Người dân tộc Dao ở Lũng Slàng hạ sơn từ cách đây hơn 70 năm. Lũng Slàng (xã Tri Phương huyện Tràng Định, tỉnh  Lạng sơn) có có 100% dân số là người dân tộc Dao. Những năm trước, thôn gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhất là khi thời tiết xấu. Nhưng giờ đây thôn Lũng Slàng đang được khoác trên mình một diện mạo mới. 

Thôn Lũng Slàng có gần 40 hộ, 100% dân số là người dân tộc Dao. Cách thị trấn Thất Khê chừng 15km, với vị trí nằm lọt thỏm trong lòng chảo, bao quanh là núi non trùng điệp hiểm trở, đường đi lại khó khăn, chỉ có một con đường duy nhất vào bản dài hơn 2km, trước đây thôn gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, các hộ dân nơi đây vẫn duy trì đời sống theo hướng tự cung, tự cấp. Vì vậy, cái đói, cái nghèo cứ bám lấy bà con người dân tộc Dao sống ở Lũng Slàng.

Nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Một con đường về lòng chảo Lũng Slàng đã được mở ra, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán của bà con trong thôn.

Điện lưới Quốc gia cũng đã về thắp sáng thôn Lũng Slàng. Năm 2009, chương trình 135 đưa điện lưới Quốc gia về với bản, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc Dao được nâng lên rõ rệt. 

Trong thôn giờ đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần được nâng lên cũng là cơ hội để các phong tục tập quán đẹp được khôi phục và giữ gìn. Thời gian qua, các cấp chính quyền chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đặc biệt có sự góp phần không nhỏ của những người uy tín, trưởng thôn, bí thư trong thôn bản luôn gương mẫu đi đầu, người Dao nơi đây cũng đã biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những tập quán hủ tục còn lạc hậu, như việc hôn nhân cận huyết, việc cưới của người Dao thôn Lũng Slàng hôm nay không còn thách cưới bạc nén, mổ lợn, giết gà nhiều như mà vẫn đẹp, vẫn vui, vẫn giữ được nét đặc sắc rất riêng của dân tộc mình.

Để có được sự khởi sắc này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của Tỉnh, có cả ý thức tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Giờ đây nhiều hộ dân đã có những phương tiện sản xuất được cơ giới hóa, máy móc đã thay thế sức người, hiệu quả kinh tế cao hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Từ 100% hộ dân là hộ nghèo đến nay toàn thôn theo số liệu mới nhất chỉ còn 8/37 hộ nghèo chiếm 21%. 

Câu chuyện ở bản người Dao ở thôn Lũng Slàng là minh chứng sống động cho thấy thấy, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn đã mang lại hiệu quả thiết thực, tích cực. Sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của đồng bào cũng đã tạo ra diện mạo mới ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó của tỉnh Lạng Sơn.

Hồ Nhụy, Thanh Hùng, Kiều Oanh, Diệu Bình, Hà Sơn