Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường thương mại điện tử trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Một trong số đó là phát triển kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh bổ sung hiệu quả cho thương mại quốc tế truyền thống, đồng thời phát huy được những lợi thế về công nghệ, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trên toàn thế giới.
Tại chức hội nghị trực tuyến, ông Roger Lou - Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam - cho biết: “Trong thế giới TMĐT, không có người chiến thắng tuyệt đối và không có thời điểm tốt nhất để tham gia. Chúng ta chỉ có thể thành công khi thực sự bắt tay vào làm”.
Nắm lấy những cơ hội xuất khẩu trực tuyến |
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã không còn xa lạ với “thương mại điện tử” và “chuyển đổi số”. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, trong khi các hình thức xuất khẩu truyền thống hứng chịu sự đứt gẫy nặng nề do giãn cách xã hội, đây đã và đang trở thành những giải pháp hiệu quả nhất cho các công ty vượt qua đại dịch.
Tuy vậy, dù rất nhiều doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi số, họ vẫn gặp phải những rào cản và thử thách, dẫn đến sự chần chừ và khó khăn để bắt đầu.
Ông cho hay, nhiều DNVVN đã gặt hái thành công trên Alibaba.com và thuộc những lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, thực phẩm, nhà và làm vườn, may mặc,... Nền tảng đã ghi nhận doanh thu 5 triệu USD (tương đương với 114 tỷ đông) đến từ ngành hàng nhà và làm vườn thông qua xuất khẩu trên TMĐT.
Hay một công ty thuộc lĩnh vực đóng gói đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia chỉ nhờ việc áp dụng TMĐT vào kinh doanh. Điều đó cho thấy, mô hình này là phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông nêu rõ những tín hiệu tích cực của xuất nhập khẩu Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đồng thời phân tích ba xu hướng xuất khẩu số nổi bật trong năm 2022, đó là nông nghiệp, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, nhà và làm vườn. Cơ hội phát triển kinh doanh trực tuyến của DNVVN Việt Nam từ các ngành trên là rất lớn, nhờ nhu cầu tiêu dùng khổng lồ từ thị trường quốc tế.
Alibaba.com Việt Nam sắp tới sẽ cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho 10.000 DNVVN xuất khẩu thông qua nền tảng vào năm 2025, nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu và quảng bá thương hiệu Việt Nam trên thế giới bằng nguồn lực của nền tảng này.
Để đạt được những mục tiêu này, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành hàng, tổ chức thương mại, đối tác trong hệ sinh thái trên khắp Việt Nam.
Với quy mô thị trường thương mại điện tử lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia EU, tiềm năng cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là rất lớn, cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, tận dụng được các thị trường TMĐT phát triển mạnh, để các doanh nghiệp có thể len vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết, ứng dựng CNTT và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại là hoạt động mang tính chiến lược, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại các cấp và doanh nghiệp.
Thời gian tới, Cục XTTM một mặt sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các tổ chức XTTM, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã và hộ kinh doanh. Cơ quan này cùng các đối tác công nghệ tập trung xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức và doanh nghiệp xúc tiến thương mại hiệu quả trên môi trường số.
Đặc biệt, Cục XTTM từng bước xây dựng kế hoạch về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025 để hướng dẫn các địa phương, các tổ chức và các DN triển khai bài bản và đồng bộ, tiết kiệm chi phí, phối kết hợp hoạt động một cách khoa học.
Thư Kỳ
Nhóm nhà buôn duy nhất 'ăn may', thắng đậm giữa đại dịch
Đại dịch mang tới “vận may” cho các sàn thương mại điện tử, khi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có được những thứ người tiêu dùng cần trong thời kỳ giãn cách xã hội.