Nếu danh sách trong hồ sơ Panama chính xác thì sẽ là một trong những căn cứ để Cục Chống tham nhũng đề xuất với Thủ tướng cùng các cơ quan trung ương vào cuộc xác minh.

Về vụ việc hồ sơ Panama trên trang offshoreleaks.icij.org do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) công bố Việt Nam có tên gần 200 cá nhân, pháp nhân, công ty... liên quan, ngày 10-5, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc.

Tham khảo, bám sát

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, cho biết: “Ban Nội chính trung ương xem đây là một nguồn tin quan trọng và đang theo dõi vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có chỉ đạo và hoạt động nào của Ban Nội chính trung ương liên quan đến việc này và mới dừng ở việc bám sát tình hình”.

Còn Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phạm Trọng Đạt lưu ý: TTCP vẫn nắm bắt, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan tới các cá nhân người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama. Đây mới chỉ là thông tin tham khảo, không ngoại trừ có thể là thông tin không chính xác. Còn nếu chính xác, sẽ là một trong những căn cứ để cục đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ cùng các cơ quan trung ương vào cuộc xác minh.

{keywords}

Kết quả tìm kiếm liên quan tới Việt Nam

“Vào cuộc hay không phải chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trung ương, vì phải phối hợp với rất nhiều lực lượng. Phải phối hợp với quốc tế mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được” - ông Đạt nói.

Ngành thuế soi kỹ

Trả lời báo giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Ngành thuế sẽ kiểm tra thông tin này và sẽ có báo cáo.

Thông tin từ Tổng cục Thuế, ngay trong ngày 10-5, cơ quan này đã thành lập tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama. Tổ công tác có nhiệm vụ làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với tổ chức, cá nhân bị nêu tên. Cụ thể là sẽ đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế trên cơ sở dữ liệu thuế tại Việt Nam; làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài; tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm bản chất của phương thức giao dịch. Từ đó đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam để đánh giá. Các nghiệp vụ để làm rõ vấn đề này khá phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan khác như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước.

Danh sách thật hay ảo?

Cùng ngày, phóng viên đã tìm đến một số địa chỉ theo hồ sơ Panama cung cấp. Tuy nhiên, rất nhiều tên cá nhân cùng công ty không có thật hoặc rất… bí ẩn!

Tại địa chỉ ghi “Dung Chi Nguyen, ORC Alliance, Corp” ở 48A Lý Thường Kiệt thì đây chính là trụ sở TAND Tối cao, nơi đặt Báo Công Lý. Bên cạnh đó, một số 48A khác là cửa hàng thời trang. Có một ngõ 48A ngay bên cạnh song khoảng hơn 20 nhà trong ngõ cũng không có biển hiệu nào có tên ORC Alliance Corp.

Ở địa chỉ 30 Hàng Bún, quận Ba Đình trong danh sách ghi là “Mr. Dang Thanh Phong”, Công ty Hong Viet International Limited song tại đây lại là điểm bán các sản phẩm văn hóa. Những người của công ty khẳng định không biết ai có tên như vậy.

Một địa điểm chưa rõ ràng là người có tên “Le Thi Bich Thuy” với 2 công ty là Aleph Venture Inc. và Management Link Limited tại số 49 Quán Thánh, quận Ba Đình. Người dân nơi đây cho biết trong ngõ 49 có người tên là Lê Thị Bích Thủy song sống ở Tây Hồ, còn nhà ở đây không ai ở.

Hoạt động đáng ngờ...

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thực tế, Việt Nam là địa điểm để các cá nhân, tổ chức lợi dụng sơ hở của pháp luật để rửa tiền nhưng chưa đến mức trầm trọng như một số quốc gia trên thế giới, chỉ dừng ở mức tội phạm hay hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, cần phân biệt hoạt động trốn lậu thuế với việc mở tài khoản ở nước ngoài để phục vụ thanh toán cho hoạt động kinh doanh thương mại hợp pháp. Kể cả chính trị gia cũng có thể gửi tiền ở tài khoản nước ngoài nếu thấy đó là nơi tin tưởng. Đối với hồ sơ Panama, cơ quan pháp luật phải xem xét để có đánh giá kết luận có phải trốn thuế, rửa tiền hay không.

Luật sư Trương Thanh Đức - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - lại cho rằng theo Luật Phòng chống rửa tiền, đây là hoạt động đáng ngờ có thể thực hiện xem xét các dấu hiệu rửa tiền, trốn thuế, không chấp hành quy định minh bạch về thông tin để trốn thuế. Ông Đức cũng cho biết Việt Nam vẫn là địa bàn rủi ro có liên quan đến tội phạm rửa tiền.

Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết sau “vụ Panama”, tất cả các quốc gia đều phải xem xét lại chính sách thuế của mình và khu vực. Việt Nam cũng phải như vậy. “Quan điểm của tôi nên nhìn nhận việc này bình tĩnh, không nên phản ứng thái quá, tạo ra tâm lý hoang mang” - ông Lực nêu ý kiến.

(Theo NLĐ)