- Bộ trưởng Tư pháp cho rằng nếu sòng phẳng, trong nhà nước pháp quyền cần nghiên cứu bổ sung quy định người dân, DN có quyền khởi kiện cơ quan NN nếu ban hành pháp luật sai, trước mắt có thể từ cấp bộ trở xuống địa phương.
Trả lời chất vấn chiều qua của ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) về tỉ lệ thu hồi tài sản từ các đại án kinh tế còn thấp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận sáng nay trong khi dân phấn khởi thì người thi hành án rất lo.
|
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Minh Thăng
|
Lo vì VN chưa có hệ thống đăng kí tài sản tập trung, thống nhất, bài bản, minh bạch, bất động sản lẫn động sản, mua bán trả tiền qua thẻ tín dụng chưa.
Bộ trưởng cho rằng, thu hồi được ít vừa thuộc về trách nhiệm của chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm xác minh tài sản thi hành án vừa do thi hành án theo quy định của luật trong nhiều trường hợp phải có đơn yêu cầu mới làm được (như trong vụ Vinashin, các công ty con không có đơn nên không thi hành án được).
Thi hành án đang tách rời khỏi tòa án
Ông Cường cũng lo lắng về sự cắt khúc nghiêm trọng trong tố tụng hình sự hiện nay: điều tra là 1 khúc, truy tố là 1 khúc, ra tòa án là 1 khúc, đặc biệt là thi hành án lại được tách rời khỏi tòa án.
Nên theo ông, để kết nối việc xét xử và thu hồi tiền về cho Nhà nước cần phải hoàn thiện thể chế trong đó kết nối, liên thông giữa cơ quan thi hành án dân sự với điều tra, truy tố, nhất là áp dụng các biện pháp khẩn cấp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản, tài khoản v.v…
Về sửa đổi quy định tội tham nhũng trong bộ luật Hình sự sắp tới, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, có thể bổ sung như tội làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được bằng nguồn nào mà có tài sản đó thì cũng bị truy tố, kể cả kê khai tài sản gian dối, tham nhũng trong lĩnh vực tư.
Luật cũng sẽ bổ sung vấn đề truy tố pháp nhân cụ thể là các DN và tổ chức kinh tế, nhất là trong vấn đề rửa tiền.
Ban hành luật sai, đương nhiên phải bồi thường
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về quyền khởi kiện các văn bản quy phạm pháp luật của người dân để bảo vệ quyền lợi của mình, Bộ trưởng Tư pháp đồng tình cho rằng nếu sòng phẳng, trong Nhà nước pháp quyền cần nghiên cứu bổ sung quy định người dân, doanh nghiệp có quyền khởi kiện cơ quan NN.
Mức độ theo Bộ trưởng trước mắt có thể từ cấp bộ trở xuống địa phương trong trường hợp ban hành văn bản pháp luật sai hoặc chậm trực tiếp gây thiệt hại về vật chất cho họ. “Như vậy đương nhiên phải có trách nhiệm bồi thường” - ông phát biểu.
Bộ trưởng cũng cho rằng, đã đến lúc cần nghiên cứu giao cho tòa án tối cao khi xét xử vụ án cụ thể mà phát hiện ra văn bản của các bộ, các địa phương mà trái Hiến pháp thì có quyền đình chỉ thi hành văn bản đó. 2 vấn đề này cần được nghiên cứu và có thể được đề xuất trong lần sửa luật Tố tụng hành chính tới đây.
“Xin nhận trách nhiệm”
Bị ĐBQH chất vấn về chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và việc rút, lùi các văn bản, Bộ trưởng Tư pháp nêu thực tế: trong số 1.574 văn bản được kiểm tra từ đầu nhiệm kỳ 13 tới hết 30/4/2014 có 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, 54 văn bản sai về nội dung là điều đáng quan tâm. Về loại sai phạm thì có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý và thể thức trình bày, 11 văn bản sai thẩm quyền…
Trong điều kiện Hiến pháp mới đã được thông qua và đất nước đang chuyển sang giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, Bộ trưởng Cường nhận định những lỗi sai này nếu tiếp tục thì “không thể chấp nhận được”, dù số lượng không cao nhưng cần kiểm điểm.
Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã xin rút 2 văn bản, xin lùi 13 văn bản - thấp hơn nhiều so với nhiệm kỳ QH khóa 12. Là cơ quan giúp Chính phủ lập và “gác cổng” cho hệ thống luật pháp, Bộ trưởng Tư pháp xin nhận trách nhiệm trước QH về vấn đề xin lùi, xin rút này.
Cẩm Quyên