(VEF.VN) – Những tên tuổi lừng lẫy, hoàng tráng một thời nay đang phải khốn đốn với nợ nần. Thân phận của họ trôi nổi và bị ghẻ lạnh.

Bật bãi

Ngày 23/02/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) đã có thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) sau hơn 2 năm rưỡi niêm yết trên HSX.

Theo đó, gần 127 triệu cổ phiếu SBS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc kể từ ngày 25/3 do lỗ lũy kế đến cuối năm 2012 của công ty này đã lên tới hơn 1.700 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Từ một CTCK thuộc tốp đầu trên TTCK và được “chống lưng” bởi ngân hàng mạnh, SBS đã dần rơi xuống vực thẳm với giá cổ phiếu mất hơn 90% còn khoảng 2.700 đồng/cp so với mức 42.000 đồng/cp khi chào sàn ngày 5/7/2010.

Với án hủy niêm yết, vị thế và tên tuổi SBS trên TTCK coi như đã hết, Từ một cổ phiếu được săn đón nay nó bị ghẻ lạnh và bật bãi ra khỏi sàn chứng khoán.

Một đại gia tiếng tăm khác Công ty cổ phần công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết, do tình trạng thua lỗ suốt một thời gian dài.

SGT lỗ 225 tỷ đồng trong năm 2012. Lợi nhuận chưa phân phối tới cuối năm âm hơn 305 tỷ đồng. Trong năm trước đó, SGT cũng lỗ cả trăm tỷ và thuộc diện cảnh báo kể từ giữa tháng 4/2012

Đây là một doanh nghiệp do ông Đặng Thành Tâm - người giàu nhất trên TTCK năm 2009, lèo lái. Cổ phiếu của doanh nghiệp này từng lên trên mức 65.000 đồng/cp nhưng tới giữa phiên giao dịch 26/2 chỉ còn 3.100 đồng/cp.

Số phận SGT gần như đã được định đoạt. Nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 của công ty vẫn có kết quả hoạt động động kinh doanh là số âm, thì cổ phiếu SGT sẽ bị tạm ngừng giao dịch.

Tệ hại hơn THV… những DN đang oằn mình lo trả những khoản nợ hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ, nhiều DN có quy mô nhỏ hơn, nợ ít hơn nhưng tương lai dường như còn đen tối hơn, nguy cơ hủy niêm yết cận kề.

Sau những khủng hoảng về tranh chấp quyền lực hồi đầu năm 2012, nhiều nhà đầu tư hình dung một viễn cảnh khá tươi sáng về Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - SJS) nhờ tin vào phương án lợi nhuận 200 tỷ đồng cho sáu tháng cuối năm mà doanh nghiệp này trình đại hội cổ đông hồi tháng 6/2012.

Tuy nhiên, DN này vừa bất ngờ báo cáo lỗ khủng hơn 300 tỷ đồng trong năm 2012. Dự nợ phải trả của SJS tính tới cuối năm 2012 lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Kết quả thê thảm còn nằm ở chỗ doanh thu thuần quý IV/2012 của SJS - một doanh nghiệp có quy mô nghìn tỷ, chỉ đạt gần 31 tỷ đồng.

Nguồn thu của SJS ngày càng bị thu hẹp. Những dự án mang lại doanh thu cho doanh nghiệp này như Nam An Khánh (Hà Nội), Hòa Hải (Đà Nẵng)… đều bị vướng mắc do. Doanh nghiệp không có tiền thực hiện dự án để bán. Hơn thế, thị trường BĐS trầm lắng, có bán được chưa chắc đã lãi, chưa nói đến việc lãi lớn tới cả nghìn tỷ đồng để bù khoản nợ phải trả và lỗ dự kiến tại dự án Hòa Hải (nếu bán lại) khoảng từng đó để có lợi nhuận trong năm 2013.

Tương lai đen tối còn nằm ở chỗ nếu trong năm 2013 SJS lỗ, doanh nghiệp này - một trong những cổ phiếu hàng đầu trên TTCK trong nhiều năm, sẽ buộc phải rời sàn chứng khoán. Nếu vậy, các cổ đông SJS hẳn sẽ thật vọng thêm bội phần.

Vận đen chưa hết

Vận đen dường như không chừa một ai, không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, chứng khoán, nhiều đơn vị trong những lĩnh vực vốn được xem là “ngon ăn” hàng đầu trên thị trường như xây lắp dầu khi cũng đang trong cảnh lo ăn hàng ngày.

Điểm mặt trên TTCK có 4 gương mặt khá tiêu biểu nhưng hàng loạt các kỷ lục tồi tệ lại đang dồn vào nhóm này.
Tuần vừa qua, giới đầu tư đã thực sự sốc nặng khi con chim đầu đàn trong ngành này là Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) bất ngờ báo cáo lỗ khủng lớn như núi với trên 1.000 tỷ đồng. Lỗ sau thuế chưa phân phối cuối năm 2012 lên tới 1.187 tỷ đồng trên vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng.

Điều giới đầu tư sốc nhất có lẽ nằm ở chỗ PVX vốn được coi là cổ phiếu trụ cột trên sàn chứng khoán Hà Nội. Kết quả thua lỗ lớn cùng khối nợ khổng lồ hơn 7.600 tỷ đồng (chiếm 72% tổng tài sản), trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (gần 7.500 tỷ đồng) đang khiến một blue-chips mất dần vị thế và khả năng trở thành “đồng nát” là không loại trừ.

Trước đó, “người trong họ xây lắp dầu khí” PSG cũng đã gây chấn động với khoản lỗ khủng 250 tỷ đồng và hai người bà con khác là PVA, PXM cũng đều lỗ trên 100 tỷ đồng trong năm 2012.

Có thể thấy, một điểm chung trong các gương mặt đại gia nói trên là các doanh nghiệp này đều vay nợ rất nhiều và nhiều đại gia đầu tư dàn trải. Sự đi xuống của thị trường BĐS và chứng khoán theo đà khủng hoảng của kinh tế đã khiến các doanh nghiệp này hụt hơi, thua lỗ lớn ở các lĩnh vực ngoài ngành lẫn cốt lõi.

Trên thực tế, rất nhiều đại gia gặp cảnh bi đát trong một vài năm gần đây đang tiến hành tái cấu trúc một cách mạnh mẽ. Trong đó, điểm nổi bật là các doanh nghiệp này đang thoái bớt vốn ở BĐS, chứng khoán, ngoài ngành, co gọn lại hoạt động, cắt giảm chi phí quản lý, hoạt động… Bài toán tái cấu trúc có lẽ phần nào cho thấy đâu là nguồn gốc của khủng hoảng.

Mạnh Hà