Những lúc như thế, người mẹ nghèo lại rưng rưng: “Đời mẹ đã khổ lắm rồi! Vậy nên con phải được đi học để thoát khỏi cảnh nghèo”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Vũ Thị Ngọc Bích (Mỹ Đức, Hà Nội) đăng ký 6 nguyện vọng vào các Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ĐH Ngoại ngữ và ĐH Thương Mại.

Trong đó, ước mơ lớn của Bích là được theo học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Nhưng học phí của ngôi trường này chắc chắn nằm ngoài khả năng chi trả của gia đình em.

Khao khát vào trường, nhiều lần Bích lén nhẩm tính số tiền phải trả trong suốt 4 năm học.

“Chúng khiến em quá sợ hãi. Số tiền ấy cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập hàng tháng của gia đình em”. Mỗi lần nghĩ vậy, Bích lại chùn bước...

Dưới Bích còn 3 em nhỏ, trong đó có một em học lớp 8, một em học lớp 6 và em trai chỉ mới 5 tuổi. Áp lực của người chị cả khiến cô bé 18 tuổi nhiều lần muốn nghỉ học để nhường cơ hội đi học cho các em. Nhưng Bích học sáng dạ. Cô giáo chủ nhiệm rất tiếc nên nhiều lần động viên, thậm chí xin cho em được học thêm miễn phí các môn ở trường.

{keywords}

Bố mất sức lao động, mẹ đi dọn dẹp, bưng bê ở quán ăn với mức lương 80.000 đồng/ngày. Sau Bích còn 3 em nhỏ đang tuổi đi học. 

Sau một vụ tai nạn, bố Bích mất sức lao động hoàn toàn và cũng không thể làm được những việc nặng. Thu nhập của gia đình phụ thuộc cả vào số tiền ít ỏi mà người mẹ đi làm bưng bê, dọn dẹp ở quán ăn đầu thôn. Chiều đến, chị lại đi chợ lấy thêm ít hoa quả để ngồi bán ở các khu công nghiệp hay cổng trường học. Chi tiêu cho 6 con người, trong đó có 4 đứa trẻ đang tuổi đi học chỉ chưa đầy 3 triệu đồng.

“Nếu không phải nhờ vào việc miễn giảm học phí, chắc chắn 4 chị em em không thể được đi học”, Bích nói.

Hai tháng trước khi em bước vào kỳ thi THPT quốc gia, mẹ bị tai nạn. Bích cứ nghĩ rằng chắc chắn mình không thể tiếp tục được đi học nữa, nhưng người mẹ không đồng ý.

“Mẹ bảo, kể cả phải đi vay tiền, mẹ cũng cho em được đi học. Chỉ có học mới có thể thoát cảnh nghèo. Mẹ khổ thêm chút cũng không sao”.

Thế là mẹ đi làm đủ nghề. 4h30 sáng mẹ phải dậy đi làm thuê cho người ta. Vì thương nên họ “ưu ái” trả mẹ cao hơn mức bình thường là 80.000 đồng/ buổi. Dọn dẹp quán xong xuôi mẹ lại quay xe ngược về chợ chở ít hoa quả đi bán thêm, có khi 8-9 giờ tối mới về đến nhà. Chưa bao giờ mẹ từ chối làm việc gì, miễn là có thêm thu nhập”.

{keywords}

Áp lực của người chị cả khiến cô bé 18 tuổi nhiều lần muốn nghỉ học để nhường cơ hội đi học cho các em

Từ những năm cấp 1, Bích đã ý thức được cảnh nghèo khó. Em không dám xin mẹ cho đi học thêm ở đâu, mặc dù hầu hết các bạn trong lớp đều theo học.

“Lúc đó em vừa tủi thân, vừa lo. Nhưng rồi em tự động viên mình rằng, không có điều kiện thì mình tự học. Quan trọng cách học và ý thức học của mình là chính.

Thế là em tự ôn trong SGK kết hợp với luyện đề thầy cô giao trên lớp. Nhưng chỉ học kiến thức trong SGK là không đủ. Nhiều khi em bật khóc vì không biết tìm phương pháp giải ở đâu.

Một người bạn trong lớp thấy em khó khăn nên đã cho mượn một chiếc điện thoại cảm ứng”.

Từ ngày có điện thoại, Bích tham gia vào các diễn đàn chia sẻ tài liệu học tập trên Facebook. “Có bạn nào đăng đề lên nhờ giải hộ hoặc chia sẻ đề là em lại tải về làm. Những đề nào hay em lưu lại rồi tự nghiên cứu dần. May có điện thoại nên trước kỳ thi THPT quốc gia, em đã luyện được khá nhiều đề”.

{keywords}

Gia đình Bích cũng thuộc hộ nghèo của xã

Ngày thi THPT quốc gia, mẹ Bích xin nghỉ làm để đưa đón con đi thi. Thay vì trở về nhà, chị nán ở lại điểm thi để chờ con đến hết giờ làm bài. Chị vẫn kỳ vọng Bích sẽ đỗ vào ngôi trường em luôn mong ước.

“Bích học rất khá, nhất là môn Văn. Có lần bài văn tả về bố của con hay và xúc động quá nên đã được cô giáo photo cho cả khối đọc. Cấp 2, cấp 3, con đều được đại diện trường đi thi cấp huyện, cấp thành phố và được giải cao. Nếu phải để con nghỉ học, thực sự tôi không đành”, chị nói

Thương con, chị hay dành thời gian mỗi tối để hai mẹ con cùng tâm sự. “Bích là người sống nội tâm, không bao giờ khóc trước mặt người khác. Từ năm cấp 2 con đã có ý định bỏ học. Nhưng gia đình luôn động viên con cố gắng học, chứ thế này mãi thì khổ lắm”.

{keywords}

Quyết tâm đỗ đại học, những ngày ôn thi, Bích đều thức đến 3 giờ sáng. “Học buổi đêm mát hơn, dễ vào hơn khi không có quạt”, Bích nói.

Dù rất thích học ngành kinh tế vì nhận thấy đây là môi trường năng động và có điều kiện phát triển, nhưng nếu không thể đạt được học bổng, Ngọc Bích mong muốn sẽ được theo học ngành Ngôn ngữ Anh.

“Em nghĩ chỉ có con đường học mới có thể giúp đỡ gia đình mình, bởi các em của em cũng đều rất thích đi học.

Lên đại học em chắc chắn phải thay đổi theo hướng năng động hơn và tìm kiếm việc làm thêm để phụ giúp bố mẹ”.

{keywords}

“Em nghĩ chỉ có con đường học mới có thể giúp đỡ gia đình mình, bởi các em của em cũng đều rất thích đi học"

Nhắc đến cháu gái, bà nội Bích kể, giai đoạn ôn thi, trong khi bạn bè cùng xóm đến lớp nọ, lò kia để ôn thì Bích chỉ sáng đi học, tối tự học ở nhà.

“Bích tiết kiệm lắm. SGK thì đi xin lại của người ta. Sáng nó cũng không chịu ăn vì tiếc tiền. Tích được 3, 4 chục nghìn lại đưa mẹ chứ chẳng dám tiêu.

Nó luôn ước mơ được đi học đại học, nhưng lại sợ bố mẹ không lo được tiền học phí, đến tháng còn tiền trợ cấp thì bao giờ bố mẹ mới bớt khổ vì con”.

Ông bà Bích cũng không có lương hưu. Cả hai ông bà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên chẳng thể giúp gì được cho gia đình con trai. Nghĩ về con, về cháu, nước mắt bà cứ thế chảy ra.

Điều bà hạnh phúc nhất giờ đây là đi đến đâu cũng có người khen “Bà có cô cháu gái học giỏi thế là sướng nhất rồi!”

“Mong cho cái Bích đỗ đại học, sớm ra trường nuôi các em cho bố mẹ nó đỡ vất vả”, bà nói.

Còn Bích luôn tự động viên mình: “Em đọc nhiều câu chuyện về những con người nghị lực. Mỗi nhân vật lại để cho em một cảm nhận và một câu chuyện riêng. Những con người ấy đã truyền được cảm hứng giúp em tìm được mục tiêu của chính mình”.

Thúy Nga

Nữ sinh mong đỗ ĐH để tổ chức đám cưới cho ông bà ngoại

Nữ sinh mong đỗ ĐH để tổ chức đám cưới cho ông bà ngoại

Đêm trước ngày thi THPT quốc gia, Ly không tài nào ngủ được. 2h sáng, thấy ánh đèn le lói phát ra từ gác xép, bà Thục vội vàng chạy vào giục cháu đi ngủ ngay. Kỳ thi này với Nguyễn Hương Ly như một cuộc “quyết định vận mệnh”.