"Ha ha ha ha, mày có bị dở hơi không thế? Thừa tiền à? Máy mới máy ngon thì không mua, lại đi đâm đầu vào cái đống đồ cổ lỗ mua về được mấy bữa lại chán ngay thôi. Tao không nói đùa đâu, nhưng mà mày đúng dở hơi thật đó ha ha ha ha..."
Tôi hiểu các bạn đang nghĩ gì. Vừa mới thổ lộ với đứa bạn thân chơi với nhau ngót nghét 20 năm trời rằng tôi muốn xúc một bộ SNES hay PS2 gì đó rẻ tiền về cắm TV chơi cho đỡ buồn trong ngày nghỉ hoặc sau khi đi làm về, thì nó đã kịp phủ đầu tôi bằng một tràng cười như điên như dại. Cũng phải thôi, giờ này làm gì còn mấy người có NES hay SNES để chơi đâu cơ chứ.
Mà để các bạn dễ hiểu, quả thật cũng phải nhắc lại một chút. Ở Việt Nam game thủ gần như có thể được chia thành 3 dạng. Một là những kẻ cuồng những sản phẩm mới. Có máy mới đủ khỏe là phải sở hữu, phải chơi được những tựa game đình đám bậc nhất bây giờ, không cần biết bằng cách nào và game có hợp gu hay không. Thứ hai là những người cũng thích game hay, game đẹp, nhưng lại không có điều kiện tài chính để nuông chiều thú vui của họ. Và thứ ba là những người như chúng tôi, chơi mọi thứ đem lại niềm vui, vì suy cho cùng, chơi game cũng là một cách giết thời gian tuyệt vời, như lúc bạn ngồi ngoài ban công ngắm phố phường tập nập cạnh ấm trà, hay thưởng thức một bản nhạc hay phát ra từ bộ loa ưng cái bụng.
Mà đã là một thú vui thì cứ gì phải đắt tiền, phải đẹp, phải chất đến từng chi tiết? Bạn vẫn có thể ngâm nga một bài hát hay với tai nghe iPhone cơ mà, có thể hàn huyên tâm sự với bạn bè quanh cốc trà mạn 3 nghìn ở đầu ngõ, chứ đâu phải lúc nào cũng phải ấm trà đắt tiền, hay một góc sang trọng nào đó giữa lòng thủ đô mới có thể tận hưởng được những phút lặng của cuộc sống xô bồ?
Tương tự như vậy là tình yêu game. Chúng ta đã từng lớn lên với Mario, với Contra, với Rambo Lùn, cái thời mà ra hàng điện tử phải chắt chiu từng trăm đồng một chứ đừng nói đến tiền nghìn. Ấy vậy mà nỡ lòng nào quên đi cái quá khứ đẹp đẽ ấy, khi chúng ta có thể thả sức chìm vào thế giới ảo cho đến khi nào... bị bố mẹ bắt quả tang và xách tai về nhà cho một trận. Giờ nghĩ lại vẫn thấy vừa buồn cười vừa sợ.
Mà thứ niềm vui nhỏ nhoi ấy giờ đây lại là thứ chúng tôi cố gắng tìm về. Giờ này đây, dĩ nhiên chơi game chẳng còn bị bố mẹ ngăn cấm nữa, mà thi thoảng ông bà thân sinh vẫn đi qua buông một câu nửa đùa nửa thật:"Ô thế bây giờ không định nhớn à? Đến tuổi lấy vợ rồi đấy!"
Tôi cười xòa. Biết rằng đám con trai chỉ trưởng thành đến một mức nào đó thôi, rồi sẽ đôi lúc lại như những đứa trẻ tung tăng chìm đắm trong những thú vui, từ xe cộ, âm thanh, và thậm chí là cả game nữa. Rồi chúng tôi sẽ khiến các chị em chán ngấy vì đôi khi đôi mắt sáng rực như trẻ được kẹo chỉ vì tìm ra món đồ mình ưng ý, và món đồ đó... có giá bằng cả bộ váy lần trước hứa tặng bạn gái dịp mùng 8 tháng 3.
Nhưng chúng tôi cũng chẳng phiền lòng đâu. Bản chất mà, sửa sao được. Thay vào đó, chúng tôi nuôi dưỡng thú vui của bản thân. Mà đã được nuôi dưỡng thì chúng tôi sẽ chơi bất cứ thứ gì chúng tôi thích, chứ không phải chạy theo thị trường, người ta chơi gì mình chơi nấy.
Một lợi thế không thể nào chối bỏ của những cỗ máy chơi game cũ như SNES, PlayStation 1 hoặc 2, hay GameBoy chính là mức giá của chúng. Không chỉ giới trẻ Việt Nam, mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng đang quan tâm tới nhiều máy chơi game đã có tuổi đời hoặc thậm chí là mua đồ cổ cho con em mình vì tiêu chí giá cả. Ấy là chưa kể, trong mắt nhiều ông bố bà mẹ đã từng có quá khứ với nhiều huyền thoại như Sonic, Mario cùng những cỗ máy một thời cũng muốn con cái họ thưởng thức những tựa game đó, dù rằng hình ảnh không mấy lôi cuốn như những "bom tấn" thời gian qua trên nền tảng PS3 hay PS4.
Một lý do nữa cho việc máy chơi game cổ lên ngôi chính là tâm lý hoài cổ, thích sưu tập của một bộ phận game thủ Việt. Sở hữu những máy chơi game mới, những tựa game hiện đại thật sự quá đỗi đơn giản, chỉ cần đủ tiền là xong. Thế nhưng việc sở hữu lại những băng game cổ, những máy chơi game đã có 20 đến 30 năm tuổi đời nhưng vẫn hoạt động hoàn hảo dù bề ngoài có vẻ cũ kỹ lại là ước mơ của không ít người.
Trong khi đó, nhiều vị phụ huynh cũng đang tìm cho con cái mình những chiếc máy chơi game rẻ tiền, nhỏ gọn vì đã ra mắt từ lâu như Gameboy Advance SP, PSP đời 2 hoặc 3, hay Nintendo DS. Đối với nhiều ông bố bà mẹ, việc đầu tư cho con cái của mình một chiếc máy chơi game cầm tay với mức giá dễ chịu cùng những tựa game ngộ nghĩnh luôn hợp lý hơn so với việc mua một cỗ máy cồng kềnh, đắt tiền nhưng không có nhiều tựa game phù hợp với con em của họ.
Mà nói đúng ra, mua về để sống lại tuổi thơ là chính, chứ lý do mua cho con cái chỉ là phụ thôi. Nhưng cũng vui đấy chứ, cả nhà cùng được chơi game. Đến cô em gái tôi cũng muốn chơi cùng vì nó không giống như những trò chơi đầy bạo lực hoặc rất khó chơi mà tôi thường cài trong máy tính. Vậy thì việc mua máy chơi game cũ liệu có phải là dở hơi hay không, khi nó đem lại niềm vui cho cả nhà? Chắc chắn tuyệt đối một điều là không rồi!
Theo Trí Thức Trẻ