Trong một chuyến bay của hãng American Airlines từ Santiago (Chile) đến Dallas (Mỹ), một hành khách có tên Natalie Root ngồi hàng ghế đầu. Chiếc máy bay cô ngồi thuộc dòng Dreamliner của Boeing với nội thất hiện đại, kiểu dáng đẹp. Điều này thôi thúc Root chụp một vài bức ảnh trên chiếc máy bay.

Tuy nhiên, một tiếp viên hàng không đã nhìn thấy hành động này bởi Root chụp ảnh có bật đèn flash của điện thoại di động. Gần như ngay lập tức, người tiếp viên hàng không bước đến yêu cầu cô xóa ngay những bức ảnh với cáo buộc chụp ảnh các thành viên phi hành đoàn và nó vi phạm quy tắc liên bang. Một tiếp viên hàng không khác đến và đe dọa sẽ báo với cơ trưởng quay máy bay về điểm xuất phát nếu Root không xóa ảnh. Cuối cùng thì người bạn của cô đã xóa những bức ảnh và mọi người trên chuyến bay đã đến Dallas an toàn nhưng sự việc khiến Root thực sự bẽ mặt.

Thực tế thì phần lớn các hãng hàng không trên thế giới không có không có quy định về việc cấm chụp ảnh trên máy bay. Tuy nhiên, các tiếp viên hàng không lại thường dựa vào các quy định về việc hành khách không được can thiệp vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của thành viên phi hành đoàn để từ chối việc chụp ảnh cùng hành khách. Điều này có nghĩa tại nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới, hành khách phải tuân thủ theo hướng dẫn của tiếp viên hàng không, bao gồm cả việc không được chụp ảnh hoặc các yêu cầu xóa ảnh khi đã chụp.

Tại Việt Nam hiện nay, luật pháp chưa cấm hành khách chụp ảnh trên máy bay. Tuy nhiên, theo quy định chung thì hành khách cần hạn chế việc sử dụng các thiết bị di động có thu phát tín hiệu không dây trên máy bay. Trong đó, bất kể là thiết bị di động nào cũng bị cấm hoàn toàn trong quá trình máy bay cất và hạ cánh. Như vậy, những người sử dụng điện thoại ở thời điểm máy bay cất cánh hoặc hạ cánh sẽ được coi là 'Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay' và bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng theo quy định của Nghị định 162/2018/NĐ-CP.

Các quy định pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa có văn bản nào cấm hành khách chụp hình cùng tiếp viên hàng không trên máy bay. Tuy nhiên, tiếp viên hàng không hoàn toàn có quyền từ chối chụp ảnh cùng khách khách như một quyền cá nhân. Theo điều 32, Luật dân sự 2015, các cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Đồng thời, việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trong một số trường hợp khi máy bay cất cánh - hạ cánh hoặc khi có tín hiệu cài dây an toàn thì việc cố tình chụp ảnh khi chưa có sự đồng ý của tiếp tiên hàng không có thể được xem là hành vi 'đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác trong tàu bay' theo Chương I, Điều 12 của quy định về 'Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng'.

Như vậy, việc chụp ảnh với tiếp viên hàng không chưa có trong các quy định của pháp luật nhưng tiếp viên hàng không hoàn toàn có quyền từ chối chụp ảnh với hành khách. Nếu muốn chụp ảnh cùng tiếp viên hàng không, bạn cần được sự đồng ý của người đó và trong thời điểm máy bay không trong quá trình cất hoặc hạ cánh.

T.T