Quan điểm nêu trên được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến chủ đề “Ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi” được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 28/9.
Việt Nam nằm trong nhóm nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu
Theo các chuyên gia, với những nỗ lực của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, đến nay một số tổ chức đã đánh giá Việt Nam là 1 trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi có tỷ lệ tăng trưởng từ mức 40% đến 80% trong vòng vài năm qua.
Cùng với đó, đại dịch Covid-19 cũng đã giúp rút ngắn chuyển đổi số ngành ngân hàng khoảng vài năm, mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và người dân từ sự phát triển của ngân hàng số. Đến nay, đã có tới 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.
Tại tọa đàm, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng tại Việt Nam đều xác định phải ứng dụng công nghệ, làm sao số hóa các hoạt động của ngân hàng để trở thành ngân hàng số đúng nghĩa, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện ích và trải nghiệm chất lượng cho người dân, làm sao để người dân là chủ nhân đích thực của quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 95% các ngân hàng tham gia đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và thực thi trong thực tế. Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng tại Việt Nam cũng rất tích cực, chủ động trong việc ứng dụng các công nghệ 4.0 để số hóa hoạt động nghiệp vụ, nâng cấp hệ thống CNTT và cung cấp những sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng trên kênh số.
“Thông qua việc chuyển đổi số một cách trọng tâm, trọng điểm, những ngân hàng top đầu đã đầu tư tới 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động chuyển đổi số và đã thu được những thành quả tích cực. Chẳng hạn như, tăng trưởng thanh toán di động tại Việt Nam lên tới 3 con số, trong 8 tháng đầu năm tăng 107% về số lượng và hơn 90% về giá trị”, ông Lê Anh Dũng thông tin.
Nhận định lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có những tầm nhìn và bước đi quan trọng trong chuyển đổi số ngành, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Xuân Hòe phân tích, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước chủ động đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế. Cả 3 trụ cột cho hoạt động dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi số ngành ngân hàng đều đã được Ngân hàng Nhà nước quan tâm thể chế hóa.
“Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại rất quan tâm đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách. Hầu hết các ngân hàng đều có lãnh đạo cấp cao là những người xuất phát từ ngành CNTT. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có hẳn 1 Phó Thống đốc phụ trách về CNTT và từ dân IT ra. Tôi nghĩ rằng đó là những điều thuận lợi và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngân hàng”, ông Phạm Xuân Hòe nhận xét.
5 thách thức lớn với chuyển đổi số ngân hàng
Dù vậy, các chuyên gia cũng thống nhất rằng, trong quá trình chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, triển khai chương trình chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải đối mặt rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã và đang phải triển khai trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện, đang sửa đổi, bổ sung, đơn cử như Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang được điều chỉnh.
Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh: Thách thức lớn nhất và có lẽ là hàng đầu của chuyển đổi số ngành Ngân hàng chính là hành lang pháp lý thiếu, không đồng bộ. Chẳng hạn, Luật Giao dịch điện tử đang được sửa đổi, bổ sung; Luật Kế toán hiện nay cũng đang có quy định gây “vướng” cho ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra thêm 4 thách thức lớn khác gồm: Vốn cho đầu tư CNTT, chuyển đổi số; vấn đề nhân sự, con người; việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; cũng như mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, sử dụng sản phẩm số còn hạn chế. “Năm thách thức kể trên có thể sẽ gây cản trở và giảm tốc độ chuyển đổi số của ngành Ngân hàng”, ông Phạm Xuân Hòe nêu quan điểm.
Bàn về các giải pháp, đại diện Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho biết, về thể chế, bên cạnh một số cơ chế, chính sách đã ban hành thời gian qua để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng trình Chính phủ 2 Nghị định là Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 năm 2012 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech Sandbox).
“Hai Nghị định này cũng là 1 điểm đổi mới, để làm sao tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán, cho chuyển đổi số hoạt động ngân hàng thời gian tới”, đại diện Vụ Thanh toán chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong chuyển đổi số, ngành ngân hàng và đặc biệt là với các ngân hàng thương mại, trước tiên phải chuyển đổi nhận thức của cả cán bộ lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên, phải xác định được cần lấy khách hàng làm trọng tâm. Và muốn vậy trong quá trình chuyển đổi số, việc đảm bảo an toàn cho khách hàng, người dùng dịch vụ phải là mục tiêu đầu tiên.
Song song đó, các ngân hàng cũng cần đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, phù hợp với quá trình chuyển đổi số; đồng thời phải có các giải pháp phòng ngừa rủi ro.
Vân Anh