Khắc phục căn bệnh “ngại nghĩ” để làm đúng, hành xử đúng và có hiệu quả cao hơn trong giáo dục, và rộng ra là mọi lĩnh vực… đang và sẽ phải là đòi hỏi cấp thiết và nghiêm túc.

Theo phản ánh của báo chí, nhiều học sinh vừa tham dự kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia ngày 22/6 đã vui mừng dự báo kết quả khả quan cho môn ngữ văn, vì đề thi phù hợp và có tính mở cao, đặc biệt là phần bình luận và tự luận về “Sự thấu cảm” và “Lòng trắc ẩn”…

Đây là sự tiếp tục của xu hướng đề thi mở, hướng học sinh bàn luận đến những vấn đề xã hội quan tâm. Còn nhớ kỳ thi năm trước, lòng dũng cảm và sự hèn nhát đã được đưa ra để các em “mổ xẻ”.

Dù còn những khía cạnh cần cải tiến, nhưng cách ra đề thi ngữ văn thời gian qua đã cho thấy tín hiệu tích cực, khi ngành giáo dục chịu suy nghĩ, cải cách cả phương pháp dạy và hướng ra đề văn phù hợp, thì môn văn sẽ hấp dẫn học sinh hơn, khuyến khích thế hệ trẻ học tốt hơn môn văn, để giúp học làm người tốt hơn…!

{keywords}
Thí sinh ra về sau buổi thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Đỗ Quang Đức

Là một môn học của sự sáng tạo, của sự khơi gợi cảm xúc, bệnh “ngại nghĩ” trong môn văn sẽ làm mọi người dần quay lưng với nó.

Chẳng hạn, cách đây không lâu, nhiều người quan tâm bàn luận ảnh chụp một văn bản được cho là bài làm văn của một học sinh tiểu học, mà có thể đạt 3 kỷ lục về mức siêu ngắn, kiểu “hỏi  nhanh - đáp gọn”. Đề bài ngắn nhất (Tả con chó nhà em); nội dung bài làm ngắn nhất (Nhà em không có nuôi chó. Chừng nào em nuôi chó thì em sẽ tả.); và nội dung lời phê của cô giáo ngắn nhất (Cạn lời. Về nhà làm lại)….

Một đề văn khiến người ta cau mày vì sao mà tối giản và khá tối nghĩa cho trẻ em; vì sao mà khô không khốc như đề toán, cộc cằn và vô cảm như người quản giáo ra lệnh cho tù nhân; vì không đạt chuẩn về ngữ pháp do thiếu chủ ngữ, dù không phải câu vô nhân xưng hay dạng mệnh lệnh thức…!? Vì sao không phải là "Em hãy tả con vật mà em yêu thích" hoặc "Em hãy tả một con chó mà em từng thấy và thích… ". Đề bài môn văn nói chung, văn cho trẻ em nói riêng, phải cần vừa cụ thể, vừa khái quát, hấp dẫn, gợi mở và rộng cửa cho các em thả hồn và bay bổng trí tưởng tượng trẻ thơ... 

Lời phê cũng kiệm lời, sao cứng đờ và nghèo nàn cả tình cảm và ý tứ, thiếu hẳn nội dung cụ thể cần có để chỉ rõ cho học sinh biết mình có lỗi gì và gợi ý cho em bé biết cần làm gì…?! Bỏ qua tính hài hước có thể mang tầm “kỳ phùng địch thủ” của cả cô giáo và học trò, sự thật thà đến bật cười của một đứa trẻ, nhiều bạn đọc và phụ huynh không thể không băn khoăn về sự “ngại nghĩ” cả trong lúc ra đề văn và lúc chấm bài trong dậy văn, dạy làm người của cô giáo.

Cũng liên quan đến giáo dục và bệnh “ngại nghĩ”, cộng đồng mạng mới đây “dậy sóng” trước sáng kiến lập Quỹ giải cứu giáo viên tiểu học (hoặc Quỹ Khuyến dạy) để bổ sung cho thu nhập giáo viên từ nguồn thu đóng góp 100.000 đ mỗi tháng bổ đầu mỗi học sinh. Sáng kiến này được đề xuất nghiêm túc từ người đứng đầu một trường học nghiêm túc và khá danh tiếng.

Sáng kiến bật ra từ lòng trắc ẩn, nhưng chưa kịp “nghĩ sâu, tới nơi tới chốn” không những bị phản đối rộng rãi vì thiếu tính khả thi, thiếu bền vững, mà còn cả vì làm tổn thương lòng tự trọng của nhà giáo “không phải dưa, cũng chẳng phải thịt lợn, không cần ai kêu gọi giải cứu”…!

Nhiều câu chuyện, một thông điệp chung: Sẽ không thể có kết quả tốt nếu ngại nghĩ khi làm việc; Khắc phục căn bệnh “ngại nghĩ” để làm đúng, hành xử đúng và có hiệu quả cao hơn trong giáo dục, và rộng ra là mọi lĩnh vực… đang và sẽ phải là đòi hỏi cấp thiết và nghiêm túc cả từ phía nhà nước, cả từ phía người dân để cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn!

TS. Nguyễn Minh Phong