“Ta có bi quan không?” cuốn sách mới của nhà văn Khải Đơn đã chia sẻ rất nhiều về những chuyến đi của mình và những bài học đắt của tuổi trẻ trên từng cung đường.

Từng gây tiếng vang lớn với hai cuốn sách đầu tay “Đừng tháo xuống nụ cười" và “Sài Gòn - Thị thành hoang dại," nhà văn Khải Đơn trở lại sau chuyến công tác Thái Lan với tập tản văn thứ ba “Ta có bi quan không?” ra mắt tháng 7/2017. Với cuốn sách này, chị đã chia sẻ rất nhiều về những chuyến đi của mình và những bài học đắt của tuổi trẻ trên từng cung đường.

{keywords}

Chúc mừng chị đã ra bắt cuốn sách thứ ba “Ta có bi quan không?” với rất nhiều những trăn trở của người trẻ. Trong cuốn sách, chị có kể những câu chuyện khi chị ở Lào, và ở Thái Lan. Chị có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian đó không?

- Đó là khoảng 1,5 năm tôi làm việc ở Thái Lan, và tôi đi lại khá nhiều ở Lào, Campuchia, Thái Lan trong suốt thời gian này. Điều tuyệt diệu nhất mà tôi luôn choáng ngợp là tôi bắt đầu thấy hiểu và yêu sông Mekong. Gần như tháng nào tôi cũng đến một đoạn sông Mekong nào đó, trò chuyện với người dân, xem nghề đánh cá, bơi ở giữa những doi cát nổi ra giữa sông. Có một lần tôi tắm xong nằm phơi mình trên doi cát giữa sông ở Thái - Lào, bạn tôi, một cô gái người Thái nói: “Chúng ta đang nằm phơi nắng ở giữa biên giới Thái Lào, trước mặt tụi mình là Lào, và chỉ cần bơi xuống nước là mình qua Thái".

Chị đã học hỏi và chiêm nghiệm được điều gì từ những cung đường ấy?

- Khi nhận lời qua làm cho một công ty ở Thái, là thời gian tôi 28 tuổi như đã nói ở trên, tôi bắt đầu thấy mình cạn kiệt, chui rúc vào vùng an toàn, thỏa mãn với những gì mình có, làm lặp đi lặp lại công việc. Tôi buộc mình phải rơi vào một thế giới mới hơn, để căng mọi giác quan ra, sống lại đúng y như thời khắc tôi còn thành tâm sống, thành tâm dấn thân vào những trải nghiệm đẹp và dũng cảm. Đó là lí do tôi ra đi.

Khi rời nhà đi, tôi nhận diện rất nhiều về bản thân. Hóa ra đã có 2 năm tôi quen với các mối quan hệ cũ, không gặp một ai mới, không có chủ đề sống nào mới. Tôi đã làm những điều mà 5 năm sống ở Sài Gòn tôi lười đến mức không buồn làm. Tôi phát hiện được đi bộ là một điều dễ thương và đạp xe khiến tôi trở nên thấu đáo trong suy nghĩ. Điều quan trọng nhất đã thay đổi tôi đó là tôi đã biết lắng nghe cảm xúc của mình và thay đổi kiểu cách sống để sẵn sàng dũng cảm học thêm điều mới.

Vậy tại sao chị lựa chọn trở về trong khi chị gặt được ít nhiều thành công ở chuyến công tác đó?

- Công việc không còn làm tôi yêu thích như ban đầu dù vẫn tốt đẹp và tôi bắt đầu tham vọng hơn với nghề viết của mình. Tôi muốn đi xa hơn, viết nhiều hơn. Để làm được điều đó, tôi cần thời gian chuẩn bị. Giờ chưa phải là thời điểm thích hợp tiết lộ kế hoạch này nhưng tôi muốn viết một thứ lớn hơn chính mình - một điều mà tôi chưa bao giờ dũng cảm đón nhận.

Ngoài ra, tôi phát hiện mình đã gần đi hết tuổi 29, tôi đã có 10 năm liên tiếp đi làm không nghỉ, tính từ thời năm 3 đại học. Tôi cần một năm trống - để lắng nghe trái tim mình, để nghỉ ngơi, để viết toàn tâm toàn ý, để dám chơi thử một cuộc thách thức mà tôi chưa bao giờ dám làm.

{keywords}

Đối với chị, ngoài việc “bước ra khỏi ốc đảo an toàn" thì những hành trình còn mang ý nghĩa gì đối với cá nhân chị?

- Những hành trình khiến tôi tự thừa nhận mất mát và đau khổ sẽ là một phần cuộc sống mà mình không thể từ chối nó. Tôi không thể chống lại cái đau, không thể chống lại cái chết, nhưng tôi có thể đón nhận nó - có thể trọn vẹn tin rằng tôi đã giữ lời hứa như một cách để nhớ về tình cảm tốt lành người đã trao cho mình.

Những hành trình cũng làm sự cạn kiệt, lười nhác, yếu đuối của tôi tan dần. Tôi vui hơn khi gặp ai đó mới, lắng nghe nhiều hơn để hiểu và không còn chui rúc trong cái vùng an toàn mà mình tưởng bở nữa.

Theo chị, có giới hạn nào cho những người muốn đi xa hay không? Có ý kiến cho rằng, mục đích cuộc sống là sự ổn định, và họ không muốn phá vỡ sự ổn định đó. Ý kiến cá nhân của chị thế nào với nhận định này?

- Về sự ổn định - tôi định nghĩa sự ổn định là giá trị sâu kín trong tâm hồn mình, chỉ có mình tự thú với bản thân, thừa nhận với bản thân, chứ không phải ai khác bên ngoài thế giới. Đến tuổi 29, tôi thừa nhận rằng không phải cứ ai hứa hẹn với mình sẽ cho mình bình an thì mình sẽ có bình an, sóng nổi ngay trong trái tim dối trá của mình. Chỉ có chính mình, trước độc thoại, trước những mục đích mà trái tim mình mong muốn nhất, mới là sự ổn định thật sự bền vững. Tôi là tuýp người ít tin vào sự vĩnh viễn của vật chất. Nếu cần kiếm sống, tôi sẽ làm ra tiền. Nếu cần nơi ở, tôi sẽ tạo ra và xoay sở nó. Nhưng nếu cần sự ổn định, tôi cần được làm việc, làm đúng điều tôi ấp ủ và mong ước nhất.

Vậy chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang phân vân giữa việc đi hay ở?

- Tôi nghĩ rằng hãy đi nếu bạn thấy trái tim mình cần điều đó. Đừng tự tạo ra ảo giác của rào cản như ba mẹ cần mình, anh em cần mình, người yêu không muốn mình đi. Cuộc đời rất dài, ba mẹ có lẽ luôn mong muốn mình thành công, thành người chứ chưa chắc họ cần trói buộc mình ở nhà.

Và khi bạn thấy không còn thích nữa thì hãy về. Khi tôi không còn cảm hứng trọn vẹn và cũng không còn muốn học thêm kỹ năng ở đó, nếu cứ tiếp tục, tôi sẽ đi lùi lại, không giỏi hơn và ngày càng trở nên ù lì hơn.Tôi tham vọng với việc viết của mình, và tôi muốn nó là một sự nghiệp lớn hơn. Và tôi thật sự cần thời gian toàn phần cho nó, ít nhất là 1,5 năm.

Cảm ơn chị với những chia sẻ!

Ta có bi quan không?” là tác phẩm thứ ba của Khải Đơn, tiếp nối câu chuyện cô viết cho người trẻ từ quyển đầu tay. Tác phẩm vừa là những trải nghiệm cá nhân của tác giả, vừa là những điều xuất hiện trong chuyện trò của cô cùng những bạn trẻ trong những năm tháng cùng nhau lớn lên và đón nhận đời sống.

Tú Văn