Sau 1 năm rưỡi bùng phát, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tại Việt Nam, chúng ta đã bước sang làn sóng dịch thứ 4 và ghi nhận số mắc kỷ lục trong cả đợt lên tới hơn 12.000 ca trong vòng 2 tháng qua, khiến hàng loạt khu vực phải thực hiện giãn cách, nhiều nhà máy phải ngưng trệ sản xuất.
Vì lẽ đó, chúng ta xác định vắc xin ngừa Covid-19 là chìa khoá quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch. Chính phủ cũng đề ra hàng loạt giải pháp, tuy nhiên hiện nay việc tiếp cận với các nguồn vắc xin trên thế giới không hề dễ dàng do khan hiếm nguồn cung. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những giải pháp nào để có đủ vắc xin tiêm cho người dân?
VietNamNet mời đến trường quay 2 vị khách mời:
- GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế
- GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
XEM TOÀN BỘ BÀN TRÒN:
150 triệu liều vắc xin từ nhiều nguồn
Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa Thứ trưởng, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tiêm phủ 70% dân số cho những người từ trên 18 tuổi để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên hiện tại những thông tin chính thức và những đàm phán chính thức của chúng ta mới có được 120 triệu liều vắc xin. Vậy 30 triệu liều còn lại, chúng ta sẽ tiếp cận từ những nguồn nào, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, ngay từ đầu tháng 8/2020, Bộ Y tế đã chủ động kết nối, bàn trực tiếp với các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Đồng thời qua các kênh ngoại giao, tới nay chúng ta đã có được một số nguồn vắc xin, cụ thể.
Thứ nhất, nguồn Covax Facility chúng ta có khoảng 38,9 triệu liều; thứ hai, nguồn ký 3 bên giữa Bộ Y tế, công ty Vắc xin Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca có 30 triệu liều, vừa được Chính phủ mua lại với giá phi lợi nhuận; nguồn thứ ba, chúng ta vừa ký với Pfizer, trong năm 2021 sẽ về với tổng số 31 triệu liều, dự kiến quý 3 sẽ về 3 triệu, quý 4 về 28 triệu.
Ngoài ra, chúng ta có một số nguồn viện trợ của một số nước, một số tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, Unicef và một số nước, tổ chức khác với số lượng từ 5-10 triệu liều.
Như vậy có thể nói, với một số nguồn tương đối chắc chắn thì chúng ta có khoảng 120 triệu liều và một nguồn đang đàm phán chúng tôi cho rằng sẽ về kịp trong năm nay đó là nguồn của Nga. Chúng ta đàm phán được 40 triệu liều và phần nhiều khoảng 20 triệu liều sẽ về trong năm 2021.
Bên cạnh đó, chúng ta có thêm nguồn của Moderna, trước mắt đàm phán qua công ty Zuellig Pharma được 5 triệu liều và chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán
Chúng ta cũng tiếp tục thúc đẩy sản xuất, nghiên cứu vắc xin trong nước và cố gắng cuối năm 2021, đầu năm 2022 chúng ta có thể chủ động vắc xin trong nước.
Nhà báo Thúy Hạnh: Thứ trưởng vừa cung cấp thông tin rất tích cực. Vậy trong tương lai gần như tháng 7 và tháng 8 tới, chúng ta có nhận thêm lô vắc nào về Việt Nam không, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Chúng tôi dự kiến tổng các nguồn trong tháng 7 khoảng 8 triệu, trong tháng 8 và tháng 9, tổng 20-21 triệu và phần nhiều lượng vắc xin sẽ về trong quý 4.
Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa GS Đức Anh, như Thứ trưởng vừa thông tin, từ giờ tới cuối năm chúng ta có thể nhận thêm rất nhiều lô vắc xin, vậy để chuẩn bị cho một kế hoạch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, chúng ta đã chuẩn bị đến khâu nào rồi, có gặp khó khăn gì hay không?
GS Đặng Đức Anh: Theo kế hoạch, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều vắc xin trong thời gian từ 3 đến quý 4 năm 2021. Để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 một cách rộng rãi, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai tiêm vắc xin toàn quốc.
Do số lượng vắc xin rất nhiều và thời gian triển khai ngắn nên Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng để triển khai xây dựng các kho bảo quản tại các quân khu của Bộ Quốc phòng và cũng phối hợp với Bộ Quốc phòng để vận chuyển vắc xin đến các điểm tiêm sớm nhất để đảm bảo chất lượng vắc xin và đáp ứng được chiến dịch tiêm trong thời gian tới.
Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa GS Đức Anh, Thứ trưởng vừa cho biết từ giờ đến cuối năm, đặc biệt trong quý 4 chúng ta có thể nhận tới 31 triệu liều vắc xin Pfizer, đây là loại vắc xin yêu cầu bảo quản rất ngặt nghèo trong điều kiện âm sâu. Vậy đến nay công tác chuẩn bị cho việc lưu trữ và vận chuyển loại vắc xin này đến các điểm tiêm như nào vì chắc chắn khi chúng ta triển khai tiêm diện rộng thì sẽ có hàng loạt điểm tiêm di động hoặc các điểm tại xã, phường?
GS Đặng Đức Anh: Chúng ta đã biết vắc xin Pfizer có điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo, trong điều kiện âm 80 độ có thể bảo quản được 6 tháng. Nếu triển khai tiêm, bảo quản 2-8 độ C, vắc xin này có thể giữ được trong 1 tháng.
Dự kiến khi vắc xin về Việt Nam, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để có thể bảo quản vắc xin này thời gian đầu ở nhiệt độ âm sâu. Sau đó khi chuyển về các điểm tiêm, chúng ta giữ ở nhiệt độ 2-8 độ và triển khai tiêm tại các điểm tiêm trong thời gian 1 tháng.
Chúng tôi hy vọng với kế hoạch chúng ta có sẵn và sự phối hợp của quân đội, chúng ta sẽ đưa vắc xin này đến các điểm tiêm một cách an toàn và triển khai tiêm trong thời gian sớm nhất.
Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa Thứ trưởng, chủ trương của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ là huy động mọi nguồn lực để có thể tìm kiếm và tiếp cận nhanh nhất với các nguồn vắc xin an toàn trên thế giới. Hiện chúng ta đã có một số văn bản hướng dẫn. Rất nhiều đơn vị, địa phương có mong muốn được nhập khẩu vắc xin để tự chủ. Hiện tại các quy định hướng dẫn của chúng ta đã đến khâu nào rồi và có gặp vướng mắc gì hay không?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Chúng tôi cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Bộ Chính trị, của Chính phủ và Thủ tướng để chúng ta có thể tiếp cận nhiều nguồn, mau chóng đưa lượng lớn nhất vắc xin về Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn
Về phía Bộ Y tế, chúng tôi đã có các văn bản thông báo tới các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin trên tinh thần Bộ Y tế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi khi rõ nguồn vắc xin.
Đối với các vắc xin được WHO, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép, Bộ Y tế đảm bảo cấp phép trong vòng 5 ngày. Với các vắc xin khác khi chưa được WHO và một số tổ chức thế giới như FDA, cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) công nhận, Bộ Y tế sẽ cố gắng thẩm định và cấp phép trong vòng 10 ngày nếu như đủ tiêu chuẩn.
Bộ Y tế sẵn sàng giải đáp các thắc mắc cũng như tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đàm phán cũng như trong quá trình vận chuyển vắc xin về Việt Nam.
Cuối năm 2021 sẽ có nhiều vắc xin nội
Nhà báo Thúy Hạnh: Như vậy với sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ cũng như Bộ Y tế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng từ giờ đến cuối năm chúng ta sẽ có khoảng hơn 100 triệu liều vắc xin về tới Việt Nam để đảm bảo cho tiêm chủng.
Hiện tại chúng ta được biết dịch Covid-19 chắc chắn sẽ không thể tự mất đi như một số đại dịch từng có. Tức dịch sẽ còn kéo dài và vắc xin là bài toán dài lâu và phải tiêm nhắc lại hàng năm. Do đó song song với tìm nguồn vắc xin nhập khẩu để đáp ứng tình trạng khẩn cấp, việc nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước được xem là một trong những ưu tiên hiện tại của Chính phủ. Hiện tại các vắc xin ở trong nước của chúng ta phát triển đến giai đoạn nào rồi, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Chúng tôi cho rằng vắc xin là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định việc thành công hay không trong chiến lược phòng chống Covid-19 của chúng ta.
Ngay từ tháng 4-5/2020, lãnh đạo Bộ Y tế đã chủ động gặp gỡ các nhà khoa học, các tổ chức và các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin để động viên, khích lệ các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Tiếp theo đó, Bộ Y tế cũng cử các nhà khoa học có kinh nghiệm đồng thời cùng với hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt của Tổ chức Y tế thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị trực tiếp, trực tuyến để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, thiết kế đề cương nghiên cứu. Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện nhanh nhất, khẩn trương nhất. Đương nhiên chúng ta cũng không thể cắt được các quy trình phải có để đảm bảo khách quan, khoa học bởi lẽ chúng tôi xác định vắc xin là sản phẩm đặc biệt, không những liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của con người mà còn liên quan tới cả cộng đồng. Chính vì vậy, chúng ta khẩn trương nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ và khoa học.
Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, của các nhà khoa học và sự đồng tâm nhất trí của một số tổ chức, các đơn vị sản xuất vắc xin, tới nay chúng ta đã có một số đơn vị ban đầu thành công trong nghiên cứu sản xuất vắc xin.
Cụ thể như vắc xin Nanocovax của Nanogen bắt đầu chuyển sang pha 3. Mặc dù Nanogen chưa hoàn thiện hết pha 2, tức chúng ta chưa có dữ liệu đầy đủ của pha 2 tuy nhiên dựa trên kết quả ban đầu của pha 2, Hội đồng khoa học, Hội đồng đạo đức quốc gia đã cho phép thực hiện ngay pha 3.
Đồng thời, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, hội đồng tiếp tục họp để tăng tốc, đẩy nhanh pha 3, làm pha 3 luôn với tổng số 13.000 tình nguyện viên, phấn đấu đến 15/7 tiêm hết mũi 1 cho 13.000 tình nguyện viên và đến 15/8 tiêm xong mũi 2. Phấn đấu tới cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ có số liệu ban đầu của pha 3 để dựa vào đó hội đồng đạo đức, Bộ Y tế sẽ xem xét, cân nhắc trình tới Bộ Y tế cũng như Chính phủ để có biện pháp cần thiết.
Thứ hai, đối với IVAC, công ty sinh phẩm Nha Trang, hiện đã hoàn thành pha 1 và đang gửi kết quả đánh giá sang Canada. Chúng tôi chắc rằng cuối tháng 6 này sẽ có kết quả và sẽ bắt đầu tiến hành pha 2 vào tháng 7 tới. Chúng tôi hy vọng trong năm 2021 sẽ xong pha 2 và đầu 2022 sẽ tiến hành pha 3.
Bên cạnh đó, có một số đơn vị khác đang tiếp nhận nghiên cứu, chuyển giao từ một số tổ chức nghiên cứu của nước ngoài.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia
Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa GS Đức Anh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng là một trong hai đơn vị cùng tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC). Đây cũng là một trong những ứng viên vắc xin đang rất được kỳ vọng tại Việt Nam như Thứ trưởng vừa đề cập. Hiện tại vắc xin Covivac đã tiêm xong giai đoạn 1 rồi, vậy hiện kết quả đánh giá ban đầu về vắc xin này như thế nào? Người dân cũng đang rất hy vọng và kỳ vọng vào vắc xin này. Vậy xin GS thông tin thêm!
GS Đặng Đức Anh: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với ĐH Y Hà Nội để thử nghiệm vắc xin của IVAC với tên là Covivac. Như Thứ trưởng đã nói, giai đoạn 1 đã hoàn thành, hiện đang gửi mẫu sang Canada để đánh giá về tính sinh miễn dịch.
Tuy nhiên theo số liệu của chúng tôi, vắc xin này ở giai đoạn 1 có tính an toàn rất tốt. Đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan. Chúng tôi cũng đang đợi kết quả của Canada là một cơ quan độc lập đánh giá rất khách quan. Cuối tháng 6 này khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế và xin phép triển khai giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 7, được thực hiện ở Thái Bình.
Kết thúc giai đoạn 2 chúng ta sẽ có số lượng người tham gia nhiều hơn, có thể đến cuối năm cũng xin phép Hội đồng đạo đức triển khai giai đoạn 3. Và cũng hy vọng vắc xin này cũng sớm được sử dụng vào đầu năm 2022.
Nhà báo Thúy Hạnh: Và đây cũng là một thông tin rất vui với người dân.
Thưa Thứ trưởng, hiện tại chúng ta đang triển khai cùng lúc rất nhiều hướng để có vắc xin. Song song vắc xin nhập khẩu, mình đẩy mạnh nghiên cứu trong nước. Ngoài ra còn mũi thứ 3 là chúng ta đang tiếp nhận chuyển giao vắc xin từ nước ngoài. Vậy hiện tại ở Việt Nam có những đơn vị nào đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài rồi?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Có thể nói, việc chuyển giao công nghệ được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm. Chúng ta có thể thấy, gần đây nhất vào thứ 5 vừa qua, Thủ tướng đã có hội đàm với Tổng giám đốc của WHO, trong đó đề xuất với WHO, bên cạnh việc chuyển giao sẽ cử các chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam để công nhận, nếu đạt yêu cầu thì vắc xin của Việt Nam có thể xuất khẩu ra nước ngoài trong tương lai.
Hiện tại, chúng ta có các đơn vị nhận chuyển giao của một số tổ chức, một số công ty nước ngoài. Trước hết công ty Vabiotech từ từ tháng 7 tới sẽ đóng bán thành phẩm vắc xin Sputnik của Nga kết hợp chuyển giao công nghệ của Nga với công suất trước mắt khoảng 5 triệu liều/tháng.
Bên cạnh đó, Vabiotech đã ký biên bản ghi nhớ với công ty ANZ của Nhật Bản. Đây là công ty đã thành công pha 2 với công nghệ hiện đại ADN và sắp tới chúng tôi đang bàn với ANZ Nhật Bản và Vabiotech dự kiến sẽ khởi động pha 3 vào tháng 7 tới tại Việt Nam kết hợp với chuyển giao công nghệ.
Như vậy nếu thuận lợi, chúng ta có thể thành công pha 3 trong 3-5 tháng. Như vậy, vắc xin này sẽ là vắc xin đầu tiên chúng ta chuyển giao thành công tại Việt Nam.
Chúng ta cũng đang bàn với Cuba về việc chuyển giao công nghệ, hợp tác cũng như nghiên cứu pha 3 với vắc xin của Cuba.
Bên cạnh đó Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang bàn bước đầu với Việt Nam về chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, có một tập đoàn lớn đã được chính phủ giao để nhận chuyển giao công nghệ từ hoa Kỳ. Tập đoàn này cũng đang khẩn trương tiếp nhận, song song với việc xây dựng nhà máy đồng thời cũng kết hợp với họ thử nghiệm lâm sàng pha 3. Chúng tôi hy vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể đưa sản phẩm vắc xin vào thực tế.
Nhà báo Thúy Hạnh: Theo Thứ trưởng đánh giá, việc các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp nhận chuyển giao các công nghệ vắc xin của nước ngoài có gặp khó khăn gì hay không?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Trước hết, các công nghệ của nước ngoài, đặc biệt các nước phát triển có công nghệ mới, chúng ta chưa có thời gian làm quen như vậy chắc chắn phải mất một thời gian làm quen trong quá trình triển khai.
Thứ hai, về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị của chúng ta hiện tại cũng chưa đáp ứng được. Như vậy chúng ta cũng phải có một khoảng tối thiểu 5-6 tháng để xây dựng nhà xưởng kết hợp với trang thiết bị.
Thứ ba, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về vắc xin ở Việt Nam hiện tại đang thiếu, bởi lẽ chúng ta đang có rất nhiều bất cập trong đãi ngộ chính sách cũng như giá vắc xin quá rẻ tại Việt Nam nên không khuyến khích, không khích lệ được các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng rằng những tồn tại này sẽ được khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam có thể tiêm 1 triệu liều vắc xin/ngày
Nhà báo Thúy Hạnh: Như vậy là chúng ta đang có cùng lúc 3 hướng để có được vắc xin tiêm cho người dân. Tuy nhiên có một bài toán khác được đặt ra là từ chúng ta từ giờ đến cuối năm Chính phủ đặt mục tiêu là có thể tiêm cho 70% dân số. Khoảng thời gian chỉ còn 6 tháng mà sắp tới vắc xin về ồ ạt, vậy liệu chúng ta có thể hoàn thành được chỉ tiêu này không, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Như GS Đức Anh vừa trao đổi, vừa qua, cụ thể ngày 24/6, Bộ trưởng Y tế sau khi bàn bạc với các Bộ ban ngành đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiêm phòng vắc xin Covid-19 quốc gia, bao gồm Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TT&TT và Bộ GTVT. Và chúng tôi chia ra nhiều tiểu ban, bao gồm tiểu ban vận chuyển, tiểu ban tiêm chủng, tiểu ban an toàn tiêm chủng, tiểu ban giám sát, tiểu ban công nghệ thông tin và truyền thông và văn phòng của Ban chỉ đạo.
Theo đó, chúng tôi đã chuẩn bị về kho bãi, nhà xưởng cũng như trang thiết bị cần thiết như tủ, xe để vận chuyển đồng thời xây dựng phần mềm, vừa qua đã thí điểm thành công tại TP.HCM và tới đây sẽ áp dụng nhân rộng ra cả nước trong chiến dịch để đảm bảo mọi việc được chuẩn bị kỹ nhất, đảm bảo cho chiến dịch sắp tới của chúng ta được tiến hành một cách an toàn, hiệu quả và thành công.
Nhà báo Thúy Hạnh: Hiện tại Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đóng vai trò quan trọng nhất trong việc điều phối, triển khai các hoạt động tiêm chủng trong chiến dịch lần này, vậy để có thể tiêm được hết 150 triệu liều vắc xin, chúng ta đã lên kế hoạch cụ thể ra sao, trường hợp chuẩn bị hết các khâu, chúng ta có thể tiêm bao nhiêu triệu mũi trong 1 tuần?
GS Đặng Đức Anh: Thực ra, với chiến dịch lớn nhất toàn quốc như thế này, chúng ta sẽ sử dụng tất cả điểm tiêm chủng. Nếu trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì có các điểm ở xã phường, trên toàn quốc thì chúng ta có ít nhất 11.000 điểm. Ngoài ra có các cơ sở tiêm chủng tại các bệnh viện, cơ sở y tế khác rồi các đơn vị quân đội, công an đều tham gia. Nếu đồng loạt chúng ta cùng tiến hành tiêm chủng, ít nhất mỗi ngày 1 điểm tiêm chủng có thể tiêm được 100 người và chúng ta nhân lên thì con số có thể là hơn 1 triệu người.
Nếu chúng ta chuẩn bị tốt, thì việc thực hiện tiêm chủng với số lượng lớn như vậy sẽ được hoàn thành. Chúng tôi tin tưởng, việc thành lập BCĐ với rất nhiều sự tham gia của rất nhiều bộ ngành và các đơn vị trong Bộ Y tế, việc triển khai sẽ được thuận lợi: Thứ nhất, về việc vận chuyển, bảo quản vắc xin trong điều kiện rất là tốt, thứ hai tập huấn tất cả kỹ thuật về tiêm chủng cũng như đảm bảo an toàn tiêm chủng, có các đội cấp cứu và các hướng dẫn rất cụ thể. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ thành công trong việc triển khai chiến dịch lớn nhất trong cả nước chưa bao giờ có ở Việt Nam như sắp tới.
Nhà báo Thúy Hạnh: Với những kinh nghiệm chúng ta đã từng làm tốt trong các chương trình tiêm chủng mở rộng trước đây cho hàng triệu trẻ em thì người dân hoàn toàn có thể tin tưởng. Nhưng mà có một vấn đề, gần đây đội ngũ tiêm chủng tại các tỉnh đã được tập huấn, nhưng tại sao vẫn còn tình trạng rất nhiều địa phương, ví dụ như trong 24 giờ qua một số địa phương chỉ tiêm được 7-40 trường hợp, theo GS có thể giải thích lý do chậm trễ ở đây là vì sao?
GS Đặng Đức Anh: Bước đầu có thể một số địa phương còn hơi lúng túng nhưng chúng tôi nghĩ trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những hỗ trợ về tập huấn cũng như hướng dẫn và chúng ta sẽ mở rộng các điểm tiêm.
Vừa rồi một số tỉnh tổ chức tiêm chủng, tập trung hơi nhiều người thì chúng tôi cũng có khuyến cáo nên mở rộng các điểm tiêm và chia nhỏ nhóm người được tiêm để chúng ta triển khai được nhanh hơn. Đồng thời cũng hướng dẫn rất chi tiết về an toàn tiêm chủng, đảm bảo người đến tiêm sẽ được đảm bảo về an toàn tiêm chủng.
Nhà báo Thúy Hạnh: Giáo sư vừa đề cập đến an toàn tiêm chủng. Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, Bộ Y tế luôn luôn có quan điểm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Sắp tới chúng ta triển khai tiêm đến hàng trăm triệu liều vắc xin như thế, vậy làm sao vừa đảm bảo tốc độ mà vẫn đảm bảo an toàn?
GS Đặng Đức Anh: Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể về an toàn tiêm chủng, các điểm tiêm đều được tập huấn đầy đủ. Nếu người tiêm gặp những phản ứng sau tiêm thì đã có những hướng dẫn đảm bảo được điều trị một cách kịp thời. Nếu những triệu chứng tiến triển nặng hơn, chúng ta sẽ có những đội cấp cứu sẵn sàng để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện một cách sớm nhất để được điều trị kịp thời.
Nhà báo Thúy Hạnh: Tức là tại các điểm tiêm, kể cả điểm tiêm di động chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức các đội cấp cứu cơ động để chờ trực sẵn, xử lý các trường hợp nguy cấp đúng không ạ?
GS Đặng Đức Anh: Vâng, việc tổ chức như vậy cũng đã được hướng dẫn và được tập huấn rất đầy đủ.
Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa Thứ trưởng, hiện tại chúng ta đang tiêm chủ yếu là vắc xin AstraZeneca, nhưng thực tế cũng có một bộ phận người dân đang e ngại, trì hoãn để đợi chờ các vắc xin khác ít tác dụng phụ hơn. Vậy thứ trưởng có thể khuyên người dân như thế nào trong những trường hợp này?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Như khẳng định của nhiều nhà khoa học, không có vắc xin nào hiệu quả 100% và không có vắc xin nào an toàn 100%. Chúng tôi khuyên người dân chúng ta có vắc xin nào thì hãy dùng vắc xin đó.
Bên cạnh đó, một số nước đã nghiên cứu có thể dùng 2 loại vắc xin ở 2 thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ trước mắt có thể dùng vắc xin AstraZeneca, sau có thể dùng Pfizer và một số vắc xin khác. Qua nghiên cứu, nhiều khi vắc xin khác hãng, khác dòng thì hiệu quả miễn dịch còn cao hơn.
Chúng tôi trân trọng đề nghị người dân chúng ta đừng quá kén chọn. Trước hết có vắc xin nào thì hãy vui lòng, có trách nhiệm thì tiêm vắc xin đó. Thứ hai, có vắc xin nhưng vẫn phải quan tâm và thực hiện đúng theo khuyến cáo vắc xin+ 5k của Bộ Y tế.
Nhà báo Thúy Hạnh: Đứng ở góc độ người làm chuyên môn, giáo sư Đức Anh sẽ khuyên người dân như thế nào? Vừa qua TP.HCM tiêm 3 ngày khoảng hơn 400.000 liều vắc xin, trong đó ghi nhận hơn 1.100 trường hợp gặp phản ứng phản vệ sau tiêm, trong đó có khoảng 15 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4, theo giáo sư tỉ lệ này ở mức nào so với thế giới?
GS Đặng Đức Anh: Vâng, cũng như Thứ trưởng vừa nói, chúng ta không có vắc xin nào an toàn tuyệt đối an toàn 100%. Tất nhiên chúng ta sẽ gặp phản ứng sau tiêm, có thể là phản ứng nhẹ hoặc phản ứng nặng và tỉ lệ như vừa rồi chúng ta thấy ở TP.HCM là cũng hoàn toàn tương tự như tỉ lệ nếu tính tất cả mũi tiêm đã thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới, và tỉ lệ đó hoàn toàn nằm trong tỉ lệ cho phép đã được WHO công bố với AstraZeneca cũng như một số vắc xin khác.
Nhà báo Thúy Hạnh: Khi nãy Thứ trưởng có nói đến chúng ta hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc tiêm 2 loại vắc xin cho 2 mũi, hẳn việc này cũng đã được nghiên cứu và tính đến ở Việt Nam, thưa GS Đức Anh?
GS Đặng Đức Anh: Việc này đã được nghiên cứu ở nhiều nước châu Âu cũng như ở Mỹ. Số liệu ở Tây Ban cho thấy nếu tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer thì đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại.
Ở Anh đang nghiên cứu mũi 2 tiêm các loại vắc xin khác như Moderna hoặc Sputnik… và số liệu bước đầu cũng rất khả quan. Tuy nhiên chúng tôi cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến Thứ trưởng, chúng tôi khuyến cáo người dân nếu chúng ta có vắc xin nào thì chúng ta tiêm vắc xin đó vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vắc xin có tỉ lệ gần như nhau và không có vắc xin nào tuyệt đối an toàn 100%.
Sẽ tiêm vắc xin dịch vụ ở thời điểm phù hợp
Nhà báo Thúy Hạnh: Vâng vậy là người dân nên tránh tâm lý chờ đợi và nếu chúng ta thuộc diện được tiêm thì hãy đi tiêm ngay.
Thưa Thứ trưởng, theo kế hoạch, trước mắt trong năm nay Việt Nam sẽ triển khai tiêm vắc xin miễn phí cho người dân, tuy nhiên mới đây trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có yêu cầu Bộ Y tế xây dựng sẵn phương án triển khai song song tiêm vắc miễn phí và dịch vụ khi tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng. Vậy việc này có đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin không, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Chúng tôi nghĩ rằng đây là câu hỏi rất hay và mọi người rất quan tâm.
Như tôi đã trình bày, ngay nguồn Covax miễn phí chúng ta đã có 38,9 triệu liều và như vậy đủ bao phủ cho 19,4 triệu người ưu tiên. Bên cạnh đó chúng ta mở rộng ra cho công nhân và đã có thêm 30 triệu liều của VNVC ký với Bộ Y tế đã được Chính phủ mua lại với giá phi lợi nhuận. Như vậy với những người không quá dư dả điều kiện, thì đã được Đảng, Chính phủ lo miễn phí. Và để tăng nhanh nguồn cung, đa dạng hóa nguồn vắc xin, đa nguồn lực và đỡ cho ngân sách quốc gia, chúng tôi tin rằng chủ chương tiêm dịch vụ cũng hợp lý và Bộ Y tế sẽ đề xuất xem xét ở một thời điểm phù hợp.
Nhà báo Thúy Hạnh:Tức là chúng ta cũng chưa biết thời điểm nào sẽ triển khai tiêm dịch vụ. Trước mắt trong năm nay chúng ta sẽ dồn lực tập trung triển khai tiêm cho 75 triệu dân trước đúng không ạ?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Hiện tại nguồn cung vắc xin rất hiếm, đặc biệt là trước tháng 9. Như vậy chúng ta không thể chắc được số lượng cụ thể là bao nhiêu liều sẽ về đến tháng 9, chúng tôi chỉ dám nói tương đối thôi chứ không dám hoàn toàn chắc chắn. Như vậy chúng ta phải ưu tiên các đối tượng thuộc Nghị quyết 21, đồng thời theo chủ trương của Chính phủ là vừa phòng chống dịch vừa làm kinh tế để đạt mục tiêu kép. Như vậy đối với công nhân trong khu công nghiệp, chúng ta phải coi họ như các chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, phải bảo vệ để họ an tâm trong phát triển kinh tế để đạt mục tiêu kép theo Chính phủ đề ra.
Nhà báo Thúy Hạnh: Thứ trưởng đang nói đến công tác triển khai tiêm chủng. Hiện tại các lô vắc xin về Việt Nam hầu hết phân đều cho các địa phương, có ý kiến cho rằng tại sao mình không dồn lực tiêm trọng điểm cho các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, liệu chúng ta có xem xét đến phương án này chưa?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Đây cũng là phương án mà Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đang thực hiện dựa trên cân bằng nhiều yếu tố. Trước hết chúng ta phân bố vắc xin dựa vào tỉ lệ mắc của vùng đó, thứ 2 là dân số, thứ 3 là mật độ dân số và thứ 4 là một số yếu tố khác ví dụ như tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp thì chúng ta ưu tiên. Đây là biện pháp mà chúng ta đã và đang thực hiện và chúng tôi cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Chính phủ và Ban chỉ đạo.
Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa quý vị, rõ ràng vắc xin ngừa Covid-19 là bài toán căn cơ và lâu dài để chấm dứt đại dịch. Tại nhiều quốc gia có lệ tỉ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Israel, hay một số nước ở EU, các hoạt động đã dần trở lại bình thường.
Vì vậy hơn bao giờ hết, Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực để tiếp cận với các nguồn vắc xin Covid-19.
Những ngày này, người dân Việt Nam trên khắp cả nước, các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI và cả các kiều bào ở nước ngoài đang đồng lòng góp sức cùng Chính phủ vượt qua đại dịch thông qua ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19.
Tính đến nay con số ủng hộ đã lên 8.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một nguồn lực lớn góp phần cùng Chính phủ đảm bảo tài chính mua đủ 150 triệu liều vắc xin, tiến tới đạt dịch cộng đồng.
Với sự nỗ lực cao nhất của Chính phủ và của mọi người dân, chúng ta kỳ vọng sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch trong tương lai gần.
Đến đây, chương trình xin được kết thúc. Cảm ơn 2 vị khách mời đã tham gia chương trình!
Theo VietNamNet