"Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học."[1]
Cứ mỗi độ khai trường, tôi nhẩm lại bài học thuộc lòng năm ấy. Và cũng như đứa bé trong bài văn của Thanh Tịnh, tôi từng được mẹ mua sách bút, cặp mới, quần áo mới và đi bộ một đoạn đường dài đến giao cho cô Hảo, chủ nhiệm lớp 1 của tôi để học những bài khai tâm.
Hồi đó lễ khai trường rất đơn sơ, không bàn ghế, thày và trò ngồi trên sân trường làm bằng đất nện. Nghi thức chỉ là một bài nói chuyện ngắn mà trang trọng của thày hiệu trưởng, một lời hứa mộc mạc của đại diện học trò. Sau những hồi trống ếch vang lừng với giọng ca non nớt của chúng tôi là đến lễ đánh trống khai trường. Thày hiệu trưởng cầm dúi trống đã được học sinh các lớp lớn cẩn thận dán giấy xanh đỏ và dóng những hồi trống dõng dạc. Đó là hiệu lệnh vào lớp, là sự thúc giục chúng tôi phải nỗ lực học hành, tiến bộ từng ngày, từng giờ.
Ngày tựu trường đầu năm đã đưa chúng tôi, những đứa bé sinh trong các gia đình nghèo túng, khó khăn, vật lộn với đời sống chiến tranh và hậu chiến bước ra khỏi sợ hãi, trốn chạy, tăm tối và thất học để nhận ánh sáng của giáo dục và văn minh. Dù vừa trải qua bom đạn và đói rét nhưng nhà trường khi ấy đối với chúng tôi thực sự là Thánh đường của lòng trung thực và sự tử tế. Bởi thày cô tôi rất nghèo nhưng chú tâm dạy dỗ chúng tôi nên người. Không có dạy thêm, không chạy chọt xin điểm, không gian lận thi cử, không ép uổng học hành vô lối...
Học trò có đứa giỏi, đứa dốt nhưng không dám hỗn hào với thày cô... Lớp học cả năm chỉ có 1-2 học sinh giỏi là nhiều, phần còn lại là vài học sinh khá và đa phần học sinh trung bình. Một lớp cuối cấp 3 chỉ có dăm ba người đậu đại học, còn lại làm thợ, hay buôn bán nhỏ, làm dịch vụ quanh nhà với nghề nghiệp lương thiện, không đua ganh quá sức, không phô trương vô lối. Bởi thế dù xa trường không biết bao năm vì mưu sinh, nhưng lòng chúng tôi vẫn nhớ thày, nhớ bạn, nhớ nao nao những buổi tựu trường với lòng biết ơn vô hạn.
Các em học sinh Trường THPT Chu Văn An trong lễ khai giảng. Ảnh: Văn Chung |
Còn nay tôi đưa con đi học vào ngày khai trường mà lòng đượm buồn. Giờ con tôi có thể đi xe máy, nhiều bạn bè được cha mẹ chở bằng xe hơi đến trường. Các cháu có áo mới, có sách vở tốt, có cặp sách đắt tiền, ăn uống đầy đủ. Lễ khai trường nghe nói rất to, có cả các lãnh đạo đến dự, nhà báo đến quay phim, chụp hình, đưa tin...
Nhưng ngay ngày đầu tiên của buổi tựu trường, con tôi và các bạn sẽ học được một điều: Nghi lễ thiêng liêng buổi tựu trường của không biết bao nhiêu thế hệ học sinh giờ chỉ còn là hình thức. Bởi các em đã bị cắt giảm những ngày hè quý giá để tới trường từ đầu tháng 8. Đi học vài tuần rồi mới đến ngày Khai giảng, nên ngày Khai giảng chỉ còn làm lấy lệ.
Buồn hơn nữa, ngay cả ngày Khai giảng lấy lệ đó cũng không phải em nào cũng được tham dự. Bởi có những trường quá đông, không đủ chỗ, nên chỉ một số đại diện học sinh được dự. Mà đã chọn thì cũng chỉ chọn học sinh giỏi, học sinh ngoan, hoặc học sinh "quen biết".
Ngay từ ngày đầu tựu trường, các em đã phải chịu đựng sự phân biệt lẽ ra không bao giờ nên có ở chốn học đường. Còn vào năm học, có lẽ nhiều học sinh sẽ không tài nào viết nổi bài văn với đề bài cổ điển: Em hãy tả buổi lễ khai trường và nêu cảm nghĩ của em. Nếu có thì rõ ràng chỉ là tưởng tượng, "xào lại" sách vở hay đạo văn.
Lòng tôi đượm buồn vì ngày tựu trường bắt đầu cũng là lúc các cơ quan quản lý giáo dục nay thì cho ra chương trình thử nghiệm này, mai cho chương trình đổi mới khác. Và khi nào chán thì tự nhiên từ Bộ đến Sở cho bỏ dang dở.
Lòng tôi đượm buồn vì ngày con tôi đi học cũng là lúc cuộc đua tranh đầy mệt mỏi khởi động. Vì ngay đầu năm học, cha mẹ nào cũng phải nặng gánh với học phí tăng, rồi đủ loại tiền nộp cho trường, cho thày cô, cho quỹ của Hội phụ huynh lớp, trường, v.v...
Trong khi đó, đứa con bé bỏng của tôi sẽ gồng gánh những giờ học chính khóa kéo cả ngày trời, cộng với những giờ học thêm tại nhà thày cô khuya sớm... Bài tập chồng đống và không đi học thêm thì không biết mánh, biết mẹo mà hoàn tất, dễ bị điểm xấu.
Bởi biết bao điều như thế, tôi lại mong ước đưa con trở lại buổi khai trường thời thơ ấu của mình. Khi mà chúng tôi có thể bồi hồi vừa cất bước tới trường, vừa nhẩm lại những lời văn trong sáng của Thanh Tịnh. Và lời văn ấy chúng tôi nhớ mãi vì nó đầy chân thật và tử tế, như những gì thày cô đã đón nhận và dạy dỗ chúng tôi với sự hy sinh vô điều kiện cho thế hệ tương lai: Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh...
Nguyễn Anh Thi
-----
[11] "Tôi đi học", Thanh Tịnh.
Bài cùng tác giả:
'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người
Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.
Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN
Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.
Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?
Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện |