Nếu như ở làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) người dân mua đồng nát về rồi "xẻ thịt" thành phế liệu để bán lại cho các nhà máy thì ở Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) lại đi theo một hướng khác. Họ cũng chuyên đi mua lại các loại ôtô, máy móc dưới dạng thanh lý, song chủ yếu mang về tháo ra bán phụ tùng, hoặc "mông" lại rồi bán dưới dạng "second hand" (hàng đã qua sử dụng). Và nếu so về quy mô giữa hai làng thì chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào".

1. Nhiều năm nay, dân chuyên "đánh" phụ tùng ôtô ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc thường kháo nhau, nếu cần những thứ "hiếm có, khó tìm" thì cứ về Tề Lỗ. Với vai là khách cần mua đồ cho con xe Kia cà tàng, tôi có mặt tại Tề Lỗ vào một buổi chiều mùa đông mà nắng chói chang.

Đúng là "trăm nghe không bằng một thấy", chỉ cần từ con đường chính rẽ vào xã, qua một vài quán cà phê có cái tên rất Tây như "Phong cách mới", "Điểm hẹn"… chúng tôi thật sự "ngợp" trước quy mô của làng “mổ” xe nức tiếng miền Bắc.

Bãi “mổ” xe nào cũng ngồn ngộn sắt thép, hai bên đường chất đống ngổn ngang ôtô, xe máy, máy xúc, máy ủi các loại… Cả ngàn chiếc xe mang đủ biển số từ Bắc chí Nam... có cả những chiếc xe mang biển xanh, biển đỏ nằm la liệt chờ "mổ".

Trên con đường bê tông rộng 30-40 mét là hàng loạt những biệt thự cao tầng, những công ty TNHH nằm san sát nhau. Trước cửa, trong sân nào cũng vô số các loại xe ôtô cũ, máy xúc máy ủi đã qua sử dụng cùng các loại phụ tùng như: trục, bánh xích, lốp… của máy xúc, máy ủi. Được biết Tề Lỗ có khoảng 300 - 400 bãi “mổ” ôtô, xe máy lớn nhỏ, có nhà có tới 2 - 3 bãi xe.

{keywords}

Ông chủ của bãi chuyên “mổ” xác ôtô Nguyễn Văn Chiến.


Bãi xe Chiến Linh là một trong số ít những bãi ở Tề Lỗ chuyên "mổ" xe ôtô cũ nát để lấy phụ tùng. Ông chủ Nguyễn Văn Chiến năm nay trạc 50 tuổi, có phong cách ăn mặc và nói chuyện khá "hầm hố". Đầu đội mũ cối, khoác áo da, đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ, những ngón tay mập mạp. Tuy suốt ngày dính với máy móc, song ông vẫn "nuôi" được bộ móng tay rất dài.

Sau khi nghe đề nghị của tôi, muốn tìm hiểu về lịch sử làng nghề, ông Chiến cười hề hề: "Thế thì chú mày hỏi đúng địa chỉ rồi đấy. Anh là một trong số 3 hộ đầu tiên của xã làm cái nghề “mổ” xe ôtô ở Tề Lỗ. Nhưng có gì thì hỏi nhanh nhanh lên, anh còn chạy sang Thái (chắc là Thái Bình, hoặc Thái Nguyên) để "đấu" (đấu thầu) một lô xe bãi".

Theo lời ông Chiến, cách đây chừng 20 năm người dân trong xã chủ yếu làm nghề thu gom phế liệu và sản xuất, ấp trứng vịt hay gọi nôm na là "buôn đồng nát" và "chăn vịt". Ông Chiến cũng khởi nghiệp từ món buôn đồng nát. Khoảng những năm 1992-1993, ông cùng với mấy người trong thôn được gạ mua một mẻ ôtô thanh lý.

Nhận thấy những chiếc xe tuy cũ nát song còn nhiều đồ còn dùng tốt như củ đề, đầu CD, gương, đèn, càng, nhíp… nhóm thợ gật đầu đồng ý. Sau khi chuyển về Tề Lỗ, hàng tuần lễ nhóm của ông cắm đầu cắm cổ vào tháo, cắt các bộ phận để bán riêng. Vụ này nhóm thợ chia nhau mỗi người cả chục triệu đồng.

Vài năm sau có lưng vốn, ông Chiến nhảy ra thầu một bãi đất tại thôn để làm ăn riêng. Thuê chừng 4-5 thợ cùng "mổ xe" với mình, sau chục năm thì bãi phụ tùng của ông ngày một phát triển. Cứ nghe phong thanh ở đâu bán hoặc thanh lý xe cũ nát là ông Chiến có mặt.

{keywords}

Tề Lỗ là một trong những "trung tâm máy xúc" mà dân xây dựng phải tìm đến.


Trung bình hiện tại mỗi tháng bãi mổ chừng 10-15 xe ôtô. Thường là những xe đời 80 hoặc 90, được thanh lý với giá trên dưới 10 triệu đồng. Cũng có những xe còn khá "mới" thì phải mua tầm 30-50 triệu, thậm chí có xe lên đến 80 triệu đồng.

Ông Chiến bảo, nghề nào cũng cần kinh nghiệm và may mắn. Ông kể có lần "tăm" được lô xe Kia Pride, Toyota Crown đời 92 đến 96 máy móc còn ngon. Xuống tiền khuân về bãi, và sau khi "mông" lại số xe này ông đã bán được với giá gấp đôi lúc mua về.

Ông tự hào khoe với chúng tôi: "Mấy tay buôn ở Chợ Giời (Hà Nội) cứ thiếu đồ gì là lại gọi điện lên nhờ tôi gửi xe khách về cho. Có lúc nhiều tay còn cất công lên tận nơi để tăm đồ độc cho khách".

2. Mang danh là làng mổ xe phế thải, song vào thời điểm hiện tại không ít người dân Tề Lỗ chuyển sang ngành "mông" các loại máy xúc, máy ủi để bán cho các cơ quan xí nghiệp hay chủ thầu xây dựng.

Khác với thợ “mổ” xe ôtô ở bãi Chiến Linh, dân kinh doanh máy xúc tỏ ra khá "kín tiếng" trong việc kể về nghề nghiệp của họ. Phải lân la vài ngày ở Tề Lỗ, qua một số "thổ địa" thì chúng tôi mới tìm hiểu được phần nào về thâm cung bí sử của nghề.

Khởi nghiệp từ nghề "mổ xe", nay ông chủ bãi xe S.V trở thành một trong số những doanh nghiệp lớn nhất ở Tề Lỗ. Do không được học hành gì mấy, sau khi lấy vợ thì V. được bố mẹ cho vài trăm con vịt làm vốn. Chăn vịt mãi chẳng ăn thua, V. xin vào một xưởng “mổ” xe để học việc. Sau khi tích cóp được ít vốn, V. liền nhảy vào thị trường hàng thanh lý.

Ban đầu V. hay "đánh" máy xúc dạng thanh lý từ các tỉnh phía Nam ra Bắc. Lần đầu V. “xuống tiền” mua 3 chiếc với giá gần 200 triệu đồng một chiếc. V. tăm trước được một chiếc còn khá tốt, chỉ hỏng một vài bộ phận nhỏ.

Từ 3 chiếc máy này, V. "mông" lại được một chiếc hoàn chỉnh, và bán sang tay luôn được hơn 600 triệu đồng. Như vậy là huề vốn. Còn hai chiếc kia V. cùng đám thợ tháo dỡ ra bán linh kiện. Những thứ còn tốt như buồng lái, động cơ, bộ đề, bánh xích… được tách riêng. Những thứ không còn sử dụng được thì đem bán sắt vụn. Vụ ấy V. lãi kha khá. Dần dà, V. ôm nhiều "quả" đậm hơn. Sau gần 20 năm thì V. dựng được cơ nghiệp như hiện nay.

V. bật mí. Đối với những con xe còn ngon khi mua về sẽ được tân trang lại ngay, thay thế phụ tùng rồi xuất ngược lên vùng sâu, vùng xa. Nếu gặp được mối hàng hời mà có thể mông má tân trang lại rồi bán luôn thì coi như trúng số độc đắc bởi lãi ít nhất cũng 30%. Cần nhất là phải đầy đủ giấy tờ.

{keywords}

Nhiều người dân Tề Lỗ phất lên nhờ nghề “mổ” xác ôtô, máy móc.

Cũng theo V., nghề mổ xe ở đây manh nha từ năm 1993 nhưng thực sự bùng nổ vào những năm 1999-2000. Thấy làm ăn được, anh em họ hàng rủ nhau chuyển nghề hết. Hiện tại, làng “mổ” xe đã được quy hoạch riêng hàng chục hecta thuộc thôn Giã Bàng. Mỗi ngày ước tính có hàng nghìn xe ôtô, xe máy, máy ủi, máy xúc,… được đưa vào lò “mổ”, hàng nghìn công nhân làm việc bất kể ngày đêm.

Những doanh nghiệp lớn có vốn chừng chục tỉ đến trăm tỉ ở Tề Lỗ hiện có thể kể đến H.Tr, K.N, H.T, Đ.B…

Nghề gì cũng có công nghệ, mánh khóe riêng của nó. Theo V., giờ đây việc khó nhất không còn là mổ hay "mông" xe nữa mà làm thế nào để có thể kiếm được những hợp đồng béo bở về cho công ty của mình. Thợ trong làng phải đi khắp trong Nam ngoài Bắc để thám thính xem nơi nào chuẩn bị thanh lý xe cộ thì lập tức báo về cho các chủ doanh nghiệp chuẩn bị.

Chủ bãi xe Chiến Linh có lần về tận TP Hải Phòng để tham gia đấu thầu một lô khoảng 30 chiếc xe máy. Do có kinh nghiệm, nên ông Chiến không khó để trúng thầu. Tuy nhiên, khi định mang xe về Tề Lỗ thì gặp một đám giang hồ đất Cảng đến "làm khó". Để việc được xuôi chèo mát mái, ông đành phải chi thêm 5%/ mỗi chiếc xe.

Thợ trong làng còn kể mãi về vụ giám đốc Công ty N.M phải “vận động hành lang” hàng nửa năm trời để kiếm được một hợp đồng thanh lý vài chục chiếc máy xúc từ một tổng công ty xây dựng Nhà nước.

Thông qua một số mối quan hệ, N. tìm gặp bằng được lãnh đạo của tổng công ty này. Sau đó phải mời cơm, rồi thỉnh thoảng giữa đêm khuya lại bị "dựng dậy" để đi… trả tiền hát karaoke cho vị này.

Đỉnh điểm là có lần N. phải chạy xe máy suốt đêm xuống Hà Nội, đổi bằng được 2.000 USD để đi "lót tay", vì người ta quyết không chịu nhận tiền Việt.

Sau 4 tháng phục vụ, tưởng rằng hợp đồng đã sắp đến tay rồi thì tay lãnh đạo Tổng công ty kia tự nhiên… giở mặt. Ông ta bảo chỉ đồng ý cho N. mua 1/2 trong số mấy chục chiếc máy xúc kia mà thôi.

{keywords}

Nhiều người dân Tề Lỗ phất lên nhờ nghề “mổ” xác ôtô, máy móc.


N. uất quá sáng hôm sau liền xông đến tận phòng của tay tổng giám đốc, đè nghiến ra và dọa ...giết! Ông ta sợ quá vội gật đầu lia lịa là sẽ chỉ thanh lý cho N. mà thôi. Giờ nghĩ lại N vẫn thấy sợ. Cũng may mà mới chỉ dọa thôi chứ nếu liều lĩnh làm thật thì hậu quả sẽ khôn lường.

Cũng không hiếm những lần doanh nghiệp trong làng phải xuất ngoại để tìm nguồn hàng. Từ Lào, Campuchia cho đến Trung Quốc, hễ phát hiện được nơi nào sắp thanh lý xe cộ là thợ của làng tìm đến.

3.Có thể nói mấy chục năm làm nghề đã giúp dân làng Tề Lỗ khá lên trông thấy. Ngoài việc có tiền xây nhà, mua sắm các vật dụng trong gia đình… người dân Tề Lỗ còn có điều kiện cho con học hành, mua nhà dưới Thủ đô.

Một lãnh đạo xã Tề Lỗ cho biết, trước đây khi làng nghề mới phát triển con đường độc đạo vào xã gập ghềnh đi lại rất khổ sở. Vào mùa mưa cả đoạn gần 5 cây số lúc nào cũng đặc quánh lại vì bùn.

Nhưng hiện nay hầu hết các con đường đều đã được bê tông hóa kiên cố. Xe tải các loại chạy rầm rập suốt ngày đêm mà không hề hấn gì. Các khoản đóng góp cho xã đều được người dân hoàn thành sớm, thậm chí có hộ hào phóng còn đóng góp gấp cả chục lần.

Tuy nhiên, nghề “mổ” xe cũng có lắm rủi ro. Đầu tiên là cánh thợ không lành nghề sẽ dễ dẫn đến tai nạn lao động. Hầu như các thợ đều là nông dân, cứ chuyền tay nhau mà vác búa, cưa, hàn xì để tháo dỡ các loại máy công trình.

Có công nhân như anh P.V.H. (thôn Nhân Trai) đã bị cưa máy làm cụt mất nửa bàn tay. Lại có anh khác trèo lên tháo dỡ bị ngã gãy tay gãy chân…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chiến, những trường hợp do thiếu kinh nghiệm dẫn đến ăn phải "quả đắng" trong nghề cũng không phải là hiếm.

Có cậu mới tập "mổ" xe, mua phải lô hàng độc (hàng đã ngừng sản xuất), phụ tùng không có để thay thế, vậy là nằm đắp chiếu hàng tháng trời, bán lỗ gần trăm triệu. Thậm chí còn có thợ bị khuynh gia bại sản, tan nát gia cảnh chỉ vì bị bạn hàng lừa…

(Theo An ninh thế giới)