Phạm Khôi Nguyên phát hiện mình bị ung thư máu khi vừa bước vào lớp 12. Chàng trai độ tuổi đôi mươi, sau một lần xét nghiệm, bỗng cảm thấy “như mất tất cả”.

“Mình vẫn còn nhiều ước mơ dang dở, vẫn chưa làm được gì cho bố mẹ. Mình không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng với mình giờ đây, bài tập cuối cùng không có thời hạn: Hãy sống thật hạnh phúc”, Nguyên nói.

{keywords}

Chào các bạn, mình là Phạm Khôi Nguyên, 18 tuổi, là tân sinh viên Trường ĐH Phenikaa.

Theo mọi người đánh giá, mình là một người vui vẻ, hòa đồng, luôn muốn mang niềm vui tới cho mọi người. Mình có tính cách hướng ngoại. Nếu cho mình chọn một nơi thư giãn, mình sẽ không thích chỗ quá yên tĩnh. Trên hết, mình xin tự nhận là một thanh niên có cá tính rất... bản lĩnh.

Gia đình mình có hai anh em, mình là con cả. Bố mẹ mình đều là cán bộ công chức nhà nước nên từ nhỏ hai anh em mình không phải quá lo về vấn đề học tập.

Đùng một cái, cuộc đời mình rẽ sang ngang sau xét nghiệm ung thư.

Ngày 24/10/2020, mình được chẩn đoán ung thư sau khi cấp cứu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Gia đình giấu không để mình biết. Nhưng rồi bố mẹ cũng đã chấp nhận sự thật và chia sẻ với mình về tình trạng bệnh.

Mình bắt đầu tụt huyết áp, tay run run nhưng vẫn nghĩ là bố mẹ đang đùa, nên vài phút sau cũng quên tuột lời đùa định mệnh ấy. Ngồi xuống bên giường bệnh, mẹ cầm tay mình nói không nên lời. Khoảnh khắc đó mình đã nghĩ thầm trong bụng: “Vậy là hết, mình thật sự bị ung thư rồi. Chuyện gì đang xảy ra vậy. Bình tĩnh, không được khóc, không được khóc”.

Mẹ thông báo mình bị ung thư máu, cấp dòng tủy thể M3. Thú thật, mình chẳng hiểu hay nghe rõ mẹ nói gì nữa. Mình bước đi thẫn thờ khỏi phòng, loạng choạng ngoài hành lang. Mình lặng đi một lúc: “Tại sao lại là mình? Tại sao lại ung thư máu?”.

Còn nhiều điều nuối tiếc

Mình xin chia sẻ một cách chân thành, việc các bạn thức khuya, sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử, công nghệ quá nhiều, đặc biệt là sử dụng về đêm, trong bóng tối; việc các bạn lười vận động, ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn tràn lan trên thị trường hoặc ăn không đủ bữa;… tất cả đều đang tiệm cận tới ung thư, chỉ là chưa biết ngày nào sẽ phát tác.

{keywords}

Gia đình luôn là nguồn động viên tinh thần lớn cho Khôi Nguyên

Người ta vẫn hay nghĩ, ung thư là án tử, là cái chết. Mình cũng vậy thôi. Điều tiếc nuối nhất có lẽ là mình vẫn muốn dành thật nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng. Dĩ nhiên, ở giây phút sinh tử, mình tiếc nuối vì còn quá nhiều điều chưa thực hiện được. Mình muốn đi chơi với bố mẹ nhiều hơn nữa, bởi với mình gia đình là quan trọng nhất.

Mình là người sống khá lành mạnh và thường xuyên chơi thể thao nhưng vẫn không tránh khỏi bệnh ung thư. Do đó, các bạn dù có sức khoẻ tốt cũng đừng quên chú ý và chăm sóc bản thân mình.

Mình vẫn tâm niệm: “Chẳng biết ông bà, bố mẹ có sống được 30 hay 50 năm nữa, vậy số lần gặp mặt họ chỉ đếm được trên đầu ngón tay”. Nhưng mình không nghĩ là có một ngày, mọi người lại làm điều ngược lại đó với mình. Thật cay đắng và vô cùng đau khổ!

Mình còn chưa học đại học, chưa tốt nghiệp, chưa được mặc bộ áo cử nhân hằng mơ ước. Mình không biết còn sống được bao lâu nữa, mình có quá nhiều điều tiếc nuối.

Hãy sống trọn vẹn cuộc đời

Khi truyền hóa chất, mình bị rất nhiều tác dụng phụ, đó là điều hiển nhiên của bệnh nhân ung thư.

Hành trình cận tử, mình cảm nhận về cái chết sau đó rất nhiều. Hóa chất khiến mình lả đi, thiếp dần. Nó giống như một loại axit đang cố gắng ăn mòn ruột của bạn. Mỗi lần truyền hóa chất từ sáng sớm hôm trước đến tận chiều hôm sau, mình gần như không được ngủ và thậm chí không đủ sức để kêu.

Nhưng mình vẫn nhớ câu nói của một người bạn, rằng: “Mọi bệnh nhân ung thư đều lạc quan cho đến khi họ đứng trước cái chết”, và mình cũng không ngoại lệ.

Quãng thời gian khi cái chết gần kề, mình đã tự nhủ rằng không thể chết một cách vô ích như vậy. Hành trình chiến đấu với ung thư, những người luôn bên cạnh động viên an ủi mình nhất là bố mẹ và em trai. Mình không muốn quên đi một gia đình hạnh phúc

Những cơn đau thắt dữ dội khiến mình quỳ xuống sàn nhà vệ sinh ôm bụng. Để có thể sống sót, mình phải ăn bất chấp kể cả khi buồn nôn. Mình bịt mũi, vừa ăn vừa khóc.

Bạn cứ tưởng tượng một cơ thể vừa buốt tủy lưng, vừa đau đầu, đau bụng, buồn nôn, táo bón, sưng lợi, mọc răng số 8 phải ngồi ăn cơm sẽ như thế nào. Cảnh tượng đó đã diễn ra suốt gần một năm trong sự chống chọi giành giật sự sống.

Đã có những ngày ngồi lặng lẽ bên ô cửa sổ của bệnh viện, cầm viên thuốc giảm đau trong tay, mồ hôi toát ra nhễ nhại sau một ngày vật lộn, mình thầm cầu xin ông trời được giải thoát!

{keywords}

Khôi Nguyên trong lần chụp ảnh kỷ yếu với các bạn cùng lớp

Nhưng cho đến bây giờ mình vẫn không thể tin được là mình lạc quan đến vậy. Tổng thời gian khóc lóc và buồn bã hoảng loạn của mình chỉ trong đúng một ngày. Mình khóc đúng 10 phút rồi gọi bố mẹ đi ăn cơm. Mình vẫn nhớ bố vừa ăn vừa đỏ mắt nói: “Ăn đi con, con của bố mạnh mẽ mà, kệ nó, không sao cả”. Nếu không có bố mẹ và em trai tuyệt vời như vậy, có lẽ mình đã chết từ lâu rồi.

Tốt nghiệp đại học là điều mình sẽ cố gắng làm để hoàn thành nốt chặng đường mình sẽ đổ công sức học tập suốt 4 năm tới, nhưng kế hoạch quan trọng với mình bây giờ có lẽ sẽ không giống những bạn khác.

Trước đây, mình đã từng đặt rất nhiều mục tiêu cho tương lai, hầu hết với mục đích kiếm tiền và thành đạt, nhưng ngày hôm nay khi thoát khỏi tử thần, mình cần thay đổi một chút. Mình có cái nhìn khác về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời.

Mình chỉ muốn nói rằng, ung thư không phải là dấu chấm hết. Chúng ta bị bệnh vì đã không yêu thương và trân trọng cơ thể của mình. Chỉ cần các bạn nâng niu và bảo vệ nó, các bạn sẽ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Dù chuyện gì xảy ra và có tệ đến đâu, quan trọng nhất vẫn là cách bạn chấp nhận, đối mặt và vượt qua nó. Khi bạn không coi bệnh tật là một vật kiểm soát thì nó chắc chắn sẽ không thể kiểm soát bạn nữa. Và, hãy cố gắng sống sao cho thật hạnh phúc.

Phạm Khôi Nguyên

Nữ sinh ung thư giành giải Miss truyền cảm hứng: Ung thư không phải ‘án tử hình’

Nữ sinh ung thư giành giải Miss truyền cảm hứng: Ung thư không phải ‘án tử hình’

 - Trong đêm chung kết cuộc thi "Duyên dáng Ngoại Thương 2019", Đặng Trần Thuỷ Tiên (19 tuổi) - nữ sinh mắc ung thư vú giai đoạn 2 đã giành danh hiệu "Miss truyền cảm hứng" sau một hành trình dài chiến đấu không mệt mỏi.

Nữ sinh lớp 10 bị ung thư máu: "Em không cho phép mình gục ngã"

Nữ sinh lớp 10 bị ung thư máu: "Em không cho phép mình gục ngã"

- "Nhà nuôi heo, thỉnh thoảng mẹ lại trốn ra ngoài chuồng heo để khóc. Hình ảnh đó của mẹ không cho phép em gục ngã".

Nữ sinh 21 tuổi đột ngột mắc ung thư: “Em muốn mặc áo cử nhân, nhưng sợ không thể…”

Nữ sinh 21 tuổi đột ngột mắc ung thư: “Em muốn mặc áo cử nhân, nhưng sợ không thể…”

Nguyễn Thị Vân Anh sinh viên Ngoại thương năm cuối mắc bệnh Lơ xê mi cấp thể M2 (ung thư máu) khi em sắp hoàn thành khóa học tại trường.