm việc tại khu vực này thay đổi liên tục như kiểu “Xôi lần xã lượt”.

Cách điều hành như vậy còn dẫn tới các máy móc trang thiết bị cho việc cấp cứu bệnh nhân không được sử dụng hiệu quả. Trong trường hợp như thế này; ngoài việc gây lãng phí thì hậu quả cuối cùng là sức khỏe và sinh mạng của bệnh nhân.

Đã đến lúc các quy ước y đức Việt Nam cần được soạn lại sao cho phù hợp với giá trị văn hóa Việt Nam và chuẩn mực y đức thế giới. Cần thiết phải có những quy định rõ ràng về y đức trong quản lý y tế. Không thể để cuối cùng, hậu quả và thiệt hại đổ lên đầu bệnh nhân, mang tiếng đến những y bác sĩ trong khi thực tế là có do nguyên nhân quản lý vô cảm.

  • Bác sĩ N.V