Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Tất cả các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội trong những ngày qua đều thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và cùng có chung một nhận định rằng nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ rất thành công trên tất cả các phương diện Chúng ta cũng đã nhiều lần nhắc đến những bằng chứng của thành công, như tăng trưởng GDP thuộc nhóm 10 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô luôn được sự ổn định; đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe của người dân không ngừng được nâng cao; quy mô nền kinh tế vượt qua Singapore, Malaysia để vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực và nằm trong Top của 40 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hệ số tín nhiệm quốc gia được luôn giữ vững ở mức BB, với giá trị Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam đã tăng thêm 29% và là nước có mức tăng giá trị Thương hiệu quốc gia cao nhất thế giới. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.

Thành công trên là kết quả tổng hợp của con đường đoàn kết, liêm chính do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cầm trịch, là kết quả của sự chuẩn mực, cầm cương của Quốc hội và là sự hành động quyết liệt, thành tâm của Chính phủ đã khơi dậy niềm tin của người dân và doanh nghiệp cùng chung sức đồng lòng, đẩy cỗ xe tà ma..., đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thiên tai, dịch bệnh; thích ứng nhanh với những biến động toàn cầu, để có được kết quả như ngày hôm nay.

Từ những thành công của nhiệm kỳ đã qua, tôi xin nêu ra 3 vấn đề cần quan tâm trong điều hành của nhiệm kỳ tới.

Thứ nhất, thành công của Chính phủ tiền nhiệm trong việc kiểm soát nợ xấu ngân hàng từ mức báo động cao, gấp 6 lần giới hạn đã giảm xuống mức dưới an toàn 3%, trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm; đã đưa nợ công giảm sâu gần 10 điểm, từ sát kịch trần, xuống 55,3% GDP. Đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho những nhiệm kỳ tới, có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay; sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, cán cân thương mại nhập siêu chuyển sang xuất siêu đến gần 20 tỷ USD và nâng mức dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD, đã minh chứng cho thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế và là cơ sở quan trọng để bình ổn tỷ giá, điều hành tiền tệ và đảm bảo các quan hệ thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc. Trong khi đó, xuất siêu lại nghiêng về các nước ở thị trường phát triển, đặc biệt đã xuất siêu sang Mỹ tăng cao. Đó là một trong những lý do để Mỹ xếp vào nhóm giám sát, thao túng tiền tệ. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ phải chú trọng điều hành các quan hệ xuất, nhập khẩu giữa các thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng hóa nguyên liệu từ thị trường khu vực để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường phát triển như Mỹ và EU; điều này càng có nguy cơ cao và đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được thực thi.

Thứ ba, Chính phủ đã rất thành công trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc quyết liệt chỉ đạo; giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành để cắt giảm tới 63% điều kiện kinh doanh và cắt giảm tới 68% các danh mục, dòng hàng kiểm tra chuyên ngành; để môi trường kinh doanh tăng lên 2 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng lên 10 bậc. Tuy nhiên, thành công này của Chính phủ tiền nhiệm lại đặt ra một thách thức vô cùng lớn cho nhiệm kỳ tới. Bởi vì chúng ta không còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm các ràng buộc và thủ tục hành chính. Do vậy, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thì không phải là tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục mà phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế, đối tượng quản lý từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin, cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện hậu kiểm. Phương thức quản lý này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý, đây phải là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu chuyển đổi số và ứng dụng AI trong quản lý thành công thì tất cả những yêu cầu về đột phá trong cải cách về thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành những điều có thể và mang lại những nguồn lực vô cùng to lớn cho đất nước. Ví dụ chẳng hạn như nếu chúng ta cứ duy trì quản lý biển số xe thủ công như hiện nay thì trong 1 triệu chiếc xe chỉ có 1 chiếc xe mang biển số 99999 và như vậy có đấu thầu chúng ta cũng chỉ thu được một lần tiền. Nhưng nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thì có thể chúng ta có cả 500 xe của các đại biểu Quốc hội đến đây trong vòng 1 giây với tốc độ nhận diện của 5G chúng ta biết được ngay xe đó là của ai và như vậy chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được vô vàn những con số để thực hiện đấu giá, chứ không phải giới hạn là một số như hiện nay.

Chuyển đổi số cũng sẽ biến những vấn đề phức tạp, làm đau đầu các nhà quản lý thành nguồn lực cho đất nước, ví dụ nếu chúng ta chuyển đổi số toàn bộ thông tin về quản lý đất đai và chuyển thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đất đai từ làm thủ công bằng giấy, phức tạp và khó khăn như hiện nay chuyển sang đăng ký một cách tự động do người dân tự thực hiện thì cơn sốt đất đai từ đầu năm đến nay sẽ mang lại cho ngân sách một nguồn thu rất lớn từ các giao dịch bán đi bán lại. Việc chuyển số đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến để yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa của doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh, hoặc phải giải quyết để đáp ứng những yêu cầu cho doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, tạo đột phá về thể chế trong quản lý.

Kính thưa Quốc hội,

Chúng ta có thể hình dung trong tương lai rằng, nếu như chúng ta chuyển đổi số thành công, với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngồi ở Việt Nam, chúng ta có thể tương tác, giải quyết những công việc như đang ngồi ở văn phòng ở bất kể một công ty nào ở một quốc gia trên thế giới. Và khi đó thì Việt Nam chúng ta không chỉ là "cái bếp" của thế giới như lời khuyên của Philip Kotler mà Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến trong buổi giảng nghị quyết ngày hôm qua, mà Việt Nam có thể trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử - tin học của cả thế giới và là nơi để các nhân viên văn phòng ở nhiều nước trên thế giới có thể tránh những mùa đông băng giá chuyển đến Việt Nam vừa tắm biển, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản của Việt Nam, vừa thực hiện các công việc văn phòng trong môi trường kinh tế số.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.