Mới đây, hội thảo chuyên đề "Nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo - Cải thiện vị thế ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" đã được Bộ Công Thương và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Samsung tổ chức. Hội thảo là cơ hội để các bên, các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt nam thảo luận, trao đổi về thực tiễn, thực hành và các giải pháp để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và liên kết chuỗi mạnh mẽ hơn.

Cổng thông tin điện tử moit.gov.vn đưa tin, phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thanh Tùng, Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu cụ thể về thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%...

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ảnh minh họa: Anh Hào.

Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp; trong khi các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.

Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên - mà trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn là nhiệm vụ hàng đầu mà các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện.

Anh Hào