Tối ngày 3/2, anh Bùi Văn Tuyến ngồi nhậu cùng nhóm bạn, trong đó có anh B.C.T. (21 tuổi, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) và 2 người khác. Sau khi đã “chén tạc chén thù”, đến 21h45, anh B.C.T. mượn xe máy để đi đón bạn gái và anh Tuyến đã đưa bạn chìa khóa xe.

Điều khiển xe máy đến Km 450+ 600 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Chợ Bến, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn) xe anh T. xảy ra va chạm với xe máy do anh N.V.H. (23 tuổi, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) điều khiển. Vụ tai nạn khiến cả hai tử vong.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy, nồng độ cồn trong máu của anh B.C.T. là 90mg/100ml máu.

z5180167795320 b60ee4af1084b5becd11b10e68fd250c 1098.jpeg
Cơ quan chức năng làm việc với bị can Bùi Văn Tuyến (Ảnh: CACC)

Cơ quan CSĐT xác định, anh Bùi Văn Tuyến là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Bị can biết rõ bạn mình đã sử dụng rượu bia, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, nhưng vẫn giao xe cho bạn dẫn đến tai nạn giao thông.

Ngày 21/2, Công an huyện Lương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến về tội "Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" quy định tại khoản 2, Điều 264 Bộ luật hình sự. Bị can được tại ngoại.

Chìa khóa trao ngay, còng tay chờ đón

Chuyện giao chìa khóa xe vào tay người đã có hơi men không phải điều hiếm gặp trong cuộc sống. Nhưng ít ai biết rằng, đây chính là hành vi phạm pháp. Người giao chìa khóa xe cho kẻ say xỉn điều khiển phương tiện có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Câu chuyện vừa nhắc ở trên chính là một bài học đau xót.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh, tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. Chính vì vậy, tội danh liên quan đến tai nạn giao thông được xác định thuộc nhóm tội do vô ý, nghĩa là hậu quả xảy ra nằm ngoài ý muốn của người phạm tội.

Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, hậu quả có thể tránh được nếu người gây tai nạn và người liên quan có ý thức tuân thủ luật lệ khi tham gia giao thông.

Chẳng hạn người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện (Chưa có giấy phép lái xe; Đã sử dụng rượu bia; Xe không đủ điều kiện kỹ thuật…) thì không lái xe nữa; hoặc người sở hữu, quản lý phương tiện không giao xe cho người chưa đủ điều kiện thì tai nạn sẽ không xảy ra.

Theo quy định của pháp luật, người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện trực tiếp gây tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự.

Còn đối với trường hợp gián tiếp gây tai nạn, tức là giao phương tiện cho người mà mình biết rõ là chưa đủ điều kiện điều khiển, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 264. Mức hình phạt đối trong trường hợp này có thể lên tới 7 năm tù và thậm chí người liên đới phải bồi thường thiệt hại.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, giao xe ô tô, xe máy cho người không đủ điều kiện điều khiển hoặc điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Vì vậy, trong trường hợp tai nạn giao thông xảy ra mà hậu quả nghiêm trọng thì người phân công, điều động, giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Cường, trường hợp người không có giấy phép lái xe, sử dụng trái phép chất kích thích hoặc vi phạm nồng độ cồn mà gây tai nạn giao thông nghiêm trọng như chết người, thương tích cho người khác 61 % trở lên, thiệt hại đến tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung tăng nặng là phạt tù từ 3- 10 năm.

Nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định, chủ phương tiện có hành vi điều động hoặc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển gây ra tai nạn giao thông thì cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 263 hoặc điều 264 BLHS.