Có thời điểm trứng không bán được chất thành núi

Là một trong 100 gương mặt Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, lão nông Nguyễn Văn Mùi ở xã Tân Liễu (Yên Dũng, Bắc Giang) vui vẻ nói, trước khi trở thành tỷ phú chăn vịt đẻ ở nơi đồng chiêm trũng, hành trình khởi nghiệp của ông cũng đầy gian nan. Có những lúc trắng tay vì con vịt và con lợn, có thời điểm trứng vịt chất cao như núi mà không biết bán đi đâu. 

Nhưng giờ đây, trứng vịt lộn làm ra đến đâu xuất bán cho các công ty đến đó, đều đặn tháng nào cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ông kể, xã Tân Liễu quê ông là nơi đồng chiêm trũng, trồng lúa chỉ được một vụ, lại bấp bênh, năm được năm mất. Đổi lại, cánh đồng ấy quanh năm ngập úng nên cá tôm nhiều. Từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, vợ chồng ông lại dầm mình nơi đồng trũng đánh bắt cá tôm. 

Tự nhận mình là “tay sát cá”, có đêm ông kiếm được 2 tạ cá tôm đồng. Thế nhưng, sau hơn 5 năm dầm sương dãi nắng, ông đổ bệnh, cơ thể chỉ còn da bọc xương nên đành bỏ nghề.

Ông Nguyễn Văn Mùi (người đầu tiên từ trái sang) dự hội nghị về tam nông ở Hà Nội (Ảnh: Khánh Nguyên)

Năm 2000, ông quyết định đầu tư làm con đường nội đồng 1km để được nhận thầu 3ha ruộng, với mục đích mở trang trại chăn nuôi. Mấy năm sau, con đường hoàn thành, ông bắt tay vào nuôi 1.000 con vịt và mấy chục con lợn nái. Không lâu sau đó, dịch lở mồm long móng khiến đàn lợn của ông chết sạch. Vợ chồng ông trắng tay, nợ đầm đìa.

Cả gia đình khăn gói vào miền Nam kiếm sống, thậm chí ông còn sang Đài Loan làm công nhân. 

Năm 2012, từ Đài Loan trở về, trên mặt bằng sẵn có, ông bỏ ra 100 triệu đồng xây chuồng trại, mua 2.000 con vịt đẻ về nuôi. Trong quá trình đi bán trứng khắp nơi, ông học được nghề ấp trứng vịt lộn. 

Năm 2013, ông vay mượn tiền của anh em họ hàng, mua máy ấp trứng và quyết định mở rộng quy mô đàn vịt. Bởi, ông nhận thấy thị trường trứng vịt lộn, trứng thương phẩm rất nhiều tiềm năng, nhất là trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bùng nổ các khu công nghiệp, nhu cầu thực phẩm lớn.

Theo đó, ông thuê người chở mấy nghìn xe đất đổ xuống cánh đồng trũng cải tạo thành trang trại chăn nuôi. Từ năm 2013-2017, mỗi năm ông đầu tư 1 tỷ đồng để mở rộng trang trại. 

Song, thay vì chăn nuôi vịt đẻ theo cách truyền thống, ông Mùi chọn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với 3.000 con ở hai khu. Mỗi khu được xây tách bằng tường xây và rào lưới, có cổng ra vào riêng. Chuồng lắp bể nước sạch, máng ăn chuyên dụng, có đệm lót sinh học, có hố sát trùng sạch sẽ. 

“Tôi sợ bị thất bại và lại trắng tay như trước nên tính toán cẩn thận, chọn cách chăn nuôi an toàn sinh học để quả trứng đạt chất lượng cao”, ông chia sẻ. Cũng bởi tư duy mới này, trang trại vịt của ông Mùi cho thu lãi tiền tỷ, không năm nào thua lỗ.

Tại trang trại của ông Mùi, chỉ riêng vịt đẻ đã lên tới 8.000 con (Ảnh: Khánh Nguyên)

Năm 2018, ông mở rộng quy mô đàn vịt đẻ lên 8.000, nuôi thêm 2.000 con ngan. Mỗi ngày ông nhặt khoảng 6.000 quả trứng. Ông đưa vào ấp trứng vịt lộn, ấp nở vịt con,... Năm 2020, ông thành lập Hợp tác xã Tiến Phát, liên kết cùng 8 hộ dân nuôi vịt đẻ trứng. 

“Cũng trong năm 2020 này, dịch Covid-19 khiến tôi lỗ tiền tỷ, trứng chất thành núi trong nhà mà không biết bán đi đâu”, ông nói.

Tân Liễu khi đó là xã đầu tiên ở Bắc Giang có ca Covid-19 nên áp dụng lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Lúc đó, ông Mùi mang trứng đi tiêu thụ không được, mua thức ăn cho đàn vịt cũng khó khăn.

“Tôi không cho trứng vào ấp nữa mà liên hệ với xã, huyện xin giấy thông hành, mang trứng vịt đi tặng các chốt kiểm dịch, khu cách ly, khu công nghiệp khắp trong và ngoài tỉnh”, ông chia sẻ.

Từ những chuyến đi đó, ông có được đơn hàng cung cấp trứng cho các khu công nghiệp, khu cách ly. Không chỉ tiêu thụ hết trứng của gia đình, ông còn góp phần tiêu thụ trứng cho bà con trong xã. 

Liên kết sản xuất thu lãi tiền tỷ

Dịch bệnh qua đi, từ trang trại của ông những xe trứng vịt lại được phân phối đi khắp mọi nơi. Năm 2022, nhờ giá trứng ổn định, mỗi tháng ông thu bình quân 120-130 triệu đồng. Tính ra một năm cũng lãi khoảng 1,5 tỷ đồng. 

Để có được khoản lãi tiền tỷ này, ông Mùi ký được hợp đồng bán trứng cho Công ty Samsung Việt Nam từ năm 2019. Ngoài ra, ông cung cấp trứng cho nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn. 

“Chỉ riêng bán trứng cho cho Samsung mỗi ngày đã lên tới 15.000 quả. Một tháng cung ứng cho họ khoảng 450.000 quả trứng”. Ông nói và cho biết, nguồn trứng này là của gia đình và các thành viên trong hợp tác xã. 

Ông chăn nuôi an toàn sinh học nên chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh: Khánh Nguyên)

Theo ông, khi ký kết hợp đồng cung ứng trứng cho các doanh nghiệp, ông phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt dịch bệnh trong trang trại... Đổi lại, cái lợi lớn nhất là giá cả luôn ổn định bất kể thị trường bên ngoài có biến động lên xuống ra sao.

Đây cũng là lý do những năm gần đây người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn tăng phi mã, giá sản phẩm gà và trứng bán ra lao dốc, còn ông thảnh thơi sáng sáng thu nhặt trứng và bán đi thu lãi đều đặn hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

“Nuôi con gì trồng cây gì bây giờ cũng phải nhìn vào thị trường, không thể giữ thói quen nhà có gì đem ra chợ bán cái đó như trước. Khi làm phải tính toán được đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy mới phát triển bền vững”, ông Mùi cho hay.

Ông và hợp tác xã hiện nay đều có các mối hàng chung thủy là các doanh nghiệp. Thế nên, anh em chăn nuôi đều sống khoẻ, vẫn thu được lãi cao.

Đỗ Trang