Cụ thể, một học sinh lớp 1 nhận được bài toán "Đại bàng và gà" như sau: "7 đứa trẻ chơi trò "đại bàng và gà". 3 chú gà con bị bắt, hỏi còn mấy chú gà con?".

Đáp án của em học sinh trả lời là 2 (gà con), với lý giải như sau: Tổng là 7 (gà+đại bàng), loại bỏ 3 "gà còn" bị bắt, rồi trừ đi 1 con "đại bàng" và 1 "gà mái".

Phép tính được thực hiện như sau: 7 (gà + đại bàng) - 1 (đại bàng) - 3 (gà con) - 1 (gà mẹ) = 2 (gà con). Việc em học sinh đưa ra đáp án là 2 ( gà con), với lập luận gà con phải có mẹ đi cùng để bảo vệ khỏi đại bàng, diều hâu.

Bài toán "đại bàng và gà" gây ra tranh cãi lớn trên mạng xã hội Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay lập tức kết quả bài toán này bị cô giáo phủ nhận là sai, đáp án đúng là 3 (gà con). Cô giáo cho biết, vì trong bài không đề cập đến gà mẹ.

Ngay sau đó, phụ huynh đã đăng tải bài toán này lên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm từ cư dân mạng. Số đông các phụ huynh cho rằng, cách đặt câu hỏi có vấn đề vì không hợp với logic.

Với đáp án của cô giáo đưa ra là 3 (gà con) đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng, thực chất đây chỉ là bài toán đố mẹo, nên không có một đáp án chính xác: "Em nào điền 2 thì không được trọn điểm, em nào điền 3 thì được trọn điểm".

Có phụ huynh gay gắt cho rằng: "Nếu không có gà mẹ, thì chẳng có con gà con nào, vì đại bàng sẽ bắt hết. Đề bài cần suy ra từ thực tế". Thậm chí, họ còn nói: "Giáo viên có thể cho học sinh chơi thử trò "đại bàng và gà" trong giờ thể dục để xem có thể thiếu vắng vai trò của gà mẹ được không?".

Ngoài ra, có nhiều phụ huynh để lại bình luận chế giễu bài toán: "Bài toán này dạy con tính tự lập, tự biết cách bảo vệ mình từ nhỏ", "Gà mẹ tắc trách, để con phải đối đầu với nguy hiểm".

Với bài toàn này, nhiều người cho rằng, không quá khắt khe với câu trả đúng. Nghĩ đơn giản đây chỉ là bài toán luyện tư duy cho trẻ con. 

An Dương (Theo Sohu)