Từ bản án giật mũ, nón
Bản án của TAND Hải Phòng gần đây tuyên phạt các bị cáo vị thành niên trong vụ án cướp giật nón của nữ sinh có lẽ khiến cho rất nhiều người bất ngờ. Thiệt hại về tài sản của bị hại là 60.000 đồng và một chiếc nón lá chưa rõ giá trị. Cả bị hại lẫn bị cáo đều khai nhận động cơ "gây án" chỉ là để đùa giỡn.
Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ cuối tuần qua, bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng: "Phân tích của các luật sư, thầy cô và nhiều ý kiến từ dư luận cũng cho rằng với lứa tuổi như vậy, với tâm sinh lý của các em thì tình trạng học sinh giật mũ để trêu đùa nhau vẫn thường xảy ra. Như vậy đánh giá tổng hợp các yếu tố về điều kiện, hoàn cảnh và các lời khai tại tòa, tôi cho rằng khó có thể kết luận được hành vi giật cái mũ vải để trêu đùa của các bị cáo là hành vi cướp giật tài sản".
Đây cũng đang là băn khoăn của dư luận trong thời gian qua, đó là liệu bản án 18 - 36 tháng tù giam (tức 1,5 năm đến 3 năm tù giam) cho những bị cáo vị thành niên kể trên có quá mức cần thiết, quá nặng hay không? Tạm gác những tranh luận về việc cơ quan tòa án đã áp dụng đúng pháp luật hay chưa, điều đáng quan tâm là liệu rằng duy trì một cách hiểu và áp dụng pháp luật gần tương tự như hơn hai thập kỷ năm trước của TAND Hải Phòng có hợp lý, trong bối cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa đã thay đổi như hiện nay?
Một hình phạt, thiết nghĩ, được tạo ra để duy trì bốn mục tiêu: (1) trừng phạt hành vi phạm tội, (2) giáo dục bị cáo, (3) răn đe với xã hội và tội phạm tiềm năng, và (4) bù đắp cho gia đình nạn nhân (mục tiêu thứ 4 không được ghi nhận cụ thể theo Điều 27 của Bộ luật Hình sự 1999, nhưng là mục tiêu được giới khoa học pháp lý công nhận). Tùy vào từng thời điểm của xã hội và hành vi phạm tội cụ thể, hệ thống tư pháp có thể chọn ưu tiên hay không ưu tiên mục tiêu nào đó khi quyết định hình phạt. Tức là hệ thống tư pháp không chỉ dựa vào những gì được nói trong luật, mà còn nên dựa vào mục tiêu sau chót mà tòa án muốn hướng đến khi định hình.
Đã từng có trường hợp như vụ án dùng nhục hình gây chết người tại Phú Yên, tòa án đã chọn tuyên một mức án được coi là tương đối nhẹ với tội phạm loại đó, phải chăng để nhấn mạnh đến việc giáo dục bị cáo hơn là trừng phạt hành vi phạm tội? Qua đó có thể thấy, ở Việt Nam, các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có cơ sở để đưa ra những phán quyết, quyết định mềm dẻo, phù hợp với một yêu cầu nào đó trên thực tế.
Màu áo trắng đồng phục của 3 bị cáo trước tòa. Ảnh: Dân trí |
Tương lai của một con người
Quay lại vụ án ở Hải Phòng, khi xem xét một bản án đối với các tội phạm vị thành niên, người thẩm phán nên cân nhắc việc áp dụng mục tiêu giáo dục và "chừa đường" tương lai cho tội phạm đó nhiều hơn là những mục tiêu về cảnh cáo, răn đe, trừng phạt chung.
Tính chất của tội phạm cướp giật là rất nguy hiểm cho xã hội và cần phải răn đe. Nhưng trong vụ án ở Hải Phòng, liệu hành vi gây ra đó có quá nguy hiểm cho xã hội đến mức tòa án xếp chung với các tội phạm cướp giật thông thường và buộc phải bỏ qua mục tiêu giáo dục để đặt nặng các mục tiêu khác?
Định nghĩa tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam bắt buộc rằng một hành vi bị coi là tội phạm thì phải có tính chất nguy hiểm đến xã hội. Thế nào là nguy hiểm cho xã hội lại là một khái niệm mở để các vị thẩm phán được phép giải thích.
Pháp luật hình sự Việt Nam cũng cho phép cơ quan bảo vệ pháp luật được miễn trách nhiệm hình sự cho một người nếu xét thấy hành vi phạm tội tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng về mặt nguy hiểm cho xã hội thì không có. Tức là về lý, thẩm phán hoàn toàn có thể linh động để dung thứ những hành vi mà vô tình nó phù hợp với những dấu hiệu tội phạm của Bộ luật Hình sự, nhưng trên thực tế sự nguy hiểm là hoàn toàn không có hay có thể bỏ qua được.
Tại sao lại cho phép điều trên? Đó là vì những người làm luật hình sự Việt Nam hiểu rằng một bộ luật dù được soạn kĩ bởi những nhà thông thái thì cũng không tránh được sự lỗi thời và cứng nhắc. Rằng luật pháp không phải vạn năng và nó cần được vận hành bởi những người có tâm, có tầm tại mọi thời điểm. Vì thế, họ giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật quyền được xem xét xem một hành vi có thực sự là tội phạm không, cho dù nó vô tình phù hợp với các dấu hiệu tội phạm. Không bao giờ có một giải pháp phù hợp với mọi người, mọi giai đoạn.
Qua cách mà vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án ở Hải Phòng trả lời phỏng vấn báo chí, có thể thấy quan điểm xử lý vụ án hình sự của TAND Hải Phòng là xem trọng việc liên kết các hành vi trên thực tế vào các dấu hiệu tội phạm trong Bộ Luật Hình sự để xác định tội danh hơn là xem xét tính nguy hiểm của hành vi. Về mặt kỹ thuật, đây là cách làm không sai.
Tuy nhiên, vị trí của vị thẩm phán trong một vụ án hình sự không chỉ là một người áp dụng máy móc các quy định của pháp luật, mà còn là vị trí của người phán quan, người điều chỉnh và vận dụng linh hoạt pháp luật sao cho nó luôn luôn hợp tình, hợp lý. Pháp luật suy cho cùng cũng là một nỗ lực của con người trong việc kiến tạo công lý và hướng đến một xã hội kỷ cương. Một Nhà nước pháp quyền tức là một Nhà nước xem trọng pháp luật, nhưng bên cạnh đó pháp luật đòi hỏi sự vận dụng phù hợp, thức thời của những người có tâm, có tầm.
Tuyên một án phạt tù một người có lẽ không khó, vì luật đã có sẵn những quy định cho phép làm như vậy. Nhưng số phận con người liệu có nên được quyết định bởi những công thức rập khuôn, máy móc? Vị phán quan sẽ là người nhận lãnh rủi ro về bản thân để mở ra một tương lai nào đó cho các bị cáo vị thành niên này.
Chương trình "Chuyện đương thời" về chủ đề hạnh kiểm học đường phát sóng vào ngày 28/3/2014 từng cho chúng ta một câu chuyện đáng suy ngẫm. Sau 20 năm, một cô giáo hối hận là đã gián tiếp đuổi học một học sinh đốt pháo trong trường. Vì từ vết trượt năm xưa, nay anh đã là một tội phạm. Một nỗi lo lớn như vậy cũng xin dành cho tương lai những bị cáo của vụ án ở Hải Phòng.
Quyết định trong vụ án này Tòa án nhân dân Hải Phòng có thể giúp các vị thẩm phán không chịu trách nhiệm cá nhân trong nội bộ ngành, nhưng tương lai của các bị cáo kia chắc chắn sẽ rẽ sang một hướng khác. Quan điểm pháp lý là cái vô hình, số phận con người là cái hiện hữu. Là một người bảo vệ pháp luật và quyết định vận mệnh pháp lý của một ai đó, giải quyết một vụ án dù đúng hay sai, có tình hay vô tình, cũng chỉ là một thành tựu hay tai nạn nghề nghiệp, một dòng trong quyển lý lịch về sau, hoặc một thành tích thi đua nào đó. Nhưng với những con người bị xét xử, đó có thể là một bước ngoặt vĩnh viễn không thể sửa chữa cho tương lai của họ và có thể cả người thân của họ.
Lê Nguyễn Duy Hậu
*Tác giả hiện đang hành nghề luật tại TP.HCM.